Thông tin nêu trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 29/10.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện còn 2 chỉ tiêu là tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu chưa đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, do đó Thủ tướng đôn đốc “phải bàn sâu hơn, kỹ hơn, để có giải pháp bảo đảm tăng trưởng”, đạt mục tiêu đề ra khoảng 6,3-6,5%. Trong đó, các giải pháp về giải ngân vốn đầu tư, xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, tài chính, tín dụng, đầu tư… cần được lưu ý.
"Các bộ, ngành phải đưa ra giải pháp, quyết tâm đạt GDP quý IV mức 7,1 – 7,4%, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 đạt 6,3–6,5%", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chỉ đạo Thủ tướng.
Một số giải pháp cụ thể được Thủ tướng đề cập là không tăng giá bán điện từ nay tới cuối năm, điều hành giá xăng dầu phù hợp, xem xét giảm phí BOT ở các tuyến. Ngân hàng Nhà nước phải đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng (hiện ở mức 11,81%); thực hiện các giải pháp giảm lãi suất vay; kiểm soát nợ xấu phát sinh...
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sẽ không tăng giá điện từ nay tới cuối năm. Ảnh: Võ Thành |
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc nhở không để lặp lại tình trạng “xuân thu nhị kỳ” trước đây: Đầu năm là tháng ăn chơi mà phải chủ động vào việc ngay kể cả nguồn lực, thể chế, cơ chế, không đợi ăn Tết xong mới bước vào sản xuất, kinh doanh.
“Vấn đề này tái diễn nhiều năm vừa qua, dẫn tới những tháng cuối năm phải “vắt chân lên cổ” để đạt mục tiêu đề ra. Phải bắt tay ngay vào sản xuất từ những ngày đầu năm 2017, không để bị động, lung túng”, ông Mai Tiến Dũng truyền lại ý kiến của Thủ tướng.
Nhắc lại vấn đề lạm phát, Bộ trưởng cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2016 tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm 2015, tiến gần tới mức lạm phát 5% mà Quốc hội đề ra cho năm nay.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải đưa ra giải pháp quyết liệt kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ chỉ số này không vượt quá chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra.
Trong 10 tháng đầu năm, hơn 91.000 doanh nghiệp đã được thành lập mới, trong đó khoảng 22.000 doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
“Số doanh nghiệp này tạo ra sản phẩm ngay cho thị trường. Quy mô vốn của doanh nghiệp cũng tăng lên đáng kể”, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá.
Trả lời báo chí liên quan tới đề xuất của Chính phủ nâng chỉ tiêu giới hạn nợ Chính phủ trên GDP từ 50% lên 55%, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng,
Quốc hội khóa XIII đã phê chuẩn các chỉ tiêu về nợ đến năm 2015 là nợ công không quá 65%GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Ngoài các chỉ tiêu nợ giai đoạn 2011-2015 đã được Quốc hội phê chuẩn, các chỉ tiêu nợ đến năm 2020 đã được đặt ra tại Chiến lược nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tại chiến lược này, nhà điều hành đã xác định mục tiêu đến năm 2020 là nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP.
Hiện nợ Chính phủ năm 2015 đã ở mức 50,3% GDP và dự kiến ở mức trên 53% GDP trong 3 năm tới. "Đây là một thực tế do huy động của Chính phủ phải bảo đảm bù đắp bội chi và cho đầu tư phát triển theo các báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020", ông Dũng nói.
Vì thế, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chỉ tiêu nợ Chính phủ giai đoạn 2016-2020 không quá 55% GDP.
"Việc xác định chỉ tiêu nợ Chính phủ không quá 55% GDP cũng hợp lý giữa các cấu phần nợ công theo hướng giảm nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh Chính phủ đồng thời kiểm soát mức dư nợ chính quyền địa phương", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá.