Vinaconex, Đèo Cả, Cienco4... kỳ vọng tăng trưởng sau khi tham gia gói thầu Cao tốc Bắc - Nam GĐ 2

Sau khi khởi công 12 gói thầu đầu tiên của Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, ngày 10/1, 13 gói thầu còn lại đã được lựa chọn xong nhà thầu, dự kiến thi công từ ngày 15/1. Các doanh nghiệp như Vinaconex, Cienco4, Đèo Cả đều được nhận các gói thầu quy mô lớn.

Ngày 1/1, 12/25 gói thầu đầu tiên tại Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đã được khởi công xây dựng. Đến ngày 10/1 vừa qua, 13 gói thầu còn lại đã lựa chọn xong nhà thầy và sẽ thi công từ ngày 15/1 tới. 

 

Chứng khoán VNDirect cho biết, tại đợt lựa chọn thầu ngày 10/1 này, nhiều doanh nghiệp có giá trị backlog lớn hơn đáng kể so với đợt chỉ định thầu đầu tiên vào ngày 25/12/2022, tiêu biểu như Tổng Công ty Thăng Long (TTL), Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) và Lizen (LCG). 

Vinaconex (VCG) vẫn là doanh nghiệp niêm yết nhận được tổng giá trị backlog lớn nhất từ Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, đạt 6.419 tỷ đồng. Thăng Long và Cienco4 có tỷ lệ tổng giá trị backlog/trung bình doanh thu mảng xây lắp 2 năm gần nhất cao nhất, lần lượt đạt 3,2 và 2,8 lần. 

Cũng theo VNDirect, quy mô lớn của các gói thầu sẽ là động lực giúp doanh thu của nhóm các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng này bứt phá trong giai đoạn 2023 - 2025 (backlog chỉ tính Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2).

 

Nhận định về tình hình kinh doanh của một số nhà thầu xây dựng, VNDirect cho biết, đối với Vinaconex, công ty là một trong những đơn vị tham gia nhiều gói thầu nhất tại Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (5 gói) và mới giành thêm 3 gói thầu lớn tại giai đoạn 2.

VNDirect ước tính tổng giá trị các hợp đồng đã ký của Vinaconex tại Cao tốc Bắc - Nam 2 giai đoạn là 6.419 tỷ đồng (như đã đề cập), tương đương gần 1,8 lần doanh thu bình quân mảng xây lắp công ty trong 2 năm gần nhất. Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào cơ sở hạ tầng cũng được dự báo sẽ giúp quy mô doanh thu của công ty được cải thiện đáng kể trong giai đoạn 2023 - 2025.

Bên cạnh đó, công ty đang sở hữu quỹ đất gần 2.000 ha với các dự án đang được triển khai như Cát Bà – Amatina (Hải Phòng), Khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ (Hà Nội), Khu đô thị Đại lộ Hòa Bình kéo dài (Quảng Ninh), là động lực tăng trưởng của công ty khi các dự án bất động sản trên được ghi nhận kết quả kinh doanh.  

Đối với Cienco4, VNDirect cho rằng, Cienco4 đã “quen mặt” với các dự án quy mô lớn và đòi hỏi kỹ thuật cao như cao tốc Bắc - Nam, đường lăn sân bay, cầu vượt biển, đây sẽ là tiền đề giúp công ty có thể tiếp tục giành được các gói thầu mới trong giai đoạn 2023 - 2025.

Ngoài ra, công ty cũng đang sở hữu nhiều “của để dành” giá trị lớn tại các dự án bất động sản và đang có kế hoạch triển khai phát triển nhằm làm tăng giá trị bất động sản, như dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Cầu Cau (Nghệ An), Khu ẩm thực sinh thái Nghi Hải (Nghệ An), Tòa nhà 29 Quang Trung (Nghệ An), Tòa văn phòng 136 Lê Văn Duyệt (TP HCM),.. 

Đối với CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV), theo VNDirect, nhờ nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Đèo Cả, công ty đang được thừa hưởng năng lực thi công đặc biệt tại các dự án khó như hầm chui, hầm xuyên núi và đường cao tốc.

Công ty thường xuyên thi công vượt tiến độ và đã tham gia giải cứu nhiều dự án hạ tầng giao thông “đắp chiếu” nhiều năm. Do đó, VNDirect cho rằng công ty sẽ có nhiều cơ hội tham gia các gói thầu quy mô lớn tại Cao tốc   Bắc-Nam giai đoạn 2 và là tiền đề cho mảng xây lắp phát triển trong giai đoạn 2023 - 25.

Mảng thu phí BOT của công ty cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới nhờ các hoạt động kinh tế phục hồi sau Covid-19 sẽ là động lực tăng trưởng lưu lượng phương tiện qua trạm BOT, đồng thời ghi nhận đóng góp mới của dự án Trung Lương – Mỹ Thuận (bắt đầu thu phí từ tháng 8/2022).

Trong dài hạn, công ty cũng sẽ được bổ sung nguồn thu từ các dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tân Phú - Bảo Lộc và Hữu Nghị - Chi Lăng. 

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.