Liên quan đến vụ việc em Nguyễn Thị H. Y, học sinh lớp 9A Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi (Hưng Yên) bị đánh hội đồng, chiều 30/3 tại Bệnh viện tâm thần kinh Hưng Yên chúng tôi đã không cầm được lòng khi nghe bà Đặng Thị Nhường - bà nội của em H.Y. kể lại.
Bà Đặng Thị Nhường kể về sự việc Y bị đánh tại trường. Ảnh: Sơn Nguyễn
Trong tâm trạng buồn bã, mắt rưng rưng khi chúng tôi hỏi về tình hình của H.Y, bà Nhường cho biết từ hôm vào viện, H.Y. có biểu hiện sợ hãi, bỏ ăn. Vào ngày bị các bạn đánh, khi cháu đi học về bà Nhường phát hiện H.Y có điểm lạ so với ngày thường, mắt bị tụ máu bầm. Bà Nhường cùng mẹ Y gặng hỏi thì mới biết cháu bị bạn bắt nạt tại trường. Tuy nhiên gia đình không thể ngờ Y. bị các bạn lột đồ, đánh hội đồng và quay clip.
"Hôm đấy có 2 cháu vào nhà xin lỗi, còn 3 cháu đứng ngoài đường , tôi cứ tưởng có 2 cháu thôi. Tôi cũng bảo thôi, lần này là lần sơ thì bỏ qua cho các cháu, lần sau không được đánh bạn nữa. Lần đầu các cháu biết lỗi rồi thì bỏ qua cho các cháu", bà Nhường chia sẻ.
Sự việc xảy ra từ ngày 22/3, nhưng phải đến ngày 25/3, Trường THCS Phù Ủng mới tổ chức buổi gặp mặt giữa gia đình cháu Y. với 5 gia đình các học sinh đã hành hung Y.
"Thầy cô bảo thứ 2 đến xử lý, gọi các cháu và cả gia đình lên làm việc, đến tận sáng thứ 2 tôi mới biết có 5 người đánh cháu mình. Gia đình chúng tôi có hỏi nhà trường về clip thì được biết đoạn clip đã xóa hết không còn", bà Nhường cho hay.
Bà Nhường cho biết thêm, sau khi ra về từ trường, được hàng xóm cho xem clip bà mới biết cháu mình bị đánh dã man như thế.
"Chúng nó đánh con bé như con trâu, con chó. Tôi xem clip mà suýt ngất, ông nội con bé thì phát điên lên vì thương cháu", bà Nhường rớm nước mắt kể lại.
Về phía gia đình 5 em học sinh đã có lời xin lỗi và hứa sẽ chịu toàn bộ tiền thuốc men. Tuy nhiên cho đến bây giờ mới chỉ có một gia đình vào viện thăm Y sau khi em bị đánh phải nhập viện.
Bà Nhường chăm sóc Y tại bệnh viện thay bố mẹ. Ảnh: Sơn Nguyễn
Chia sẻ về sức khỏe của Y sau khi bị đánh, bà Nhường cho biết Y mất ngủ và hoảng sợ.
"Cháu nó không ngủ được, đêm cứ sì sụt, nó xuống nhà tắm ngồi mãi rồi lên. Nó bảo với tôi cháu đau, ù hết đầu. Nghĩ thương cháu quá, phải đi chụp chiếu các thứ cho cháu, thấy nó hoảng sợ nên đưa cháu vào đây để bác sĩ điều trị", bà Nhường chia sẻ.
Cũng theo bà Nhường, trước đây năm lớp 3, H.Y từng bị bắt nạt, nhưng gia đình biết và ngăn chặn kịp thời nên không diễn ra nữa. Cho đến gần đây gia đình mới biết xảy ra vụ việc đau lòng trên.
"Gần đây có một cháu tên là Tr. năm nay 17 tuổi. Cháu Tr. buôn bán với mẹ ở trên Cao Bằng, bị đúp lại 2 năm chuyển về học ở trường. Tr. ngỗ ngược, đánh nhiều bạn rồi. Tôi nghe nói cháu Tr. là 'trùm', nếu mà mấy đứa kia không theo là cháu Tr. nó đánh. Tr. đe dọa Y. là nếu về nói với gia đình thì sẽ bị ăn no đòn", bà Nhường thông tin.
Khi nghe chúng tôi hỏi về hoàn cảnh của em, bà Nhường lặng im một lúc mới trả lời khe khẽ kể: Y là con đầu, dưới còn hai em gái, đứa học lớp 5, đứa bé nhất mới được 2 tuổi. Bố Y không được khôn ngoan như người khác, không biết chữ, là người hiền lành. Mẹ thì bị huyết áp cao, người ốm yếu, đang làm ở công ty may, mấy hôm nay phải nghỉ làm ở nhà để trông con.
"Mẹ nó khóc khàn cả tiếng, đi công ty may nghỉ mấy hôm rồi, không nghỉ thêm được nữa thì nhờ tôi vào trông cháu. Tôi cũng phải bỏ hết công việc lên với cháu để cho cháu tỉnh táo con người", bà Nhường chia sẻ.
Dừng được một lúc bà Nhường tiếp lời, sau nhập viện Y. có những suy nghĩ tiêu cực và không muốn trở lại trường học vì sợ bạn bè chế diễu.
"Tôi thương cháu hẵng còn trẻ mà không được đến lớp, con bé sắp thi vào cấp 3, mà bây giờ phải nằm ở đây," bà Nhường chia sẻ.
Cũng trong chiều 30/3, trao đổi với chúng tôi, BS CK2 Nguyễn Văn Tình GĐ Bệnh viện tâm thần kinh Hưng Yên cho biết: Sau 3 ngày điều trị tại viện tâm thần kinh Hưng Yên qua việc thăm khám và công tác tư tưởng đến nay sức khỏe của nữ sinh Y. về mặt tâm lí đã có tiến triển tư duy tâm lí tốt.
Tuy nhiên hiện cháu vẫn còn tình trạng lo âu, sợ hãi. Bệnh viện sẽ tiếp tục điều trị bằng phương pháp tâm lí trị liệu cho Y. để sức khỏe của cháu nhanh hổi phục trở lại với công việc học tập và cuộc sống hằng ngày.