Tình trạng bạo lực học đường vẫn khiến ngành giáo dục nhức nhối. Ảnh: Internet. |
Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, các đơn vị liên quan thuộc Bộ, một số chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và một số nhà giáo.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có những phân tích về sự gia tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng của bạo lực học đường. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chỉ ra những nguyên nhân từ bản thân học sinh, từ phía nhà trường, gia đình và tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường.
Từ việc đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra những giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường, hướng tới xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
Cụ thể những biện pháp đó là đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy môn học Giáo dục công dân, môn học đạo đức, đưa môn Giáo dục công dân thành môn thi tốt nghiệp THPT trong năm 2017, tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục giá trị sống thông qua giảng dạy tích hợp vào các môn học, thông qua việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, đẩy mạnh triển khai công tác tham vấn, tư vấn tâm lý học đường; xây dựng và thực hiện bộ quy tắc về văn hóa ứng xử trong trường học.
Đặc biệt, một trong những biện pháp được Bộ GD&ĐT rất chú trọng đó là tiến hành xây dựng và trình Chính phủ ban hành nghị định Quy định môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Do vậy, trong buổi làm việc với Ban soạn thảo xây dựng Nghị định của Chính phủ, Bộ trưởng đã chỉ đạo : dự thảo phải đảm bảo bao quát được đúng đối tượng, làm rõ thuật ngữ, nội hàm của các đối tượng và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan để xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, thân thiện trong và ngoài nhà trường; bám sát vào Luật trẻ em và các luật liên quan khác.
Trước diễn biến phức tạp của bạo lực học đường, Bộ Giáo Dục & Đào tạo đã có những động thái tích cực để giải quyết vấn đề này. Mới đây, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhấn mạnh đạo đức, lối sống “là vấn đề cấp bách, và nổi cộm, bạo lực học đường là có thật và có xu hướng gia tăng.
“Số sinh viên, học sinh có hành vi bạo lực, có hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống chỉ là bộ phận nhỏ nhưng chính nó làm cho xu hướng đạo đức lối sống của một bộ phận có nguy cơ không kiểm soát được", Bộ trưởng nói.