Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) được xem là cánh chim đầu đàn của ngành hàng không. Trong khi đó, công ty cổ phần hàng không Vietjet (Vietjet Air) lại sinh sau đẻ muộn. Vì vậy, với không ít người, sở hữu cổ phiếu Vietnam Airlines là niềm mơ ước.
Thế nhưng, từ khi cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines và cổ phiếu VJC của Vietjet Air niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, sức hấp dẫn của 2 cổ phiếu này mới được cân, đong, đo đếm rõ nét. Khi nhìn vào cổ tức và biến động giá cổ phiếu, cổ đông Vietnam Airlines chắc hẳn có lý do để phát "ghen" với cổ đông Vietjet Air.
Vietjet sắp chốt danh sách trả cổ tức 40% năm 2016 bằng cổ phiếu |
Cổ tức chênh lệch lớn
Kể từ khi là công ty đại chúng và công khai thông tin hoạt động, Vietjet Air luôn nằm trong danh sách các ông lớn mạnh tay chi trả cổ tức. Mới đây, Vietjet thông báo ngày đăng kí cuối cùng thưởng cổ phiếu tỷ lệ 40% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được nhận 4 cổ phiếu mới) là ngày 25/9/2017.
Điều đó đồng nghĩa với việc Vietjet sẽ phát hành thêm gần 129 triệu cổ phiếu trả thưởng cho cổ đông. Sau khi thưởng cổ phiếu, vốn điều lệ của Vietjet tăng từ 3.224 tỷ đồng lên xấp xỉ 4.514 tỷ đồng.
Đây không phải lần đầu tiên trong năm nay cổ đông Vietjet "ngập" trong cổ tức. Trước đó, ngày 15/8, Vietjet cũng đã chi gần 645 tỷ đồng tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2017, tương ứng tỷ lệ 20%. Theo kế hoạch, Vietjet sẽ trả cổ tức năm 2017 với tỷ lệ 50%.
Năm 2016, Vietjet khiến cổ đông công ty cũng như nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán ngỡ ngàng vì công bố cổ tức khủng. Tới nay, Vietjet cũng hoàn thành việc chia cổ tức bằng tiền, chia và thưởng cổ tức bằng cổ phiếu cho năm 2016 với tỷ lệ bình quân 119%.
Vì vậy, cổ đông Vietnam Airlines có lý do để phát "ghen" với cổ đông Vietjet nếu chỉ xét về cổ tức. Trong khi cổ tức năm 2016 của Vietjet là 119% thì con số mà cổ đông Vietnam Airlines nhận được chỉ là 6%, thấp hơn lãi suất ngân hàng.
Hôm nay (1/9), Vietnam Airlines chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2016 bằng tiền tỷ lệ 6%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 600 đồng. Thời gian thanh toán 2/10/2017. với hơn 1.227,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Vietnam Airlines sẽ chi khoảng 730 tỷ đồng trả cổ tức lần này cho cổ đông.
Giá cổ phiếu chênh lệch lớn
Xét về cổ tức, HVN yếu thế hơn VJC. Còn xét về giá, HVN cũng thua luôn VJC. Cổ phiếu HNV chào sàn UpCom ngày 3/1/2017. Khi chào sàn, HVN cũng được nhà đầu tư chú ý với 2 phiên tăng trần và 1 phiên tăng mạnh liên tiếp. Thế nhưng, sau đó, HNV nhanh chóng hạ nhiệt.
Sau nhiều biến động về giá và điều chỉnh số lượng cổ phiếu niêm yết, đóng cửa phiên giao dịch tháng 8, cổ phiếu HVN dừng ở mức 24.800 đồng/CP, giảm 3.200 đồng/CP, tương ứng 11,4%. Hiện tại, HVN giao dịch khá ảm đạm với rất ít phiên tăng giá.
Trong khi đó, cổ phiếu VJC chào sàn ấn tượng hơn với chuỗi 4 phiên tăng trần liên tiếp. Sau nhiều đợt điều chỉnh giá và điều chỉnh số lượng cổ phiếu niêm yết, chốt phiên tháng 8, cổ phiếu VJC dừng ở mức 124.800 đồng/CP, tăng 34.800 đồng/CP, tương ứng 38,7%.
Có thể thấy, tại thời điểm cuối tháng 8/2017, thị giá VJC cao hơn thị giá HVN đúng 100.000 đồng/CP. Đây là mức chênh lệch rất lớn. Mức chênh lệch này đã khiến vốn hóa thị trường Vietjet vượt xa vốn hóa thị trường Vietnam Airlines.
Cụ thể, vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines đạt 30.443 tỷ đồng. Trong khi đó, con số này của Vietjet là 40.234 tỷ đồng. Cần biết, vốn điều lệ của Vietnam Airlines là 12.275 tỷ đồng, cao gấp gần 4 lần vốn điều lệ của Vietjet.
Còn về các chỉ tiêu kinh doanh, trong quý 2/2017, Vietnam Airlines đuối hơn hẳn so với Vietjet. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2017, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của Vietjet là 1.414 tỷ đồng, cao gấp 18,4 lần lợi nhuận sau thuế của Vietnam Airlines.