Theo báo cáo ngành bất động sản nhà ở mới đây của Chứng khoán VNDirect, đơn vị này cho biết không nhận thấy rủi ro khủng hoảng vỡ nợ trong các công ty bất động sản niêm yết trong ít nhất 12 tháng tới.
Số liệu của VNDirect cũng cho thấy phần lớn các doanh nghiệp bất động sản niêm yết tại Việt Nam đang có cơ cấu tài chính lành mạnh vào cuối quý II/2022, với tỷ lệ D/E trung bình 0,3 - 0,4x và tỷ lệ tiền và tương đương tiền tương đối cao khoảng 15% - 20% tổng tài sản doanh nghiệp.
Đồng thời, chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng đang được kiểm soát tốt và Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường giám sát dòng vốn tín dụng bất động sản trong vài năm qua. VNDirect cũng kỳ vọng Nghị định 153 sửa đổi theo hướng nới lỏng một số quy định so với các dự thảo trước đó sẽ sớm được ban hành và giúp các doanh nghiệp tiếp cận lại với kênh trái phiếu.
Bên cạnh đó, theo đơn vị này nhận định, sự cải thiện về doanh số ký bán và dòng tiền hoạt động trong nửa đầu năm nay có thể hỗ trợ cho các khoản nợ đáo hạn của các công ty bất động sản niêm yết tại Việt Nam trong ít nhất 12 tháng dù gặp thách thức tái cơ cấu nợ.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, các chủ đầu tư đã đẩy mạnh hoạt động bán hàng để cải thiện dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận doanh số ký bán tăng mạnh như Vinhomes tăng 234% so với cùng kỳ lên 92.500 tỷ đồng nhờ mở bán thành công Vinhomes Ocean Park 2 và The Beverly Solari; hay Nam Long tăng 87% lên 8.410 tỷ đồng nhờ mở bán thành công 5 dự án gồm Izumi City, Mizuki Park, Akari City, Southgate và Cần Thơ 43 ha.
Bên cạnh đó, Đất Xanh cũng có doanh số ký bán tăng từ 60% - 80% so với cùng kỳ, hay Novaland cũng tăng 27%.
Trong khi đó, Khang Điền tiếp tục ghi nhận doanh số ký bán hạn chế do chưa có dự án mới mở bán trong nửa đầu năm nay.
Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, doanh số ký bán của các doanh nghiệp có thể thụt lùi do nhu cầu mua nhà gặp nhiều thách thức hơn bởi lạm phát chi phí đẩy, lãi suất gia tăng và tín dụng hạn chế, đặc biệt là phân khúc cao cấp, tích trữ và đầu cơ, vẫn gặp khó khăn do tín dụng vào các loại hình này hạn chế.
Còn phân khúc trung cấp và bình dân có thể bị ảnh hưởng bởi lạm phát chi phí đẩy và lãi suất gia tăng. Song, nhu cầu ở những phân khúc này có thể vượt qua các áp lực trên trong nửa cuối năm nay do nguồn cung mới phân khúc này hạn chế và nhu cầu ở thực vẫn cao