Vốn cho vay phát triển nhà ở xã hội đang được giải ngân đến đâu?

Việc triển khai, giải ngân các nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi phát triển xã hội trong thời gian qua chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.

Như đã nhiều lần thông tin, tại Nghị quyết số 33 ngày 11/3 của về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Chính phủ đã đưa ra chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển nguồn vốn cho nhà ở xã hội.

Theo công bố từ phía Ngân hàng Nhà nước, đối với chương trình tín dụng này, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (bao gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) sẽ thống nhất chung một cách cho vay giống nhau cho các đối tượng. Tuy nhiên, cơ chế vay do các ngân hàng này tự quyết định bằng nguồn vốn của tổ chức.

Mức lãi suất của gói tín dụng này sẽ giảm 1,5% so với mức cho vay thông thường đối với với các chủ đầu tư tham gia phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Đối với người mua sẽ được hỗ trợ giảm 2%. Phía ngân hàng sẽ có biện pháp để tránh tình trạng trục lợi và mỗi người chỉ được vay một lần cho một căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Gói này sẽ được triển khai đến khi giải ngân hết số tiền 120.000 tỷ nhưng không quá ngày 31/12/2030. Dự kiến kể từ ngày 30/6/2023, mức lãi suất cho vay hỗ trợ chủ đầu tư ở mức 8,7%/năm (áp dụng trong 3 năm) và cho người mua nhà là 8,2%/năm (áp dụng trong 5 năm). Kể từ ngày 1/7/2023, cứ 6 tháng một lần NHNN sẽ thông báo mức lãi suất cho vay.

Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cũng được đề cập trong Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" mà Chính phủ vừa phê duyệt hôm 3/4 vừa qua, như một giải pháp về tín dụng phát triển nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, mặc dù việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhận đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên với kết quả hoàn thành 7.790.000 m2 sàn nhà ở xã hội thì mới đạt khoảng 65% mục tiêu đề ra đến năm 2020. Một trong số các nguyên nhân chủ yếu là do việc bố trí nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi từ nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.

Nhà ở, nhà cho công nhân thuê tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh. (Ảnh: TTXVN).

Chưa chủ đầu tư nào tiếp cận được vốn vay ưu đãi

Theo quy định của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, đối với nhà ở xã hội thì khách hàng cá nhân và chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi lãi suất thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội và hệ thống ngân hàng thương mại được Nhà nước chỉ định.

Tuy nhiên, đến nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội phân bổ được 3.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 35% nhu cầu giai đoạn 2016 - 2020, để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Còn 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định thì chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Vì vậy, từ năm 2016 đến nay chưa có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. 

Ngoài quy định trên, giai đoạn 2022 - 2023 còn có nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 31/1/2022. Theo đó, liên quan đến lĩnh vực ngành xây dựng, có hai gói hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cụ thể là:

Cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng;

Cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong hai năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống ngân hàng thương mại để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân mua, thuê và thuê mua, cải tạo chung cư cũ.

Về gói vay 15.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho biết đã thống nhất với Ngân hàng Chính sách Xã hội ưu tiên cho vay chủ yếu các đối tượng vay vốn với mục đích mua, thuê mua nhà ở xã hội trong đó có đối tượng công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách, đến nay trên cả nước đã thực hiện giải ngân được 3.695 tỷ đồng cho 10.237 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà.

Đối với việc giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ, đến thời điểm 10/10/2022, Bộ Xây dựng đã tổng hợp công bố ba đợt danh mục với số lượng 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện, với quy mô 19.897 căn hộ, tổng mức đầu tư 20.179 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.139 tỷ đồng.

Bộ đang tiếp tục thúc đẩy các địa phương rà soát, hoàn thiện thủ tục pháp lý các dự án trên địa bàn đủ điều kiện theo quy định gửi Bộ để tổng hợp và công bố trong các đợt tiếp theo.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.