Liên quan đến việc khách hàng mất 245 tỉ đổng tại Ngân hàng Eximbank, vừa qua, Ngân hàng này vừa có công văn chính thức gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM và Trung tâm lưu ký chứng khoán.
Tuy nhiên, để làm rõ thêm các thông tin trái chiều trong thời gian gần đây, PV Dân trí đã có buổi trao đổi với ông Ngô Thanh Tùng, Thành viên Hội đồng Quản trị, Luật sư trưởng của Eximbank để biết thêm diễn biến vụ việc.
Ông Ngô Thanh Tùng, Thành viên Hội đồng Quản trị, Luật sư trưởng của Eximbank nói về vụ mất 245 tỷ đồng |
Hiện nay đang có rất nhiều thông tin trên truyền thông về việc khách hàng Chu Thị Bình khiếu nại về việc bị rút mất số tiền 245 tỷ đồng tại chi nhánh Eximbank TPHCM, nhưng tại sao có rất ít thông tin đưa ra từ phía ngân hàng?
-Eximbank định vị là một ngân hàng chuyên nghiệp nên rất thận trọng khi xem xét vụ việc, phải đánh giá vụ việc thấu đáo, không vội vã phản ứng trước công luận về việc đúng sai. Ngoài ra, ngân hàng luôn tôn trọng bảo mật thông tin khách hàng, không muốn đưa những vấn đề để có lợi cho mình, bất lợi cho khách hàng ra để dư luận đánh giá trừ khi buộc phải làm vậy trong trường hợp rất cần thiết và theo quy định của pháp luật.
Ông có ý kiến thế nào về việc dư luận cho rằng ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên phó Giám đốc chi nhánh lừa đảo chiếm đoạt 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình. Hiện ông Hưng ở đâu và ngân hàng có biện pháp gì để xử lý đối với ông Hưng?
-Vụ việc đang được cơ quan điều tra làm rõ. Phán quyết cuối cùng sẽ thuộc về cơ quan có thẩm quyền.
Về phía Eximbank, sau khi nghiên cứu vụ việc chúng tôi đánh giá việc phạm pháp của Lê Nguyễn Hưng là có thật. Tuy nhiên vụ việc không đơn giản như vậy. Lê Nguyễn Hưng không thể thực hiện được nếu không có sự tiếp sức và thông đồng.
Đây là số tiền rất lớn, tài khoản tiết kiệm mở trong một thời gian dài từ năm 2014. Số tiền thực sự khách hàng Chu Thị Bình thiệt hại bao nhiêu, tự mình đã rút ra bao nhiêu chứng từ thể hiện rất rõ dòng tiền. Chúng tôi cần làm rõ thêm, trong văn bản của khách hàng Chu Thị Bình gởi cho tổng Giám đốc Eximbank, bà có khẳng định bà không biết bà Nguyễn Thị Hồng Lê - “người được bà ủy quyền” và không ủy quyền cho bà Lê rút tiền (bà Lê là cô của vợ ông Hưng), nhưng theo công văn 387/C44B-P5 ngày 12/6/2017 cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công An xác nhận chữ ký của người uỷ quyền trên giấy ủy quyền ngày 6/2/2014 là do Bà Chu Thị Bình ký.
Chúng tôi được biết Hưng đang bỏ trốn và đang bị truy nã quốc tế. Pháp luật và quy luật đời sống sẽ không buông tha kẻ phạm pháp và bất chấp luân lý. Hưng đã gây ra hoặc tiếp tay gây ra hậu quả cho bao đồng nghiệp của mình phải gánh. Tôi mong Hưng sớm hối cải mà ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng.
Eximbank có dự định trả tiền cho bà Bình trước khi có phán quyết của cơ quan có thẩm quyền?
-Eximbank không chỉ phải hành xử có trách nhiệm với bà Chu Thị Bình mà còn phải hành xử có trách nhiệm với tiền của cổ đông và công chúng tín thác.
Nếu vụ việc thật rõ ràng, khách hàng không thực hiện ký trên các chứng từ giao dịch với ngân hàng, việc giải quyết cho khách hàng sẽ được Eximbank thực hiện ngay. Trong câu chuyện này có nhiều ẩn số cần giải đáp. Khi có tranh chấp về tài liệu rút tiền, số tiền bà Bình đã rút, bút toán trên sổ tiết kiệm có sai nhưng số tiền thực chuyển trả vào tài khoản của bà Chu Thị Bình là có thật, ai đã ủy quyền cho ai, thì phải có cơ quan tài phán quyết định. Đây là một sự cố, cách Eximbank hành xử nghiêm túc, có lý, có tình và đúng pháp luật sẽ giữ được niềm tin của công chúng.
Phản ứng của các cơ quan quản lý nhà nước về vụ việc thế nào, thưa ông?
-Cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là ngân hàng nhà nước và cơ quan thanh tra giám sát đặc biệt quan tâm, hỗ trợ. Chúng tôi thường xuyên báo cáo và cập nhật thông tin, tiếp thu sự chỉ đạo. Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là giám sát và bảo đảm sự an toàn cho toàn hệ thống tài chính ngân hàng, vai trò của chúng tôi là xây dựng mình là một mắt xích đáng tin cậy trong hệ thống ấy bằng chỉnh đốn nội lực và xử lý sự cố một cách chuyên nghiệp với các biện pháp khẩn trương trong ngắn hạn và tầm nhìn dài hạn.
Phản ứng của thị trường thế nào về sự cố này thưa ông?
-Khi khách hàng vừa đưa thông tin ra đại chúng, lượng tiền gởi có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, cổ phiếu Eximbank có giao động nhẹ, nhưng hiện nay đã trở lại ổn định và có xu hướng tăng lên. Thị trường tuy nhạy cảm nhưng đã đủ trưởng thành để phân tích đánh giá giữa sự cố và nội lực của Eximbank.
Liên quan đến vụ "bốc hơi" hơn 245 tỷ đồng tại Eximbank, bà Chu Thị Bình, chủ nhân số tiền này đã tiếp tục lên tiếng. |
Eximbank rút ra gì từ bài học này? Sẽ làm gì để sự việc không tái diễn? Ông có lời khuyên gì cho khách hàng?
-Hai yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát rủi ro của ngân hàng là con người và quy trình. Quy trình của ngày hôm qua đúng có thể hôm nay không còn phù hợp. Con người dù tốt cách mấy cũng có thể sai phạm nên cần tăng cường đào tạo và kiểm soát chéo. Vừa qua, Ban kiểm soát, Khối giám sát hoạt động đã họp cùng Uỷ ban Phòng chống tham nhũng và tội phạm của Eximbank rà soát lại các quy trình và sẽ thường xuyên đào tạo nghiệp vụ và đạo đức, tăng cường giám sát chéo. Công việc này sẽ được làm thường xuyên và đi vào thực chất hơn trong toàn hệ thống.
Tôi không dám cho lời khuyên mà chỉ xin chia sẻ rằng: việc ngăn chặn tiêu cực của phía ngân hàng cũng rất cần sự hợp tác từ phía khách hàng trong việc thực hiện giao dịch. Khách hàng cần thận trọng với các chữ ký của mình. Việc ký các uỷ nhiệm chi, hoặc ủy quyền cho một người mà mình không biết rõ với số tiền lớn là rất nguy hiểm cho cả hai: ngân hàng và khách hàng.
Cám ơn ông về buổi trao đổi này!