Xem cách xây dựng, điều hành doanh nghiệp nghìn tỉ của những cặp vợ chồng đại gia quyền lực ở Việt Nam

Nhiều tập đoàn lớn trị giá nghìn tỉ tại Việt Nam hiện nay như Vingroup, Masan, Sovico… đều được gây dựng và điều hành bởi sự gánh vác, chia sẻ của cả vợ và chồng. Một điều dễ nhận thấy là việc phân chia trách nhiệm quản lý, phát triển, xây dựng hình ảnh thương hiệu khá rõ ràng.

Có những cặp vợ chồng cùng nhau khởi nghiệp để gây dựng nên những tập đoàn trị giá nghìn tỉ, hoạt động ở nhiều lĩnh vực, cũng có người khi “về chung một nhà” mới tham gia vào điều hành doanh nghiệp, nhưng điểm chung của họ là cùng “đồng vợ đồng chồng” xây dựng “đế chế” của riêng mình.

Vợ chồng tỉ phú Phạm Nhật Vượng và Phạm Thu Hương

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng đang là tỉ phú giàu nhất Việt Nam, với khối tài sản ròng lên tới 7,7 tỉ USD (theo Forbes). Riêng giá trị cổ phiếu tại Vingroup của ông là 103.544 tỉ đồng.

Ngoài những cộng sự tham giam điều hành doanh nghiệp thì vợ ông, bà Phạm Thu Hương, cũng giữ vị trí lãnh đạo quan trọng là Phó Chủ tịch Vingroup và Thành viên HĐQT tại Vincom Retail.

Hiện bà Hương nắm giữ 4,73% vốn Vingroup, tương đương khối tài sản 17.885 tỉ đồng, và là nữ đại gia đứng top đầu sàn chứng khoán.

Ông Vượng khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất mì ăn liền và khoai tây nghiền tại Ukraina. Bên cạnh những người cộng sự, bà Phạm Thu Hương cũng đã hỗ trợ rất lớn cho chồng khi cùng là cổ đông sáng lập Tập đoàn Technocom.

xem cach xay dung dieu hanh doanh nghiep nghin ti cua nhung cap vo chong dai gia quyen luc o viet nam
Tỉ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng thường xuất hiện trong các sự kiện lớn của tập đoàn mà không có vợ ông, là người cùng điều hành Vingroup. (Ảnh: T. Tuấn).

Doanh nghiệp sau đó nắm giữ vị trí số một trong lĩnh vực sản xuất thức ăn nhanh tại đất nước này.

Năm 2009, tỉ phú Phạm Nhật Vượng bán công ty cho Nestle và chuyển toàn bộ hoạt động kinh doanh về Việt Nam, bắt đầu kinh doanh với lĩnh vực bất động sản cùng thương hiệu Vinpearl tại Nha Trang và Vincom tại Hà Nội. Năm 2012, Vincom và Vinpearl sáp nhập thành Vingroup.

Với hệ sinh thái gồm các lĩnh vực bất động sản, bán lẻ, nông nghiệp, giáo dục, y tế và sản xuất ôtô… Vingroup hiện là một trong những doanh nghiệp tư nhân có giá trị nhất tại Việt Nam.

Một điều khác biệt ở vợ chồng doanh nghiệp này là dù cùng khởi nghiệp, cùng xây dựng, điều hành doanh nghiệp, nhưng bà Hương luôn "ở trong bóng tối". Trong các hoạt động kí kết đầu tư lớn, công bố dự án, sản phẩm mới của tập đoàn, chỉ có sự xuất hiện của ông Phạm Nhật Vượng với chức danh Chủ tịch HĐQT. Còn thông tin về người phụ nữ quyền lực nhất Vingroup chỉ thể hiện qua chức danh, nhiệm vụ và tỉ lệ sở hữu tại tập đoàn và các công ty thành viên.

Theo đó, về tỉ lệ sở hữu doanh nghiệp, ông Vượng là cổ đông lớn sở hữu 27,45% vốn công ty, còn bà Hương chỉ nắm giữ 4,73% vốn. Ông Vượng cũng là chủ sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, doanh nghiệp nắm giữ 33,37% vốn Vingroup.

Vợ chồng tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - Nguyễn Thanh Hùng

Cặp vợ chồng tỉ phú Việt cùng tham gia điều hành doanh nghiệp thứ hai phải kể đến là bà chủ Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cùng chồng - ông Nguyễn Thanh Hùng.

xem cach xay dung dieu hanh doanh nghiep nghin ti cua nhung cap vo chong dai gia quyen luc o viet nam
Với vợ chồng tỉ phú Phương Thảo, hình ảnh người vợ lại đại diện cho doanh nghiệp, xuất hiện trước truyền thông, trong các sự kiện lớn của doanh nghiệp.

Ngược với hình ảnh của cặp vợ chồng điều hành quyền lực nhất Vingroup, tại doanh nghiệp của mình, hình ảnh bà Thảo "đại chúng" hơn. Nữ tỉ phú Phương Thảo thường xuất hiện trước truyền thông chứ không phải chồng.

Tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cùng chồng khởi nghiệp tại Đông Âu. Sau khi về Việt Nam, họ cùng là cổ đông sáng lập và điều hành Công ty CP Sovico, một trong những tập đoàn bất động sản, đầu tư tài chính lớn tại Việt Nam.

Tại Sovico, khi bà Thảo là Chủ tịch HĐQT thì ông Hùng là Chủ tịch Hội đồng sáng lập.

Với các vai trò quan trọng tại Sovico Holdings, Techcombank, VIB, HDBank, Vietjet Air, bà Thảo cũng là nữ tỉ phú USD duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách của Forbes.

Ngoài chức Chủ tịch hội đồng sáng lập Sovico, ông Hùng đang là Phó Chủ tịch HĐQT tại Vietjet Air, "ngang hàng" với bà Thảo. Tuy nhiên, bà Thảo kiêm thêm vị trí Tổng giám đốc, điều hành trực tiếp hoạt động của hãng hàng không giá rẻ này.

Tại Vietjet, ông Hùng chỉ nắm giữ 0,82% vốn công ty, bà Thảo lại sở hữu trực tiếp tới 7,3%. Ngoài ra, bà còn gián tiếp sở hữu 23,81% vốn của Vietjet thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (cũng do bà Thảo sở hữu 100% vốn).

Một loạt doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái của doanh nghiệp tư nhân do vợ chồng này sáng lập, đầu tư cũng gắn với hình ảnh bà Thảo.

Vợ chồng ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang - Nguyễn Hoàng Yến

Cũng là cặp đôi cùng khởi nghiệp thành công tại Đông Âu, vợ chồng ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang - Nguyễn Hoàng Yến sau thời gian thành công ở nước ngoài cùng về Việt Nam mở rộng kinh doanh.

xem cach xay dung dieu hanh doanh nghiep nghin ti cua nhung cap vo chong dai gia quyen luc o viet nam
Vợ ông Nguyễn Đăng Quang, bà Hoàng Yến, thỉnh thoảng xuất hiện trong các sự kiện quan trọng của Masan, nhưng phần lớn các hoạt động của doanh nghiệp này gắn với ông Quang.

Vợ chồng ông Nguyễn Đăng Quang đã cùng xây dựng nên đế chế Masan không thua kém Vingroup, với hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ ngân hàng, chứng khoán đến khoáng sản, thực phẩm, đồ uống...

Tại Đông Âu, ông Quang nổi tiếng với lĩnh vực mì ăn liền những năm 90. Sau khi về Việt Nam, vợ chồng này đã có những thương vụ mua bán, sáp nhập lớn để giúp Masan mở rộng quy mô.

Cuối năm 2018, Bloomberg lần thứ hai tiết lộ ông Nguyễn Đăng Quang là một trong hai tỉ phú USD mới gia nhập vào câu lạc bộ những người giàu có nhất thế giới. Tờ này giới thiệu ông Quang với vai trò chính là người sản xuất gia vị, nước chấm cho hàng triệu gia đình Việt Nam. Tổng tài sản của ông chủ Tập đoàn Masan theo tờ này thống kê vào đầu 2018 đã ở mức 1,2 tỷ USD.

Đồng hành cùng chồng, bà Nguyễn Hoàng Yến hiện giữ vai trò Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Masan Group, Thành viên HĐQT của Masan Consumer.

Khác biệt ở cặp vợ chồng này là dù nắm vị thế lãnh đạo tuyệt đối tại Tập đoàn Masan, với vai trò Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, nhưng cá nhân ông Nguyễn Đăng Quang chỉ sở hữu lượng vốn rất nhỏ tại doanh nghiệp của mình, với giá trị tương đương 261 tỉ đồng.

Nhưng vợ ông - bà Nguyễn Hoàng Yến, với vai trò Thành viên HĐQT lại sở hữu lượng lớn vốn tại doanh nghiệp của gia đình. Bên cạnh đó, bà Yến đang nắm giữ hơn 42,4 triệu cổ phiếu MSN, trị giá trên 4.800 tỉ đồng, và là một trong những nữ đại gia giàu nhất trên sàn chứng khoán.

Vợ chồng "nữ hoàng" mía đường Huỳnh Bích Ngọc - Đặng Văn Thành

Ông chủ Tập đoàn TTC Đặng Văn Thành và vợ - bà Huỳnh Bích Ngọc, là một trong những cặp đôi doanh nhân Việt khiến nhiều người thán phục, đã cùng nhau bước vào thương trường từ năm 1979, khi đất nước chưa mở cửa.

Năm 2009, từ một nhà phân phối đường, mật rỉ, cồn, TTC quyết định mua Tập đoàn Boutbon Tây Ninh khi tập đoàn này muốn chuyển dịch sang ngành hàng hải. Tiếp sau đó là M&A Đường Biên Hòa, Đường Ninh Hòa, Đường Phan Rang, Đường Nước Trong, Đường La Ngà…

xem cach xay dung dieu hanh doanh nghiep nghin ti cua nhung cap vo chong dai gia quyen luc o viet nam
Ông Đặng Văn Thành và người bạn đời của mình - bà Huỳnh Bích Ngọc tại buổi chia sẻ chuyện thương trường.

Những M&A liên tiếp giúp TTC từ một công ty phân phối chuyển sang vừa sản xuất, vừa phân phối, trồng mía cùng nông dân, sản xuất đường. Hiện nay, thị phần TTC chiếm khoảng hơn 30 % cả nước.

Bà Ngọc đã thay chồng quán xuyến và phụ trách toàn bộ mảng kinh doanh mía đường khi ông Thành dồn toàn bộ sức lực gây dựng Sacombank. Và khi Sacombank trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ lớn nhất Việt Nam thì bà Huỳnh Bích Ngọc đã là “nữ hoàng” của ngành mía đường.

Năm 2012, Sacombank bị thâu tóm, hai cha con ông Thành phải bán toàn bộ số cổ phần và rút lui khỏi ngân hàng do chính mình sáng lập. Nhưng họ đã “đồng vợ, đồng chồng” trong những ngày đầu tiên của TTC, cũng như vượt qua biến cố giai đoạn 2012-2013.

Hiện doanh nhân Đặng Văn Thành đang giữ chức Chủ tịch TTC, trong khi bà Huỳnh Bích Ngọc là Phó chủ tịch Tập đoàn TTC với hệ sinh thái gôm 19 công ty thành viên kinh doanh nhiều lĩnh vực từ mía đường, bất động sản, du lịch, năng lượng... Vợ chồng này còn có hai người con nối nghiệp ở hai hướng đi chính của TTC, và cũng thành công không kém cha mẹ, là doanh nhân Đặng Hồng Anh theo con đường tài chính, bất động sản. Con gái là nữ doanh nhân Đặng Huỳnh Ức Mi phụ trách mảng mía đường. Hai người con trai khác cũng bắt đầu sự nghiệp tại tập đoàn.

Điều đặc biệt trong gia đình doanh nhân họ Đặng, theo chia sẻ của doanh nhân Đặng Hồng Anh, là ông Thành hi sinh tất cả để giữ lửa gia đình. Cả gia đình tứ đại đồng đường cùng sống với nhau dù các con đã có gia đình riêng. Bận rộn đến đâu thì cả nhà vẫn đúng giờ các bữa ăn trong ngày phải ăn cùng nhau, trong đó, bữa ăn trưa cũng không thành viên nào vắng mặt.

Vợ chồng “vua tôm” Minh Phú Lê Văn Quang - Chu Thị Bình

Tiền thân Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) của vợ chồng đại gia Lê Văn Quang và Chu Thị Bình hiện nay chỉ xuất phát từ một đại lí thu mua tôm do chính hai vợ chồng gây dựng.

Sau nhiều năm làm kỹ sư công nghệ chế biến thủy sản trong doanh nghiệp nhà nước, ông Lê Văn Quang "ra riêng" làm ăn bằng việc mở đại lí mua tôm. Năm 1992, với số vốn 120 triệu, ông cùng vợ đã xây dựng Xí nghiệp chế biến cung ứng hàng xuất khẩu Thủy hải sản Minh Phú, trước khi phát triển thành một công ty lớn mạnh hiện nay.

xem cach xay dung dieu hanh doanh nghiep nghin ti cua nhung cap vo chong dai gia quyen luc o viet nam
Tại Minh Phú, vợ chồng ông chủ Lê Văn Quang và Chu Thị Bình phân quyền điều hành, quản lý doanh nghiệp và tỉ lệ sở hữu tài sản ngang bằng nhau.

Minh Phú hiện là doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản với vốn điều lệ 700 tỉ đồng, tổng tài sản đạt trên 9.500 tỉ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, với doanh thu từng đạt 16.000 tỉ đồng và mang về 714 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.

Hiện tại, cả cả hai vợ chồng đều tham gia điều hành Minh Phú. Ông Quang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc, còn bà Bình đảm trách vị trí Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc công ty. Hình ảnh vợ chồng vua tôm cũng gần gũi, thường xuyên xuất hiện trước truyền thông và các sự kiện của doanh nghiệp.

Cơ cấu sở hữu của vợ chồng "vua" tôm Minh Phú tại doanh nghiệp cũng không quá chênh lệch. Ông Quang nắm 23,21% vốn, bà Bình nắm 25,41%. Các con và một số người thân trong gia đình đều sở hữu cổ phần trong khối tài sản khoảng của doanh nghiệp này.

Vợ chồng “ông trùm” hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn - Lê Hồng Thủy Tiên

Là những người lãnh đạo cao nhất tại Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPGroup), ông Johnathan Hạnh Nguyễn và vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên đã đồng hành cùng nhau trong việc điều hành, phát triển mạnh doanh nghiệp này.

IPP của vợ chồng “ông trùm” hàng hiệu là đơn vị phân phối độc quyền hàng loạt thương hiệu thời trang, thực phẩm nổi tiếng trên thế giới tại Việt Nam. Trong đó, phải kể đến Armani Exchange, Burberry, Bvlgari, Cartier, Rolex, Versace... Ngoài ra, nhiều thương hiệu tầm trung khác như Tommy Hilfiger, GAP, Levi's, Diesel, Mango, Nike...

xem cach xay dung dieu hanh doanh nghiep nghin ti cua nhung cap vo chong dai gia quyen luc o viet nam
Nếu ông Hạnh Nguyễn là người sáng lập doanh nghiệp thì bà Thủy Tiên là người cùng chèo lái, phát triển vượt bậc.

Doanh nghiệp này cũng là một trong những đơn vị đi đầu ở lĩnh vực nhượng quyền nhiều chuỗi nhà hàng như Burger King, Dunkin Donuts, Illy Cafe… và chuỗi kinh doanh cửa hàng miễn thuế tại sân bay, trung tâm thương mại, bất động sản, khách sạn…

Ông Hạnh Nguyễn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT trong khi bà Lê Hồng Thủy Tiên là Tổng giám đốc IPP. Hai vợ chồng nắm giữ tới 59% vốn doanh nghiệp.

Cặp vợ chồng doanh nhân này hiện cũng cùng nhau điều hành tại Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS), nơi IPP Group đã phải chi hàng nghìn tỉ đồng để thâu tóm vào năm 2017.

Năm 2017, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, người sáng lập đã chuyển toàn bộ vốn sở hữu tại IPP cho vợ con, chỉ còn giữ vỏn vẹn đúng 1% vốn điều lệ tại công ty. Theo đó, bà Thủy Tiên đang sở hữu 59% vốn. Hai con trai ông gồm Louis Nguyễn – chồng Hà Tăng và Philip Nguyễn cùng sở hữu 20% vốn công ty.

Khi mới thành lập, IPP có vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Ông Hạnh Nguyễn nắm giữ 90% vốn, bà Thuỷ Tiên nắm 10%.

Vợ chồng vua hàng hiệu thường sánh đôi trong các sự kiện của doanh nghiệp và các hoạt động cộng đồng. Ông Hạnh từng chia sẻ không có bà Thủy Tiên, thì việc kinh doanh hàng hiệu của doanh nghiệp chắc chắn sẽ không phát triển như hiện nay.

Vợ chồng Chủ tịch NutiFood Trần Thanh Hải - Nguyễn Thị Lệ

Bỏ việc bác sĩ để mở hướng kinh doanh sữa đặc trị từ năm 2000, hiện NutiFood của vợ chồng bà Trần Thị Lệ và doanh nhân Trần Thanh Hải đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu sản phẩm sữa bột pha sẵn sang thị trường kiểm nghiệm nghiêm ngặt nhất là Mỹ.

xem cach xay dung dieu hanh doanh nghiep nghin ti cua nhung cap vo chong dai gia quyen luc o viet nam
Chủ tịch NutiFood Trần Thanh Hải cũng là người có chung niềm đam mê bóng đá như bầu Đức. Doanh nghiệp này đang đầu tư hoc viện bóng đá nhằm đào tạo các tài năng trẻ.

Tại NutiFood, trong khi ông Hải là Chủ tịch HĐQT thì bà Lệ là Tổng giám đốc điều hành. Cặp vợ chồng này cũng luôn song hành với nhau trong các sự kiện, các buổi kí kết đầu tư của doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Lệ là một trong những người sáng lập doanh nghiệp sữa này, và cũng là người có công lớn trong việc vực lại vị trí của NutiFood sau vài năm đi chệch mục tiêu phát triển là dòng sữa đặc trị.

Ông Trần Thanh Hải không có cùng điểm xuất phát kinh doanh sữa như vợ. Doanh nhân này trước đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, và là Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư Đất Thắng. Ông Hải từng tiết lộ vui rằng đã được bà Lệ “rủ rê” về doanh nghiệp của vợ, và ông gật đầu vì "không biết làm gì".

Dù ý định chỉ giúp vợ thời gian ngắn, nhưng ông Trần Thanh Hải đã ngồi ghế Chủ tịch HĐQT gần chục năm nay. Dưới sự điều hành của cặp vợ chồng này, NutiFood hiện không chỉ đứng đầu thị phần trong lĩnh vực sữa đặc trị, mà đã lấn sân sang trồng, sản xuất, xuất khẩu cà phê.

Năm 2018, NutiFood bắt tay với một loạt doanh nghiệp ngoại đầu tư sản xuất sữa và các sản phẩm từ sữa tại Thụy Điển, Nhật Bản.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.