Việt Nam thúc đẩy nền kinh tế ban đêm như thế nào?

Ngày 19/7, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các bộ, UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương yêu cầu chủ động nghiên cứu chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm của Trung Quốc.
 - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài mua sắm tại chợ đêm Bến Thành, quận 1, TP HCM. (Ảnh: QUAN G ĐỊNH)

Hiện các đô thị lớn ở Việt Nam như TP HCM, Hà Nội... đã dần hình thành hoạt động kinh tế ban đêm, trong đó TP HCM nhộn nhịp nhất với nhiều hoạt động như phố đi bộ, phố ẩm thực, chợ đêm..., mới nhất là sự bùng nổ của hệ thống cửa hàng tiện lợi. 

Cả nước có hơn 2.300 cửa hàng tiện lợi, trong đó khoảng 1.000 cửa hàng hoạt động 24/24 giờ, tập trung ở TP HCM và Hà Nội.

Không thể giữ khách nếu thiếu sản phẩm ban đêm

Ông Huỳnh Văn Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Ngôi Sao Biển, chủ đầu tư chuỗi chợ đêm ở Phú Quốc, Đà Nẵng - cho biết chủ trương phát triển nền kinh tế ban đêm của Trung Quốc đáng để Việt Nam học hỏi. Nhưng Việt Nam nên làm theo cách của mình, tối ưu hóa hơn.

Theo ông Sơn, nếu Chính phủ Trung Quốc muốn thông qua hỗ trợ tài chính (cho tiền) để khuyến khích các loại hình dịch vụ về đêm phát triển thì ở Việt Nam, doanh nghiệp chỉ cần tài trợ bằng cơ chế, chính sách, quy hoạch địa điểm rõ ràng, chính sách miễn giảm thuế hoặc miễn giảm giá thuê mặt bằng. 

Quan trọng khi xác định muốn phát triển kinh tế về đêm, địa phương cần phải xác định khu vực, địa bàn, từ đó Nhà nước xác định cơ chế, chính sách hỗ trợ như thế nào, sau đó mới kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

 - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài mua sắm tại chợ đêm Bến Thành, quận 1, TP HCM. (Ảnh: QUAN G ĐỊNH).

Gần đây, TP HCM đang có kế hoạch phát triển phố chuyên doanh ẩm thực về đêm, đó cũng là hướng ra để phát triển nền kinh tế về đêm, đặc biệt trong thu hút khách du lịch.

Trên cơ sở xác định tuyến đường, khu vực quy hoạch, doanh nghiệp tham gia đầu tư kèm những chính sách ưu đãi tiền thuê mặt bằng... Những chính sách này phải đi trước một bước để công bố minh bạch doanh nghiệp tham gia nhanh.

4 tỉ USD Đó là quy mô kinh tế ban đêm của thành phố cảng Sydney (Úc) trong năm 2017. (Theo China Daily)

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Vietravel - cũng cho rằng du lịch Việt Nam đang bỏ trống một khoảng lớn về dịch vụ ban đêm. Các sản phẩm du lịch hiện nay cũng đang tập trung chủ yếu vào khung thời gian từ 7h sáng đến 5h chiều. 

Đây là sản phẩm tạo ra thu nhập cứng trong khi sản phẩm thu được nhiều tiền nhất là từ 6h tối đến 2h sáng lại không được phát triển nên du khách về đêm không có chỗ tiêu tiền, lang thang về ngủ sớm. Như vậy rất phí.

 - Ảnh 4.

Không có sản phẩm ban đêm không cách gì giữ khách và tạo nguồn thu cho người dân địa phương cũng như ngân sách.

Theo khảo sát, doanh thu sản phẩm dịch vụ du lịch ban ngày chỉ chiếm 30%, trong khi 70% còn lại nằm ở khung giờ đêm.

Theo ông Kỳ, trong du lịch về đêm, chợ đêm và phố đi bộ đang được xem là sản phẩm phù hợp với môi trường, địa phương và thói quen mua sắm của du khách. Tuy nhiên, một số nơi phát triển, thiếu quy hoạch hợp lý nên chưa tạo được sức hút.

Do không có quy hoạch nên phố đi bộ Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) trở thành "phố ăn nhậu". Phố đi bộ Nguyễn Huệ thì thiếu chương trình văn hóa, nhiều người mua bán hàng rong, rác xả vô tội vạ, rất đáng tiếc. Ông Nguyễn Quốc Kỳ (tổng giám đốc Vietravel).

Nhiều lợi ích

Tại đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), mô hình kinh tế ban đêm chủ yếu chỉ có chợ đêm Dương Đông ở trung tâm đảo và một số điểm kinh doanh ăn uống khác. 

Ông Huỳnh Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc - nhìn nhận kinh tế về đêm còn khá mới mẻ. Theo ông Hưng, hiện tại chợ đêm Dương Đông có hơn 100 hộ kinh doanh ăn uống, chủ yếu là hải sản và bia.

Ông Trần Chí Dũng - Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang - cho rằng với tình hình thực tế, mô hình chợ ẩm thực về đêm kết hợp kinh doanh quần áo, giày dép, đồ lưu niệm có thể là gợi ý tốt để khởi đầu xây dựng nên kinh tế ban đêm. Tuy nhiên, mô hình này không phải cứ triển khai là sẽ thành công.

 - Ảnh 7.

Du khách ăn uống tại chợ đêm Phú Quốc (Kiên Giang). (Ảnh: Q.ĐỊNH).

Đơn cử như chợ đêm Đông Hồ ở thành phố Hà Tiên, chợ đêm An Hòa ở thành phố Rạch Giá đều hình thành và dần mai một. Để một khu chợ đêm tồn tại lâu dài thì ẩm thực mang đậm chất địa phương là mấu chốt. Bên cạnh đó còn phải có các mặt hàng lưu niệm phong phú nữa mới đủ sức níu chân du khách.

Trong khi đó, theo một số du khách, Nha Trang vẫn còn ít các dịch vụ vui chơi về đêm. Chị Maria Ekaterina - du khách Nga - cho biết: "Các dịch vụ vui chơi ở Nha Trang tập trung vào ban ngày, giờ phù hợp để ngủ với chúng tôi hơn. Ban đêm, chúng tôi không có nhiều lựa chọn ngoài các quán bar, club thường chỉ phục vụ đến 1-2h sáng".

Kinh doanh dịch vụ ăn uống nhiều năm ở Nha Trang, có một cửa hàng lớn ngay khu phố Tây Nguyễn Thiện Thuật, chị Phan Thị Huyền Nhung cho rằng nên có các chính sách nới rộng thời gian và hỗ trợ thêm các doanh nghiệp kinh doanh về đêm.

Theo chị Nhung, thành phố đang có lượng lớn khách tới từ châu Âu và Nga. Lượng du khách này rất thích vui chơi về đêm và thường chi tiêu nhiều vào các quán ăn uống, quán bar, club mở cửa vào ban đêm.

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa - cho rằng kinh doanh về đêm mang lại nhiều lợi ích. 

"Chúng ta đang thiếu các dịch vụ vui chơi về đêm cho du khách. Chúng ta đang kinh doanh du lịch, đây là mặt hàng tại chỗ nên phải tận dụng tối đa mọi nguồn lực và thời gian có thể khai thác. Tuy nhiên cũng cần chú ý đến các vấn đề bảo đảm an ninh trật tự và đặc biệt là ô nhiễm tiếng ồn về đêm, tránh ảnh hưởng đến người dân xung quanh", ông Thành cho hay.

Vũng Tàu quy hoạch khu dịch vụ riêng biệt ban đêm

Nhiều du khách đến với Vũng Tàu than ở đây không có khu vui chơi, giải trí riêng biệt, kéo dài thâu đêm. Do đó, đa số họ đều đi ngủ sớm. Cụ thể, hiện tại ở TP này chỉ có một số quán ăn đêm, quán nhậu vỉa hè ban đêm và một số quán bar, vũ trường nằm rải rác.

Để đáp ứng nhu cầu của du khách cũng như tăng thu cho ngành du lịch, Vũng Tàu đã lập quy hoạch chi tiết 1/500 của trục đường Thùy Vân - bãi Sau.

Quy hoạch này phù hợp với quy hoạch chung Vũng Tàu đến năm 2035 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo quy hoạch chi tiết này, Vũng Tàu sẽ có khu dịch vụ du lịch phục vụ du khách và người dân vào ban đêm cũng như phố đi bộ.

Ông Vũ Hồng Thuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu - cho biết quy hoạch trên đã được thẩm định và đang trình Sở Xây dựng và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt. Theo đó, toàn bộ các công trình xây dựng dọc đường Thùy Vân ở mé bờ biển, nếu không phù hợp sẽ bị giải tỏa để tạo sự thông thoáng cho bờ biển. 

Các dịch vụ như vũ trường, quán bar, karaoke gây tiếng ồn sẽ được tập trung ở mé biển để tách khỏi khu dân cư và các khu vực có khách lưu trú. Đồng thời, sẽ có chợ đêm ở đường Thùy Vân, cũng như sẽ có bãi đậu xe ngầm, có quảng trường trung tâm, có các công trình điểm nhấn.

Ở khu vực bãi Trước, TP Vũng Tàu cũng sẽ có tuyến phố đi bộ ban đêm gồm hai đường Trưng Trắc - Trưng Nhị đi thẳng ra khu tam giác bãi Trước - nơi đang có đường sách Vũng Tàu.

Cần bảo đảm an ninh trật tự

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch - đầu tư, muốn tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế về đêm trước hết cần bảo đảm an ninh trật tự cho kinh doanh dịch vụ ban đêm. Chẳng hạn với khu phố cổ, Hà Nội đã có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh dịch vụ ban đêm phát triển.

photo-5

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Hoạt động kinh tế về đêm rất cần thiết cho phát triển ngành du lịch của các thành phố, đáp ứng nhu cầu du lịch về đêm của cả khách du lịch trong nước và quốc tế. Vui chơi, giải trí về đêm là một nhu cầu có thực của khách du lịch và cần một cơ chế để hỗ trợ các ngành kinh doanh dịch vụ phát triển.

Đây là một lĩnh vực mới, sắp tới bộ sẽ tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá để có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Còn TS Phạm Thế Anh (Khoa Kinh tế học Đại học Kinh tế quốc dân), chính sách hỗ trợ sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế về đêm, góp phần thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng tốt hơn. Tuy nhiên các hoạt động hỗ trợ ban đêm cần hướng đến những hoạt động kinh tế hợp pháp như hội chợ đêm, phố đi bộ, các hoạt động ca nhạc, giải trí để gia tăng hoạt động dịch vụ về đêm, qua đó thúc đẩy các hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Chính sách hỗ trợ cần hướng tới các vùng, đô thị cụ thể như Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Đà Lạt, Hà Nội, TP.HCM... Cần hỗ trợ các ngành dịch vụ gắn với bản sắc văn hóa địa phương.

Muốn có được chính sách hỗ trợ kinh tế về đêm cho các địa điểm thu hút nhiều khách du lịch cũng cần tính tới việc sửa đổi các quy định hiện hành về kinh doanh dịch vụ, chẳng hạn không nên cấm hoạt động kinh doanh karaoke sau 0h.

Trong khi đó, ông Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng để triển khai hiệu quả kinh tế ban đêm, trước hết các bộ, ngành và địa phương cần phải kết hợp chặt chẽ với ngành du lịch, đặc biệt nhắm vào khách du lịch. 

photo-6

TS Phạm Thế Anh (khoa kinh tế học Đại học Kinh tế quốc dân).

Việc triển khai nên tập trung thành phố, các tụ điểm mua sắm sôi động ở các trung tâm thành phố lớn, nơi có thương mại dịch vụ và du lịch phát triển, chứ không nên triển khai đại trà, tránh trường hợp nơi nào cũng làm, cũng mở ra nhưng không hiệu quả.

Việc triển khai cần trên cơ sở có quy hoạch, trọng điểm, bán hàng ở các trung tâm và các khu phố mua sắm, du lịch, dịch vụ đã được quy hoạch. Đồng thời nên tham khảo kinh nghiệm các nước, chọn địa điểm và triển khai cho phù hợp, kết hợp các khu ẩm thực, ăn uống, mua sắm các sản phẩm như quà tặng, hàng tiêu dùng...

"Như ở Hàn Quốc có quy định các khu mua sắm, đi bộ với các quầy hàng, tủ hàng về hình dáng, kích thước đồng bộ, bên cạnh có chỗ đựng rác, bán đồ lưu niệm và nhiều sản phẩm nhưng rất quy củ với vỉa hè rộng, có hàng lối và văn minh. Các địa phương cần sáng tạo nhưng làm trong khuôn khổ chung của Nhà nước, vừa đảm bảo mỹ quan và tránh ảnh hưởng môi trường", ông Xuân cho hay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Bộ Công Thương cho biết hoạt động kinh tế ban đêm không chỉ bao gồm các hoạt động bán lẻ, thương mại dịch vụ đơn thuần, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, để đánh giá tổng hợp những ngành bán lẻ, thương mại, dịch vụ nào có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nói chung, với tỉ lệ bao nhiêu, tiềm năng thế nào, cần phải có nghiên cứu rất cụ thể.

Nhiều nơi thành công với kinh tế ban đêm

Chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm (các hoạt động dịch vụ, kinh doanh sẽ được trợ cấp từ 20h đêm đến 6h sáng hôm sau) trong bối cảnh nước này tăng trưởng thấp do ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Cụ thể, Trung Quốc cho phép 10 con phố với các hàng ăn ban đêm, 16 chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi mở 24/7 tại Bắc Kinh trở thành những nơi đầu tiên nhận được trợ cấp để thúc đẩy hoạt động kinh doanh ban đêm. Các khu phố ban đêm được hỗ trợ khoảng 700.000 USD dành cho việc phát triển kinh doanh. Các hộ kinh doanh cũng có thể được hỗ trợ tới hơn 70.000 USD.

Đầu năm 2018, chính quyền Bắc Kinh thực hiện chiến dịch hỗ trợ nền kinh tế ban đêm, hỗ trợ khoảng 14.600 USD cho những nhà hàng đạt đủ tiêu chuẩn để hoạt động trong khung giờ này. Kế hoạch của Bắc Kinh cũng bao gồm việc cho phép các trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng tiện lợi kéo giãn thời gian hoạt động về khuya.

Ngoài Bắc Kinh, thành phố Thượng Hải, Thiên Tân, Trùng Khánh và nhiều khu vực khác cũng bắt đầu đẩy mạnh nền kinh tế ban đêm.

Trung Quốc không phải quốc gia châu Á duy nhất phát triển ý tưởng này. Từ năm 2004, Thái Lan bắt đầu cho phép các quán bar và sàn nhảy hoạt động tới 2h sáng.

Tuy nhiên, những bất ổn chính trị trong những năm gần đây, cùng tình trạng trộm cắp ngày càng tăng, đã khiến Chính phủ Thái Lan siết chặt quản lý đối với các hoạt động kinh doanh về đêm.


chọn
Incomex thoát lỗ 2024 nhờ khoản lãi đột biến, đang bắt tay với công ty con BIM Group làm dự án ở Vĩnh Phúc và Long Biên
Quý IV/2024, Incomex bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận khác 5,7 tỷ đồng, nhờ đó thoát lỗ trong năm 2024. Doanh nghiệp hiện đang bắt tay với Catalan Land để hồi sinh dự án Xuân La, đồng thời hợp tác với công ty con của BIM Group đầu tư hai dự án bất động sản ở TP Phúc Yên và quận Long Biên.