Vinhomes nhập cuộc thị trường BĐS khu công nghiệp, 'hâm nóng' thị trường nhà ở ảm đạm bởi Covid-19

Mới đây, CTCP Vinhomes thông tin trở thành công ty mẹ của Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (VHIZ), đánh dấu sự gia nhập của "ông lớn" địa ốc vào thị trường BĐS KCN Việt Nam.

Thêm "ông lớn" nhập cuộc thị trường BĐS khu công nghiệp

Mới đây, CTCP Vinhomes công bố thông tin về việc nhận chuyển nhượng cổ phần trong CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes (tên viết tắt VHIZ). Cụ thể, để phục vụ hoạt động kinh doanh, Vinhomes đã nhận chuyển nhượng phần vốn thuộc sở hữu của Tập đoàn Vingourp tại VHIZ, qua đó trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp này. 

Tiềm năng của ngành BĐS khu công nghiệp đã hấp dẫn "ông lớn" BĐS nhà ở là Vinhomes gia nhập. Định hướng mới này từng được Vinhomes tiết lộ trong bản thuyết trình kết quả kinh doanh năm 2019, theo đó, công ty có định hướng phát triển với ba mảng BĐS chính gồm nhà ở, văn phòng và khu công nghiệp.

Ban lãnh đạo Vinhomes gần đây đã công bố kế hoạch cho 6 dự án tại Hải Phòng, đang trong quá trình nghiên cứu để phát triển khu công nghiệp. 

Theo đó, công ty kì vọng việc tích hợp VinFast/VinSmart với tổng diện tích có thể cho thuê 140 ha tại khu phức hợp sản xuất VinFast và khu công nghiệp dành cho các nhà cung cấp VinFast ở Hải Phòng. 

Vinhomes nhập cuộc thị trường BĐS khu công nghiệp, 'hâm nóng' thị trường nhà ở ảm đạm bởi Covid-19 - Ảnh 1.

Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng. (Nguồn: Vingroup).

Định hướng phát triển mới này nhằm góp phần tạo điều kiện cho nhiều nhà cung cấp thiết bị phụ trợ trên thế giới phát triển cơ sở sản xuất đầu tiên tại Việt Nam. Qua đó, xây dựng hệ sinh thái dây chuyền sản xuất ô tô nội địa, phù hợp với chiến lược tổng thể đẩy mạnh phát triển mảng công nghiệp của công ty mẹ Vinhomes là Tập đoàn Vingorup.

Được biết, CTCP Đầu tư KCN Vinhomes được thành lập từ tháng 12/2018, hiện có Tổng giám đốc là bà Mai Hương Nội, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup.

Năm 2020 mở ra nhiều cơ hội cho ngành BĐS khu công nghiệp khi một số dự án lớn đang và sẽ triển khai. Cụ thể, Tập đoàn Sharp công bố kế hoạch xây dựng nhà máy mới tại VSIP (Bình Dương) vào năm 2020; Công ty sản xuất giày Brooks Running chuyển dây chuyền từ Trung Quốc sang các nước lân cận là cơ hội cho Việt Nam.

Chưa hết, Tập đoàn Foxconn, nhà cung cấp linh kiện cho Apple đã mở rộng tại Việt Nam vào tháng 7/2019 tại khu công nghiệp của Đô thị Kinh Bắc; GoerTek, nhà cung cấp của Apple chuyển trụ sở sản xuất AirPods vào Việt Nam, tại khu công nghiệp Quế Võ cũng của Đô thị Kinh Bắc.

Bên cạnh các dự án, nguồn cung đất khu công nghiệp tiếp tục tăng đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo JLL, khoảng 1,890 ha tại các khu công nghiệp mới và khu mở rộng dự kiến sẽ ra mắt trong năm 2020 khu vực phía Nam gồm Bình Dương, Đồng Nai do những tỉnh này đang thiếu nguồn cung. 

Ngoài ra, nguồn cung mới đến từ các khu vực khác phía Bắc như Thái Bình, Quảng Ninh, Hà Nam cung cấp thêm cho nhà đầu tư các chọn lựa khác.

Mặt khác, xu hướng thương mại điện tử, hàng tiêu dùng tăng cao thúc đẩy nhu cầu kho bãi, nhà xưởng và cơ sở hạ tầng, dịch vụ kèm theo. Các tỉnh xung quanh TP HCM như Bình Dương , Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu có sẵn lợi thế vị trí, với vai trò gắn kết đang thúc đẩy phát triển dịch vụ logistic. 

Trong khi đó, tỉ lệ lấp đầy tại Bình Dương, Đồng Nai đều ở mức khá cao 80 - 90%, Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 55%. Vì vậy, chứng khoán BSC nhận định các doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp có sẵn đất thuê sẵn sàng phục vụ kịp thời và hưởng lợi từ xu hướng này, đơn cử là Nam Tân Uyên, Sài Gòn VRG và Tổng Công ty Idico.

Dự báo doanh số và bàn giao duy trì khởi sắc tại các dự án của Vinhomes trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát

Thị trường BĐS nhà ở những tháng đầu năm 2020 trầm lắng trước tác động của dịch Covid-19. Chia sẻ từ một nhân viên môi giới, dịch Covid-19 đã trì hoãn việc ra quyết định mua hàng của khách do tâm lý e ngại đến nơi tập trung đông người. 

Do đo, các doanh nghiệp, sàn địa ốc buộc phải lùi những sự kiện hay thời gian đưa khách đi tham quan dự án để chốt giao dịch. Thực tế, trong quí I/2020 tại Hà Nội chưa có dự án nào tổ chức dự kiến mở bán mới. 

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, chiến lược bán buôn tại các dự án là lợi thế của Vinhomes trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. 

Theo đó, chứng khoán Rồng Việt dự kiến tổng giá trị bán theo hợp đồng của Vinhomes tăng 14% trong năm 2020, đạt 104.000 tỉ đồng và tăng 12% trong năm 2021, chủ yếu đến từ mở bán các dự án Gallery Giảng Võ, VEFAC Mễ Trì và Dream City Hưng Yên. 

Ngoài ra, theo ban lãnh đạo Vinhomes, tính đến cuối năm 2019, doanh số hợp đồng chưa ghi nhận của VHM đạt 91.400 tỉ đồng với khoảng 80% đóng góp từ các đại dự án. Các căn hộ đã bán trước cho các khách hàng cá nhân và bán buôn tại các đại dự án dự kiến đóng góp khoảng 60% lợi nhuận sau thuế năm 2020.

Hai đại dự án Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City. (Nguồn: Vinhomes).

Nhờ tiến độ thi công đúng kế hoạch, các dự án Ocean Park (14.000 căn hộ bán lẻ cao tầng được mở bán tính đến cuối năm 2019, đã bán trước 93%), Grand Park (10.000 căn hộ bán lẻ cao tầng, đã bán trước 100%) và Smart City (6.800 căn hộ bán lẻ cao tầng, đã bán trước 82%) sẽ bắt đầu bàn giao từ quí II/2020 và tăng tốc trong 6 tháng cuối năm 2020.

Trong dài hạn, Vinhomes có thể tận dụng câu chuyện tăng trưởng của ngành BĐS nhà ở tại Việt Nam nhờ vị thế dẫn đầu thị trường, thị phần thống trị và các đại dự án đa mục đích. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có những yếu tố hỗ trợ nhất định là tiến độ đáng kể của quá trình thực hiện thủ tục pháp lí cho các đại dự án với qui mô quĩ đất hơn 3.000 ha, bao gồm Green Hạ Long và Long Beach Cần Giờ. 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.