Xây cáp treo, casino ở hồ Trị An: Không ổn!

Hồ Trị An là nguồn tài nguyên cần được đảm bảo đa mục tiêu, không nên khai thác bừa bãi, kể cả du lịch sinh thái.
xay cap treo casino o ho tri an khong on
Hồ Trị An là nguồn tài nguyên cần được đảm bảo đa mục tiêu, không nên khai thác bừa bãi, kể cả du lịch sinh thái.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDCO (gọi tắt là Công ty Cường Thuận) đề xuất tỉnh Đồng Nai cho xây dựng một khu du lịch hoành tráng, tầm cỡ (tổng vốn đầu tư dự tính gần 1.000 tỉ đồng) tại đảo Ó và đảo Đồng Trường trong lòng hồ Trị An.

Theo đó, ở đây dành một diện tích lớn dùng để làm khu công viên nước, khu dịch vụ vui chơi giải trí, khu tổ chức các hoạt động dưới nước; khu văn hóa tâm linh, khu khách sạn - nhà hàng - casino - sân tập golf trên mặt nước; nhà nghỉ dưỡng quy mô nhỏ, riêng biệt… và có cả hệ thống cáp treo. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ lo ngại trước thông tin này.

Coi chừng “xôi hỏng bỏng không”

GS-TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM), cho hay: “Làm gì thì làm cũng phải đảm bảo các chức năng của hồ Trị An như tích trữ nước cho thủy điện, cung cấp nước cho khu vực Đông Nam Bộ, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường”.

Chính tính đa chức năng như vậy của hồ Trị An nên GS-TSKH Lê Huy Bá cho rằng ngay cả việc nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ cũng không được làm ảnh hưởng đến các mục tiêu khác chứ chưa nói đến việc làm một đại dự án du lịch như thế này.

“Khi làm một khu du lịch, giải trí hoành tráng sẽ thu hút một lượng lớn người đến thì phải tính đến lượng chất thải, nước thải của hoạt động này so với sức chịu đựng của môi trường. Nếu không sẽ ô nhiễm mà hiện tượng phú dưỡng hóa (biểu hiện của nước bị ô nhiễm do dư thừa các chất dinh dưỡng) rất dễ xảy ra, làm ảnh hưởng đến môi trường nước lòng hồ, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước cho hạ lưu” - GS-TSKH Lê Huy Bá nói.

Theo GS Bá, hồ Trị An là nguồn tài nguyên thiên tạo và nhân tạo, cần phải có kế hoạch đảm bảo cho các mục tiêu đã nêu chứ không phải khai thác bừa bãi. Ông nhấn mạnh: “Kể cả làm du lịch sinh thái cũng phải xem xét trong khả năng chịu tải của môi trường. Chưa kể ở đây dự định làm nhiều chức năng, trong đó có cả sân golf, cáp treo và casino. Tương tự, để phục vụ cho các hoạt động trên thì phải xây dựng nhiều công trình, hệ thống cáp treo nên các tác động này cần phải tính toán cụ thể, đầy đủ. Nếu không thì dẫn đến xôi hỏng bỏng không”.

xay cap treo casino o ho tri an khong on
Phải hết sức chú ý đến tính đa chức năng của hồ Trị An với khu vực khi xây dựng một dự án du lịch quy mô lớn ở đây. Ảnh: TIẾN DŨNG

Phạm vào khu dự trữ sinh quyển

Khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An - Đồng Nai là một phần của khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Đồng Nai. Vì vậy, GS-TSKH Lê Huy Bá cho hay theo Công ước Đa dạng sinh học, việc quản lý khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai phải tuân thủ 12 nguyên tắc tiếp cận hệ sinh thái. Trong đó, nguyên tắc bảo tồn cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái phải là mục tiêu ưu tiên. Bất cứ chương trình quản lý hệ sinh thái nào cũng phải đạt mục tiêu giảm bớt những tác động tiêu cực của thị trường có ảnh hưởng bất lợi đến sự đa dạng sinh học.

Ngoài ra, theo quy chế quản lý khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai do UBND tỉnh Đồng Nai ban hành thì việc quản lý khu dự trữ sinh quyển này phải phát huy tốt các chức năng của khu dự trữ sinh quyển như thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững về sinh thái cũng như các giá trị văn hóa truyền thống. Cụ thể, ở khu dự trữ sinh quyển này có 11 dân tộc anh em sinh sống.

Theo TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, đây là một mô hình phát triển bền vững giữa con người và thiên nhiên dựa trên sự đa dạng sinh học, đa dạng văn hóa được duy trì từ xa xưa của các đồng bào dân tộc ít người. Các phong tục tập quán truyền thống được bảo tồn gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học. “Đặc biệt, khu vực này có người dân tộc bản địa Châu Mạ và S’tiêng với những phong tục độc đáo là một trong các tiêu chí được xem xét công nhận khu dự trữ sinh quyển” - TS Long nói.

Vì vậy, TS Long cho rằng khu vực này không thích hợp cho việc phát triển du lịch, dịch vụ cao cấp hay mở sòng bài. Bởi lẽ các loại hình này dễ tác động, làm thay đổi đến văn hóa bản địa cần bảo tồn.

Vùng lõi bảo tồn đặc trưng cho vùng nhiệt đới

Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai hiện là khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Việt Nam. Nó gồm Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu, Khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An - Đồng Nai, khu Ramsar Bàu Sấu.

Việc đưa thêm vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu và Khu bảo tồn vùng đất ngập nước nội địa Trị An cùng với Vườn quốc gia Cát Tiên (vùng lõi đã được UNESCO công nhận trước đó) tạo nên ba vùng lõi làm thành vùng hành lang bảo tồn mang tính tổng thể, toàn vẹn của các hệ sinh thái đặc trưng cho vùng nhiệt đới mà tỉnh Đồng Nai đang sở hữu.

Trong đó, Khu bảo tồn vùng nước nội địa Trị An với diện tích lúc ngập nước vào khoảng 32.400 ha có xen lẫn một số đảo. Khu này gồm toàn bộ vùng hồ Trị An và các vùng phụ cận thuộc sông Đồng Nai với đa dạng thành phần loài cá và các loài thủy sinh vật khác tạo nên chuỗi và lưới thức ăn phong phú trong hệ sinh thái ao hồ đặc trưng vùng nhiệt đới. Ngoài ra, hồ Trị An còn cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp nguồn lợi thủy sản cho các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Sao lại chọn vùng hồ Trị An?

Khu du lịch quy mô lớn có cả cáp treo, sân golf, casino thế này ở Việt Nam có rất nhiều nơi phù hợp để xây dựng. Tại sao lại chọn một nơi có điều kiện môi trường sinh thái và văn hóa đặc trưng dễ bị tổn thương như vùng hồ Trị An để làm?

TS VŨ NGỌC LONG, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.