Xét tuyển ngành kế toán, tài chính, kỹ thuật, công nghệ thông tin bằng “Văn-Sử-Địa” hoặc “Văn-Sử-Giáo dục công dân”, những tổ hợp thường được sử dụng để xét tuyển khối ngành xã hội từ trước đến nay.
Thí sinh tìm hiểu đăng ký thi. |
Sự mở rộng xét tuyển quá đà này đang khiến nhiều người làm công tác giáo dục lo lắng. Họ sợ rằng khi đậu đại học bằng tổ hợp tréo ngoe như thế, rất khó để sinh viên học tốt và hoàn thành được chuẩn đầu ra. Việc lạm dụng tuyển sinh như vậy nếu không được kiểm soát cũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín của các trường.
Tuyển ngành công nghệ sinh học, sinh học bằng các tổ hợp không có môn sinh hay ngành công nghệ hóa học, công nghệ thực phẩm bằng tổ hợp không có môn hóa. Điều tưởng chừng hoang tưởng đã xuất hiện trong mùa tuyển sinh năm nay. Bên cạnh đó, nhiều trường đại học còn sử dụng tổ hợp môn “Văn – Sử - Địa”, “Văn – Sử - Giáo dục công dân” để xét tuyển các ngành thuộc khối tự nhiên như công nghệ thông tin, kế toán, kỹ thuật…
Thí sinh đăng ký hồ sơ thi và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017. |
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo, Hội Giáo dục Nghề nghiệp TP HCM cho rằng đây là kiểu tuyển sinh “vơ bèo vạt tép” tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Nếu cứ tiếp diễn tràn lan, không chỉ thí sinh chịu thiệt khi mắc bẫy mà bản thân các trường cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều.
Dư luận sẽ đặt câu hỏi tại sao trường đó lại làm việc “khác người” đến vậy và chất lượng đào tạo “lệch pha” như thế liệu có đáng được tin cậy hay không: “Theo tôi đánh giá thì đây là một hình thức lôi kéo thí sinh đến học tại trường bằng mọi giá bất chấp hậu quả có thể xảy ra.
Một khi sinh viên không được học những môn liên quan nhiều đến các kiến thức của bản thân, các em sẽ rất dễ chán học. Đồng thời, khi không theo được kiến thức nền, rất có thể sinh viên ấy sẽ không ra trường được”.
Đồng quan điểm, theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, việc xuất hiện các tổ hợp xét tuyển mới một cách ồ ạt sẽ khiến thí sinh và phụ huynh cảm thấy rối rắm hơn.
Từ trước đến nay, các trường vẫn làm tốt công tác tuyển sinh với các tổ hợp truyền thống thì tại sao phải thay đổi một cách tréo ngoe như vậy: “Liên quan đến việc quy định tổ hợp xét tuyển thì theo tôi, các trường phải có sự lựa chọn trước khi đưa ra cho thí sinh và phải tư vấn cho các em.
Các trường đi tư vấn tuyển sinh lâu nay vẫn theo các tổ hợp xét tuyển truyền thống. Còn bây giờ trường nào đưa ra tổ hợp lạ để xét tuyển sẽ không tạo được hiệu ứng tốt cho thí sinh cũng như phụ huynh.”.
Đứng ở góc độ của người làm công tác tuyển sinh lâu năm, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM cho rằng việc nhiều trường đại học xét tuyển bằng tổ hợp lạ là rất đáng lo.
Vì nếu các trường thu hút thí sinh bằng mọi cách thì khi trúng tuyển vào, liệu với vốn kiến thức trái ngành như vậy các em có đủ năng lực để học đến cùng và đảm bảo được các yêu cầu khắt khe theo chuẩn đầu ra hay không. Làm vậy là đẩy người học và cả người dạy vào thế khó.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn lý giải: “Điều đáng quan ngại ở chỗ là sau khi khi vào học thì các em sẽ khó theo kịp chương trình đào tạo của các trường. Khi đó, các em khó có thể hoàn thành chương trình học một cách tốt nhất.
Về phía các trường, có thể họ sẽ có những cách tiệm cận với chương trình đào tạo mới. Tuy nhiên, sẽ rất khó để các giảng viên thực hiện công tác đào tạo ứng với nhiều kiểu tư duy của sinh viên trong cùng một lớp.”.
Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.
Như vậy, về luật, các trường không sai khi sử dụng tổ hợp khối C để tuyển vào ngành kỹ thuật, kinh tế hay khối A vào Văn học.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT thì quy chế tuyển sinh có nêu rõ các bài thi, môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo.
Với những tổ hợp tuyển sinh quá bất thường, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường đại học phải giải trình.
Nếu không có căn cứ thuyết phục, những trường này sẽ bị thanh tra về điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp...