Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ, gần 2.500 tỷ đồng vốn ODA chưa thể giải ngân

Tính đến nay, khối lượng tổng thể dự án đường sắt đô thị số 1 TP HCM ước đạt 85,9%, tiến độ này vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM vừa có báo cáo về tình hình thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Tính đến nay, khối lượng tổng thể dự án ước đạt 85,9%. Trong đó, đơn vị thực hiện đã bàn giao mặt bằng phần đường, vỉa hè trên đường Lê Lợi (đoạn Nguyễn Huệ đến Pasteur); ga Ba Son và khu vực hầm đào hở thuộc gói thầu 1b; nhập khẩu và vận chuyển đoàn tàu số 2 và đoàn tàu số 3 về depot Long Bình chuẩn bị cho giai đoạn vận hành thử nghiệm.

Về cơ chế tài chính, thỏa thuận vay, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã có ý kiến chỉ đạo nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc xác định giá trị ODA cấp phát từ Ngân sách Trung ương còn lại cho dự án. 

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM đã trình Hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án thẩm định phê duyệt điều chỉnh dự án, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP và JICA đã thống nhất các nội dung trong thỏa thuận vay lần thứ 4 và tiến hành xúc tiến các thủ tục liên quan.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ, gần 2.500 tỷ đồng vốn ODA chưa thể giải ngân - Ảnh 1.

Đoàn tàu số 2 và số 3 của tuyến metro số 1 chính thức cập cảng Khánh Hội, quận 4, TP HCM hôm 10/5. (Ảnh: Thanh niên).

Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM, tiến độ thực hiện dự án vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. 

Lý do các gói thầu đang triển khai thi công của dự án là các gói thầu thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng), nhưng việc cung cấp các thông số giao diện và phạm vi công việc của các gói thầu chưa được cụ thể ngay từ giai đoạn lập hồ sơ mời thầu.

Điều này làm ảnh hưởng đến công tác thiết kế của gói thầu số 3 cũng như ảnh hưởng tiến độ của các gói thầu khác.

Đồng thời, quá trình thi công vẫn còn vướng mắc các công trình hạ tầng kỹ thuật còn sót lại của các công trình hạ tầng, nhà dân dọc 9 cầu bộ hành, cần phải thực hiện di dời nên phát sinh thêm chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các gói thầu.

Mặt khác, hiện nay, chưa thể giải ngân vốn ODA cấp phát được bố trí cho dự án là 2.484 tỷ đồng do chưa xác định được vốn ODA cấp phát còn lại cho dự án.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng và chậm trễ đáng kể đối với kế hoạch thi công của các gói thầu.

Từ thực tế trên, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM kiến nghị Hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án xem xét, thẩm định trình UBND TP HCM phê duyệt điều chỉnh dự án để làm cơ sở xác định giá trị ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương.

Đồng thời, kiến nghị UBND TP HCM xem xét, có ý kiến chỉ đạo về việc thiết kế, xây dựng cầu bộ hành các nhà ga trên cao của gói thầu số 2 nhằm đảm bảo tiến độ dự án.

Mặt khác, đơn vị kiến nghị Hội đồng thẩm định thiết kế kỹ thuật xem xét, phê duyệt 32 tiêu chuẩn kỹ thuật bổ sung dự án.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là dự án đường sắt đô thị đầu tiên tại TP HCM. Dự án có tổng chiều dài 19,7 km (gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao), với 14 nhà ga, tổng vốn đầu tư 43.600 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Lộ trình của tuyến bắt đầu từ ga Bến Thành (tại Quảng trường Quách Thị Trang) - Lê Lợi - Nguyễn Siêu - Ngô Văn Năm - Tôn Đức Thắng - Ba Son - Nguyễn Hữu Cảnh - Văn Thánh - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn - xa lộ Hà Nội và kết thúc tại Depot Long Bình.

Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên có 17 đoàn tàu; trong đó giai đoạn đầu là tàu loại 3 toa và sau là loại 6 toa, đều sản xuất tại Nhật Bản. Tàu số 1, 2 và 3 đã cập bến Việt Nam và trong giai đoạn lắp đặt.

Dự kiến, trong tháng 6 - 7, các đoàn tàu khác sẽ được vận chuyển về TP HCM, với các đoàn tàu 6 toa xe. Tuy nhiên, kế hoạch có thể thay đổi do những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.