VNDirect: Cao su Phước Hòa có thể không kịp tiến độ giải phóng mặt bằng cho KCN VSIP III

Chứng khoán VNDirect vừa cho biết Cao su Phước Hòa có thể không hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng làm KCN VSIP III cho tỉnh Bình Dương, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến mảng BĐS KCN trong ngắn hạn của doanh nghiệp.

Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán VNDirect, đơn vị này dự báo mảng bất động sản khu công nghiệp (KCN) của CTCP Cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR) sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn do lo ngại không hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao toàn bộ đất cho tỉnh Bình Dương.

Tuy nhiên, cũng theo VNDirect, triển vọng về mảng KCN của công ty không đổi mặc dù tiến độ chuyển đổi đất sẽ chậm lại trong vài quý tới.

VNDirect cũng cho biết Phước Hòa vừa ghi nhận một phần tiền đền bù đất của KCN VSIP III cho 6 tháng đầu năm nay, tương đương 291 tỷ đồng và chiếm 32,4% tổng giá trị đền bù được nhận. 

Theo kế hoạch, công ty sẽ ghi nhận 220 tỷ đồng từ đền bù đất, tuy nhiên, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm hơn dự kiến đã dẫn đến không có khoản thu nhập bất thường nào được ghi nhận trong quý II khiến lãi ròng giảm 32,6% so với cùng kỳ.  

VNDirect dự báo, từ năm 2023, Phước Hòa sẽ ghi nhận thêm 20% thu nhập được chia việc bán đất KCN VSIP III, cũng như 20% lợi nhuận được chia từ cổ phần PHR tại dự án này. 

 

Dự án KCN VSIP III nói trên có vị trí tại tỉnh Bình Dương với tổng diện tích 1.000 ha, tổng vốn đầu tư 6.407 tỷ đồng, giá cho thuê 130 - 150 USD/m2 do Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tư. 

Đầu tháng 3 vừa qua, Phước Hòa đã nhận được quyết định của UBND huyện Bắc Tân Uyên về việc thu hồi đất của công ty để thực hiện dự án này. Số tiền mà Phước Hòa nhận được từ đền bù là khoảng 898 tỷ đồng. Công ty sẽ chia nhỏ tiền đền bù đất từ KCN VSIP III và ghi nhận vào khoản thu nhập bất thường trong hai năm 2022 - 2023 với lần lượt 691 tỷ đồng và 207 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VNDirect cho rằng đối với mảng KCN trong dài hạn của Phước Hòa, công ty có hai KCN tiềm năng có thể được đưa vào hoạt động trong ba năm tới, bao gồm KCN Tân Lập 1 (quy mô 202 ha, tỷ lệ sở hữu 51%) và KCN Tân Bình mở rộng (quy mô 1.055 ha, tỷ lệ sở hữu 80%), trong đó, KCN Tân Lập 1 được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024.

Trong giai đoạn 2026 - 2030, công ty sẽ phát triển 5 KCN với tổng diện tích hơn 2.700 ha. 

 

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.