Cụ thể, chủ đầu tư, tư vấn và các nhà thầu xây dựng kế hoạch khôi phục thi công dự án sau ngày 15/9 theo 2 kịch bản. Kịch bản đầu tiên là tiếp tục thực hiện thi công theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến”. Trong số đó, về thi công sẽ khôi phục từ 15-30% các hạng mục quan trọng của dự án như kết cấu, hoàn thiện kiến trúc, cơ điện, đổ bê tông tại các nhà ga và kiểm tra tiếp nhận các thiết bị… Kịch bản này sẽ huy động khoảng trên 600 công nhân tại các công trường.
Trong khi đó, kịch bản 2 được xây dựng trên cơ sở khi được phép di chuyển trở lại đối với các dự án thi công trọng điểm của Thành phố. Khi đó, về thi công sẽ khôi phục từ 40% đến 80% các hạng mục quan trọng tại các công trường thi công các gói thầu của dự án. Nhân sự huy động khoảng trên 1.300 công nhân đã được tiêm vaccine tại các công trường.
Đến nay, các đơn vị đã tiến hành tiêm vaccine cho đội ngũ viên chức, chuyên gia, kỹ sư và công nhân. Trong số đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị có 99% viên chức đã tiêm vaccine mũi 1, 90% đã tiêm mũi 2 và sẵn sàng cho việc đẩy mạnh thiết lập lại tiến độ dự án.
Đối với tư vấn và các nhà thầu, hiện đã tiêm được trên 1.300 liều vaccine mũi 1 cho chuyên gia, kỹ sư và công nhân; trong đó, có khoảng 30% đã hoàn thành tiêm mũi 2. Hiện các đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiêm vaccine mũi 2 cho số nhân sự nêu trên và tiêm vaccine mũi 1 cho khoảng 1.000 nhân sự còn lại của dự án.
Vừa qua, sau thời gian tạm ngưng các công việc tại văn phòng để thực hiện các biện pháp chống dịch, Liên danh Tư vấn NJPT đã có công văn chính thức gửi Ban Quản lý đường sắt đô thị và các nhà thầu về việc thực hiện lại các dịch vụ tư vấn của dự án với năng suất cố gắng tối đa. Điều này nhằm hỗ trợ việc tái lập thi công và tiến độ của dự án.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh hy vọng dự án tuyến metro số 1 sẽ đạt được tiến độ thi công đã đề ra trên cơ sở sự hợp tác của chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu và chỉ đạo kịp thời của UBND thành phố và sự quan tâm hỗ trợ từ các sở ban ngành, trong đó có tổ chức tiêm vaccine tối đa cho lực lượng chuyên gia, kỹ sư và công nhân trên công trường.
Trước đó, ngày 7/9, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã có văn bản gửi Sở Giao thông vận tải về chuẩn bị nội dung báo cáo Quốc hội tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Chủ đầu tư cho biết, đang cùng tư vấn chung và các nhà thầu thi công dự án metro số 1 xây dựng lại tiến độ, dự kiến thời gian hoàn thành dự án vào khoảng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, chậm hơn khoảng 2 năm so với kế hoạch được phê duyệt.
Liên quan vấn đề này, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, tiến độ kéo dài đến năm 2024 vận hành thương mại là không hợp lý. Các bên cần xây dựng kịch bản cụ thể về tiến độ dự án theo tình hình thực tế. Hiện phần xây dựng thô đã cơ bản với tổng khối lượng đạt gần 90%, do đó không nên “áp đặt” mức thời gian kéo dài thêm hơn 2 năm như trên.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, việc kéo dài quá lâu dự án sẽ tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố, nhất là khu vực trung tâm và trục dọc tuyến metro số 1, đồng thời ảnh hưởng đến các vấn đề khác như đội vốn, gây kẹt xe... Trung ương và TP Hồ Chí Minh sẽ có những ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc để dự án đẩy nhanh tiến độ.
Dự án metro số 1 hiện đang triển khai thi công 4 gói thầu gồm: CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố); CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son); CP2 (đoạn trên cao và depot); CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng).
Năm 2019, dự án tuyến metro số 1 đã được UBND TP Hồ Chí Minh điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 43.757 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án và đưa vào vận hành là cuối năm 2021. Hiện dự án mới thực hiện khối lượng tổng thể đạt 87,5%, dự kiến đến cuối năm 2021 đạt 91%.