Vụ 'Đường Nhuệ': Cách nào hạn chế 'xã hội đen' thâu tóm phiên đấu giá đất?

Nếu việc đấu giá đất không được thực hiện đúng theo quy định, trở thành “đấu chỉ” – tức là chỉ định người mua thì sẽ xảy ra những bất cập trong việc định giá đất, làm nhiễu loạn thị trường.

Tình trạng "quân xanh, quân đỏ" trong đấu giá

Vụ việc của băng nhóm “Đường Nhuệ” bị khởi tố và bắt giam được dư luận đặc biệt quan tâm. Một trong những mảng tối đã và đang được làm sáng tỏ, đó là băng nhóm này sở hữu nhiều quĩ đất thông qua qua việc chi phối các phiên đấu giá đất.

Theo thông tin báo chí đăng tải, vợ chồng "Đường Nhuệ" can dự hầu hết vào các dự án đấu giá đất ở tỉnh Thái Bình, có những lô đất chỉ mua với mức giá cao hơn khởi điểm 2.300 đồng/m2.

Vụ 'Đường Nhuệ': Cách nào hạn chế 'xã hội đen' thâu tóm phiên đấu giá đất? - Ảnh 1.

Vụ việc vợ chồng Đường Nhuệ dùng "xã hội đen" lộng hành tại các phiên đấu giá đất ở Thái Bình gây bức xúc dư luận.

Thực tế, tình trạng “quân xanh”, “quân đỏ” trong đấu giá đã không còn là chuyện hiếm.

Theo ông Quốc Hiệp (Giám đốc sàn môi giới tại Gia Lâm, Hà Nội), “Tại nhiều nơi, các phiên đấu giá đất chủ yếu diễn ra về mặt hình thức. Đơn vị đấu giá và một số doanh nghiệp đã “phím” nhau các thông tin từ trước. Thế nên trong giới kinh doanh bất động sản vẫn truyền tai nhau rằng, nếu không có quan hệ thì nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá chỉ tốn thời gian và công sức”.

Trong trả lời phỏng vấn với báo chí, GS.TS. Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội) cũng đặt ra các bất cập của việc đấu giá đất.

Ông Tuyến cho rằng: “Các nhà nghiên cứu hay dùng thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, tức là doanh nghiệp sân sau của một số quan chức. Có nhiều trường hợp không có đấu giá hoặc chỉ đấu giá là hình thức theo kiểu “quân xanh, quân đỏ” dẫn tới một số doanh nghiệp được nhảy vào nhưng những doanh nghiệp khác không được tham gia”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thừa nhận thực tế có nhiều "lỗ hổng" tồn tại trong các phiên đấu giá đất tại một số địa phương, tạo điều kiện cho các đối tượng thâu tóm, dìm giá đất nhằm trục lợi.

“Tôi cũng đã đầu tư ở Singapore, nhưng việc đấu giá đất tại Singapore rất rõ ràng. Nếu một mình đăng ký thì chỉ cần làm theo đúng đề bài đưa ra. Nếu nhiều người tham gia thì họ đấu giá với các chỉ tiêu rất rõ ràng. Khi đăng ký thì cứ làm một bộ hồ sơ nộp đúng hạn, quy định là ba tháng phản hồi thì đúng 3 tháng. Nhưng tất cả thủ tục ở nước ta cứ phải xin và cơ chế xin - cho như một sự mặc định”, ông Thành nói.

Để đấu giá công khai, minh bạch

Đấu giá đất được coi là hình thức tối ưu nhằm gia tăng thặng dư từ các quĩ đất. Thế nhưng, rõ ràng, những bất cập từ việc đấu giá đất đã khiến hình thức này bị “biến tướng”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh, việc giải quyết tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu sẽ góp phần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có năng lực tham gia, đồng thời góp phần xây dựng thị trường bất động sản minh bạch.

Vụ 'Đường Nhuệ': Cách nào hạn chế 'xã hội đen' thâu tóm phiên đấu giá đất? - Ảnh 2.

Những bất cập từ việc đấu giá đất đã khiến hình thức này bị “biến tướng”. (Ảnh minh họa).

Để giải quyết tình trạng này, trong các kiến nghị, HoREA cho rằng, cơ quan quản lý nên sửa Luật Đất đai về chế định đấu giá quyền sử dụng đất và sửa đổi Luật Đấu thầu về chế định đấu thầu dự án có sử dụng đất để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khắc phục hiện tượng đấu giá, đấu thầu có "quân xanh, quân đỏ".

Chia sẻ với Dân trí, luật sư Lê Văn Hồi, Giám đốc Công ty Luật My Way cho rằng, bản chất của việc đấu giá đất phát sinh nhiều bất cập đến từ việc các bên tổ thức thực thi không nghiêm túc thực hiện.

Theo ông Hồi phân tích, các tiêu cực nảy sinh từ việc đấu giá đất như: Việc định giá tài sản đấu giá thấp, không đúng với giá thị trường.

“Trong quá trình đấu giá, việc tiếp cận hồ sơ mua đấu giá xuất hiện trường hợp “xã hội đen thao túng”. Ví như thời điểm bán hồ sơ đấu giá, thường trực có một đội dùng tiền hoặc dùng vũ lực đe doạ người mua hồ sơ đấu giá để hạn chế người tham gia.

Ngoài ra, thông tin đấu giá đất rất hạn chế, không công khai đầy đủ đến những người có nhu cầu. Hay tại phiên đấu giá, xuất hiện “xã hội đen” ngăn cản người mua được

hồ sơ tham gia đấu giá. Nếu không thể ngăn cản thì thoả thuận, đe nẹt người tham gia bỏ cuộc hoặc bỏ giá cao hơn người được chỉ định để họ trúng đấu giá. Họ thường doạ: “Anh/chị mua xong cũng không nhận được tài sản đâu ...”- luật sư Lê Văn Hồi chia sẻ.

Về giải pháp khắc phục, luật sư Lê Văn Hồi cho rằng: “Chỉ cần làm tốt việc cung cấp thông tin minh bạch đến thị trường, ngăn chặn tình trạng quân xanh, quan đỏ thì việc đấu giá sẽ có hiệu quả. Giải quyết được vấn đề này cũng hạn chế tình trạng việc định giá tài sản không sát với thị trường.

Nếu việc đấu giá không được thực hiện đúng theo quy định, trở thành “đấu chỉ” – tức là chỉ định người mua thì sẽ xảy ra những bất cập trong việc định giá đất, làm nhiễu loạn thị trường".

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.