Việt Nam thí điểm nối lại đường bay với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, tần suất 1-2 chuyến/ tuần

Sau khi xem xét, đánh giá tình hình phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại một số quốc gia/vùng lãnh thổ và tại Việt Nam, Chính phủ đã duyệt phương án nối lại đường bay tới một số địa điểm trong khu vực châu Á.
Việt Nam thí điểm nối lại đường bay với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - Ảnh 1.

Tàu bay của hãng hàng không Đài Loan Eva Air tại Nội Bài. Ảnh: Đức Quyền.

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, từ trung tuần tháng 7/2020, Việt Nam sẽ thí điểm nối lại đường bay quốc tế với tần suất từ 1-2 chuyến/tuần tới Quảng Châu (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), và Tokyo (Nhật Bản).

Các địa điểm hạ, cất cánh tại Việt Nam bao gồm Sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội); Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) và Đà Nẵng.

Trên cơ sở kết quả việc mở lại một số đường bay như nêu trên, Chính phủ sẽ định kì đánh giá phương án thí điểm này để kịp thời điều chỉnh tần suất các chuyến bay phù hợp với tình hình.

Việt Nam có thể tiếp tục nghiên cứu và đề xuất thêm một số địa điểm khác trong khu vực châu Á trên cơ sở phù hợp với diễn biến dịch bệnh và thỏa thuận song phương với các nước.

Đối tượng khách tham gia các chuyến bay trên là những đối tượng ưu tiên nhập cảnh Việt Nam trong thời điểm hiện nay, gồm: (1) Công dân Việt Nam; (2) Người nước ngoài là các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lí doanh nghiệp, lao động tay nghề cao; (3) Người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và thân nhân; và (4) Một số trường hợp đặc biệt khác. 

Khách thuộc các đối tượng này đến từ các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới có thể nhập cảnh Việt Nam thông qua các chuyến bay nối chuyến tại 4 địa điểm tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nêu trên.

Người nhập cảnh phải tuân thủ các điều kiện kiểm dịch y tế và cách li phù hợp với qui định hiện hành về phòng chống dịch của Bộ Y tế Việt Nam.

Để nhập cảnh Việt Nam theo các đường bay như nêu trên, trước khi đặt vé trên các chuyến bay thương mại, công dân nước ngoài cần liên hệ cơ quan/tổ chức mời đón và bảo lãnh ở Việt Nam để làm thủ tục xin cấp phép nhập cảnh tại cơ quan quản lí xuất nhập cảnh Việt Nam, và đảm bảo phương án cách li theo quy định hiện hành. 

Sau khi có văn bản cấp phép nhập cảnh của Bộ Công an (Cục Quản lý Xuất nhập cảnh), công dân nước ngoài liên hệ Cơ quan đại diện Việt Nam để hoàn thành các thủ tục về thị thực.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.