Khác với các ngành nghề khác, ngành giáo dục không có thưởng tết. Còn thu nhập tăng thêm thì tùy điều kiện từng trường, có trường nhiều trường ít, trường có trường không. Thế nên, các đơn vị giáo dục đều rất tích cực trong việc "xoay" các nguồn tài trợ, chủ động tìm nguồn để có thêm phần hỗ trợ cho giáo viên khi Tết về, đặc biệt là đội ngũ giáo viên khó khăn, bệnh tật.
Năm nào cũng vậy, cuối năm về, Trường THCS Tăng Bạt Hổ A (quận 4, TPHCM) lại xem xét các trường hợp giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt để có những hoạt động chăm lo, quan tâm kịp thời.
Như trường hợp cô Phạm Thị Thúy, mắc bệnh màng tủy, chèn lên dây thần kinh cột sống đang nằm viện điều trị bệnh, phải phẫu thuật. Tiền điều trị, tiền nhà trọ, chi tiêu sinh hoạt... lương giáo viên của hai vợ chồng cô Thúy không cáng đáng nổi. Chồng cô ngoài đi dạy, lại phải tranh thủ làm thêm nhiều công việc khác.
Quỹ Nhân ái báo Dân trí trao quà Tết đến giáo viên ở Bình Phước. (Ảnh: Nguyễn Quang) |
Thầy Bùi Văn Tài, Phó hiệu trưởng nhà trường cho hay, từ nguồn đóng góp của giáo viên, người lao động trong trường, nhà trường có được khoản chăm lo cho cô Thúy là 8 triệu đồng cùng với một phần quà. Ngoài ra, nhà trường cũng đề xuất lên Phòng GD-ĐT quận về trường hợp cô Thúy xét duyệt chăm lo thêm (suất 10 triệu đồng).
Về việc chăm lo tết cho người lao động trong ngành giáo dục ở địa bàn, ông Trần Trọng Kiêm, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Phú cho hay, họ đã tổng hợp danh sách những trường hợp khó khăn gửi lên Liên đoàn Lao động quận. Ngoài những giáo viên điều kiện khó khăn thì nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo.
Việc vận động các nguồn lực xã hội, theo ông Khiêm năm nay khó khăn hơn mọi năm rất nhiều. Trước đây, các quận, huyện đều có công đoàn cơ sở trực thuộc ngành giáo dục thực hiện việc vận động, chăm lo tết cho người lao động. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học 2017-2018, công đoàn cơ sở bị giải thể, sáp nhập về Liên đoàn các quận, huyện.
Ngoài quyên góp tại chỗ từ đồng nghiệp, người lao động trong trường, để có khoản kinh phí chăm lo tết cho giáo viên, nhiều quản lý, nhân viên trong các đơn vị, tổ chức xã hội cũng phải gõ cửa "xin" các doanh nghiệp, mạnh thường quân. Nhiều nơi, còn tranh thủ cả nguồn tài trợ từ các hãng sữa, các đơn vị cung cấp bữa ăn trưa, các trung tâm ngoại ngữ... có hợp tác với trường.
"Xin" tiền cho đội ngũ nhà giáo về hưu, ốm đau là công việc thường ngày của bà Nguyễn Thị Yến Thu, Chủ tịch Hội Giáo chức TPHCM. Cuối năm thì càng tất bật hơn khi bà Hội biết còn rất nhiều nhà giáo về hưu sống trong điều kiện thiếu thốn, nhiều người ốm đau không có tiền chữa trị...
Gặp học trò cũ, nhiều em khá giả là bà xin vài ba triệu đồng, em này ít, em kia ít... để có thêm khoản tiền, có thêm nhiều phần quà đến với các thầy cô hơn. Bà Thu dí dỏm: "Tôi luôn nói rõ với các em, cô xin tiền không phải xin cho cô, mà xin cho các thầy cô khác. Bà còn dặn học trò cũ: "Cô hỏi thăm các em có khi là cô... cần xin tiền đó nha".
Nhiều trường học ở TPHCM tổ chức lễ hội Xuân yêu thương quyên góp thêm được nguồn quỹ để chia sẻ đến giáo viên, học sinh khó khăn. |
Ngay nhiều buổi gặp gỡ với lãnh đạo các cấp, bà Thu đến phát biểu cũng kể... về việc mình đi xin tiền để mọi người hiểu, rất nhiều nhà giáo khi về hưu họ có đời sống vô cùng khó khăn. Nhiều người không có lấy căn nhà nương thân, tiền lương không đủ sống, chưa kể bệnh tật ốm đau... để mọi người thấy rõ hơn những ngóc ngách trong đời sống của nhà giáo.
Ngoài ra, thời điểm này, hàng loạt các trường học ở TPHCM tổ chức ngày hội Xuân yêu thương. Ngoài các hoạt động như tham gia trò chơi, học gói bánh chưng, trót trà, tìm hiểu về lễ hội tết... các trường còn thiết kệ hội chợ với nhiều gian hàng bán những mòn đồ lưu niệm, quà tặng, tranh của thầy trò tự làm bên cạnh việc ủng hộ, đóp góp trực tiếp .
Từ nguồn thu này, các trường có thêm vào quỹ để chia sẻ đến giáo viên và cả những học trò điều kiện khó khăn. Không chỉ chia sẻ với giáo viên, học sinh trường mình mà nhiểu trường còn quyên góp được để san sẻ với giáo viên, học sinh trường bạn còn nhiều khó khăn hơn.