Xây dựng tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn theo hình thức đầu tư công

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn là dự án trọng điểm, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc kết nối giữa tỉnh Thái Bình với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, đã được tỉnh Thái Bình thống nhất chủ trương và tổ chức thực hiện từ năm 2019, theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, do ảnh hưởng của một số nguyên nhân khách quan, không lường trước. Bởi vậy, tỉnh Thái Bình đã quyết định không tiếp tục thực hiện Dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), đồng thời, quyết định thực hiện Dự án theo hình thức đầu tư công.

Theo đó, Dự án tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.220 tỷ đồng; trong đó, chi phí đã thực hiện (theo hợp đồng BOT) khoảng 315 tỷ đồng, chi phí đầu tư xây dựng dự án còn lại khoảng 1.905 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư thực hiện Dự án ngân sách của tỉnh Thái Bình; thời gian thực hiện 2024-2026.

Dự án có tổng chiều dài 21,28 km, theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng, vận tốc thiết kế 100 km/h; bề rộng nền đường 22,5 m. Điểm đầu Dự án tại Km2+500 nối với đường dẫn cầu vượt sông Hóa thuộc địa phận xã An Thanh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Điểm cuối tại Km23+809 nối với đường Võ Nguyên Giáp thuộc địa phận xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.

Trước đó, nhằm tránh gây thiệt hại cho Nhà nước và nhà đầu tư, tỉnh Thái Bình đã quyết định không tiếp tục thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT). Đồng thời, đàm phán, ký Biên bản thoải thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định với Nhà đầu tư (ngày 13/9/2024).

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ thành phố Thái Bình đến cầu Nghìn được HĐND tỉnh Thái Bình phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 13/12/2019 và được điều chỉnh tại Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 26 tháng 5 năm 2020. Thời gian thực hiện Dự án năm 2020-2023. Đơn vị trúng thầu là liên danh Tổng Công ty xây dựng số 1 - CTCP, Công ty cổ phần Lam Sơn Thái Bình, Công ty cổ phần DAMSAN, Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thành.

Được biết, sau khi ký hợp đồng BOT, UBND tỉnh Thái Bình và nhà đầu tư đã tích cực triển khai các công việc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số yếu tố chủ quan và khách quan dẫn đến lý do không tiếp tục hiện Dự án xây dựng tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) như tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án chậm so với hợp đồng đã ký; diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 bùng phát, phải thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến các hoạt động thi công xây dựng gặp nhiều khó khăn làm gián đoạn cung ứng vật tư, vật liệu xây dựng, thiếu nhân lực phục vụ thi công do yêu cầu về cách ly, hạn chế di chuyển; vật liệu xây dựng khan hiếm.

Tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (CT.08) theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ đầu tư giai đoạn sau năm 2030, tuy nhiên, đến tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho UBND tỉnh Thái Bình nghiên cứu dự án và đến tháng 12/2023 đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với thời gian dự kiến đi vào hoạt động, khai thác từ năm 2027 sẽ làm sụt giảm lưu lượng xe, ảnh hưởng đến phương án tài chính của Dự án tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi Cầu Nghìn….

Đến nay, Dự án mới thi công đào hữu cơ 17,6 km, đắp cát nền đường 16,54 km, thi công đệm thoát nước khoảng 3,5 km, thi công 1 cầu tạm, hoàn thành sửa chữa và đảm bảo giao thông phạm vi nút giao với đường tỉnh ĐT.455 của dự án…Hiện tại, tỉnh Thái Bình đang chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức triển khai lập dự án đầu tư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai các bước tiếp theo, theo đúng quy định của pháp luật.

Dự án tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn hoàn thành sẽ giảm thiểu ùn tắc, tại nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 10 đoạn từ Cầu Nghìn đến nút giao tuyến tránh Sl; đồng thời, tăng cường thông thương giữa các tỉnh Nam Định, Thái Bình, thành phố Hải Phòng và các địa phương khác có tuyến Quốc lộ 10 đi qua, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương…

chọn
Toàn cảnh đường kết nối di sản văn hoá du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng sắp mở qua huyện Văn Giang, Hưng Yên
Tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng có tổng chiều dài gần 56 km, trong đó có một phần đi qua huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.