Trạm BOT QL2. (Ảnh: Di Linh) |
Liên quan đến dự án BOT cải tạo, nâng cấp đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên từ Km 7+880 - Km29+800 (BOT QL2), theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án được khởi công xây dựng từ tháng 12/2007.
Dự án này bắt đầu thu phí hoàn vốn từ ngày 15/8/2008 (sau khi hoàn thành giai đoạn 1); hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 8/2013.
Theo Bộ GTVT, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án đến nay đã gần 10 năm và đang trong giai đoạn thu phí tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư theo quy định của hợp đồng dự án.
Được biết, tháng 8/2017, Kiểm toán Nhà nước đã có thông báo kết quả kiểm toán đối với dự án nêu trên.
Sau đó, Bộ GTVT đã yêu cầu các tập thể, cá nhân có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định.
Đồng thời thực hiện việc cập nhật, điều chỉnh các sai sót theo ý kiến của Đoàn kiểm toán đối với dự án BOT cải tạo, nâng cấp đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên nêu trên.
Bộ GTVT cũng cho biết đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan thực hiện việc quyết toán công trình dự án, chi phí quản lý vận hành, số doanh thu thực tế, cập nhật vào phương án tài chính để đàm phán điều chỉnh hợp đồng dự án và thời gian dừng thu phí.
"Quá trình đàm phán, Nhà đầu tư (Công ty CP BOT QL2) không thống nhất về việc chấp hành một số nội dung kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước", Bộ GTVT cho hay.
Cụ thể, nhà đầu tư không thống nhất về nội dung giảm trừ chi phí tạo lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong thời gian thi công và chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn chủ sở hữu trong thời gian khai thác đối với một số dự án đã ký Hợp đồng trước năm 2011.
Do vậy, theo Bộ GTVT việc quyết toán dự án để điều chỉnh hợp đồng dự án đến nay chưa thể hoàn thành và có khả năng sẽ xảy ra tranh chấp pháp lý với nhà đầu tư.
Bảo trì đường bộ: VEC bị 'tố' lập doanh nghiệp để chỉ định thầu |
Cũng theo Bộ GTVT, dự án BOT trên có một số vướng mắc khi thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước.
Cụ thể là về cách tính chi phí bảo toàn vốn trên phần vốn chủ sở hữu trong thời gian khai thác, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong quả trình thỉ công và việc xử lý số tiền 6.489,852 triệu đồng đã bố trí vượt mức quy định.
Về chi phí bảo toàn vốn, theo Bộ GTVT, đây là vướng mắc chung đối với các dự án thực hiện theo hợp đồng BOT thực hiện trước năm 2011.
Bộ GTVT đang báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về giải pháp xử lý chung cho các dự án.
Về xử lý số tiền 6.489,852 triệu đồng, Bộ GTVT đưa ra 3 phương án. Thứ nhất, tiếp tục giao cho nhà đầu tư thực hiện thu phí để hoàn phần vốn NSNN góp vào dự án.
"Phương án này chỉ thực hiện được khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép thực hiện theo cơ chế thu, nộp vào NSNN do Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT hướng dẫn riêng cho dự án này", Bộ GTVT thông tin.
Thứ hai, nhượng quyền thu phí cho nhà đầu tư khác thông qua đấu thầu rộng rãi theo quy định của Luật Đấu thầu và pháp luật có liên quan.
Thứ ba, Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển phần vốn NSNN góp vào dự án thành vốn NSNN hỗ trợ thực hiện dự án và không thực hiện thu hồi phần vốn này.
"Trường hợp này, nhà đầu tư sẽ chuyển giao công trình dự án cho Bộ GTVT quản lý ngay sau khi hết thời hạn thu phí tạo lợi nhuận.
Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn thu phí tạo lợi nhuận. Tổng cục Đường bộ đang thực hiện đàm phán với nhà đầu tư để chuẩn bị chuyển giao công trình dự án, chấm dứt hợp đồng theo quy định", Bộ GTVT cho hay.
Được biết, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện phương án ba. Ngoài ra, Bộ này cũng kiến nghị được giao thực hiện việc phê duyệt điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn trong tổng mức đầu tư dự án.
Cập nhật, điều chỉnh phương án tài chính, đàm phán với nhà đầu tư điều chỉnh thời gian thu phí hoàn vốn, thời điểm dừng thu phí và chuyển giao công trình dự án theo quy định.
Theo tìm hiểu, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư tại Quyết định 1090/CP-CN ngày 15/8/2003 về việc thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cải tạo nâng cấp QL2 đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên từ Km 7+880 - Km29+800.
Bộ GTVT giao cho Công ty CP BOT QL2 là Chủ đầu tư Dự án tại Quyết định 2839/QĐ/GTVT-KHĐT ngày 26/9/2003. Tổng mức đầu tư dự án (điều chỉnh lần 3 theo Quyết định số 3263/QĐ-BGTVT ngày 18/10/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT) là 772,754 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động của nhà đầu tư BOT là 496,712 tỷ đồng; vốn NSNN tham gia vào dự án là 276,042 tỷ đồng. Mức thu phí dự án quy định tại Hợp đồng dự án bằng 1,5 lần mức thu tại Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004 của Bộ Tài chính. Lợi nhuận nhà đầu tư tương ứng doanh thu của 3 năm 6 tháng cuối cùng; sau khi doanh thu đã hoàn trả đủ vốn chủ sở hữu (30%) và vốn vay (70%). Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến 13 năm 7 tháng. |