Vừa có tên trong danh mục thực hiện cổ phần hoá: Handico làm ăn ra sao?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Handico trong năm 2018 giảm 328 tỉ đồng so với 2017. Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề sau khi thanh tra doanh nghiệp này cùng 5 đơn vị khác.

Thủ tướng Chính phủ vừa ra quyết định phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến đến năm 2020, trong đó có tên Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico).

20190817_163655

Trụ sở của Handico ở 34 Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Ảnh: Minh Anh).

Lợi nhuận năm 2018 tăng so với năm trước 

Theo giới thiệu, Handico là Tổng công ty 90 đầu tiên của TP Hà Nội, được thành lập ngày 21/9/1999 nhằm đáp ứng những yêu cầu đổi mới trong lĩnh vực xây dựng, phát triển nhà ở và các khu đô thị của TP Hà Nội.

Handico có 17 đơn vị thành viên trực thuộc khi mới thành lập và đến nay đã có gần 70 đầu mối đơn vị trực thuộc đóng tại địa bàn Hà Nội, TP HCM, Huế, Nghệ An, Ninh Bình… 

Handico đã và đang thực hiện các dự án: Dự án Khu đô thị mới Bắc Thăng Long, dự án đầu tư khu nhà ở xã hội tại ô đất CT3, CT4 Khu đô thị mới Kim Chung (Thăng Long Green ở Đông Anh, TP Hà Nội), dự án đầu tư khu nhà ở cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ công cộng tại ô đất A10 thuộc Khu tái định cư Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), dự án khu hỗn hợp văn phòng cho thuê và nhà ở tại ô đất 3.0 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội...

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của doanh nghiệp này, tính đến 31/12/2018, tổng tài sản của Handico đạt gần 8.000 tỉ đồng, trong khi đó, tổng nợ phải trả là 3.980 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu là 4.017 tỉ đồng.

Bản báo cáo tài chính hợp nhất này cũng ghi nhận chi phí xây dựng dở dang của Handico tính đến 31/12/2018 là 2.143 tỉ đồng, tăng 519 tỉ đồng so với đầu năm 2018. 

Lượng tài sản này nằm chủ yếu ở các dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ công cộng tại ô đất A10 thuộc Khu tái định cư Nam Trung Yên (462 tỉ đồng), Khu tái định cư Nam Trung Yên phần xây dựng Nhà ở và Hạ tầng kỹ thuật thiết yếu giai đoạn một (897,6 tỉ đồng), dự án xây dựng hạ tầng tuyến đường và các ô đất hai bên đường Láng Hạ - Thanh Xuân (268 tỉ đồng)...

Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Handico đạt 1.359 tỉ đồng (gồm doanh thu hợp đồng xây dựng và doanh thu chuyển nhượng bất động sản), giảm 328 tỉ đồng so với năm 2017. 

Tuy nhiên lợi nhuận trước thuế của năm 2018 là 379 tỉ đồng, cao hơn so với 2017 khoảng 10 tỉ đồng. Còn lợi nhuận sau thuế là 363 tỉ đồng, cao hơn so với năm 2017 khoảng 15 tỉ đồng. Có thể lý giải một phần nhờ chi phí tài chính trong năm 2018 của Handico giảm đáng kể, trong đó, có việc hoàn nhập khoản dự phòng tổn thất đầu tư.

Thanh tra ra nhiều vấn đề

Điều đáng nói, trong năm 2018, Thanh tra Bộ Tài chính đã ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Handico và 5 doanh nghiệp khác thuộc "họ" Handico.

Cụ thể, theo cơ quan thanh tra, Handico đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm 31/12/2016 là hơn 655 tỉ đồng vào 38 công ty (gồm 3 công ty con, 18 công ty liên kết, liên doanh và đầu tư khác vào 17 công ty). 

Trong đó, Handico đầu tư tài chính dài hạn vào Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 68 nhưng không được chia lợi nhuận do lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2016 là hơn 49 tỉ đồng. Ngoài ra, Handico đầu tư vào 4 công ty liên kết khác nhưng bị lỗ, năm 2016 số tiền lỗ hơn 5,9 tỉ đồng.

Handico còn đầu tư tài chính dài hạn vào 17 doanh nghiệp khác với giá trị đầu tư gần 151 tỉ đồng nhưng chỉ 8 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lãi hơn 70 tỉ đồng, 2 doanh nghiệp đã thoái vốn và 2 doanh nghiệp kinh doanh lỗ hơn 235 tỉ đồng vào năm 2016 là Công ty CP Kinh doanh và Xây dựng nhà và Công ty Tài chính CP Handido. 

Qua công tác thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính cũng chỉ ra Handico có nợ phải trả quá hạn là 13,3 tỉ đồng

Và đến thời điểm kết thúc thanh tra 23/1/2018, 6 doanh nghiệp trong đó có Handico còn nợ thuế hơn 8,4 tỉ đồng. Kết luận thanh tra cũng xác định các doanh nghiệp này kê khai sai dẫn đến thiếu thuế phải nộp cho ngân sách nhà nước 16,8 tỉ đồng. Trong đó thuế GTGT là 12,4 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 1,1 tỉ đồng, lợi nhuận còn lại nộp ngân sách là 3,2 tỉ đồng.

Đối với công ty mẹ Handico, Thanh tra Bộ Tài chính cũng chỉ ra đơn vị này hạch toán thiếu doanh thu hoạt động sản xuất - kinh doanh và doanh thu hoạt động tài chính số tiền hơn 4,7 tỉ đồng.

Trên cơ sở kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị HĐTV, tổng giám đốc Handico chỉ đạo các đơn vị thực hiện đối chiếu đầy đủ công nợ khi lập báo cáo tài chính, kiên quyết thu hồi các khoản nợ phải thu để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện đúng quy định trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng đầu tư tài chính. 

Đồng thời, Thanh tra Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện kê khai bổ sung thuế GTGT đầu ra 12,4 tỉ đồng; thực hiện nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Tài chính 16,8 tỉ đồng để xử lý nộp vào ngân sách nhà nước.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.