Theo một báo cáo thực hiện chính sách tiền lương của Bộ GD-ĐT, lương giáo viên hiện nay được chia làm 3 mức.
Mức thấp tập trung chủ yếu ở giáo viên mới ra trường. Sau khi đã nhân hệ số, phụ cấp ưu đãi, giáo viên mầm non và tiểu học có mức lương khởi điểm là hơn 3,2 triệu đồng; giáo viên THCS là hơn 3,5 triệu đồng, giáo viên THPT là hơn 3,9 triệu đồng.
Mức thu nhập trung bình tập trung ở bộ phận giáo viên đã công tác được từ 15-25 năm, cụ thể dao động từ hơn 7 triệu đồng tới hơn 8,5 triệu đồng (giáo viên THPT và giảng viên đại học).
Mức thu nhập cao nhất tập trung ở số giáo viên đã công tác từ 25 năm trở lên, cụ thể dao động từ hơn 9 triệu đồng (mầm non/ tiểu học) tới hơn 10 triệu đồng (THCS) và gần 11 triệu đồng (THPT và giảng viên đại học).
Những con số này nếu so sánh với khối trường dân lập ở Hà Nội sẽ có khoảng cách khá lớn.
Chia sẻ về mức thu nhập của giáo viên khối trường dân lập, ông Đào Tuấn Đạt – Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) cho biết, riêng trong khối dân lập đã có sự chênh lệch giữa các trường tùy thuộc mức học phí của trường đó.
“Với những trường thu học phí khoảng 2 triệu đồng/tháng thì lương giáo viên dạy khoảng 20 tiết/ tuần sẽ rơi vào khoảng 8-10 triệu đồng/ tháng. Với những trường thu học phí từ 5 triệu trở lên thì mức lương sẽ khoảng gấp đôi – tức 20 triệu đồng/ tháng.
Mức lương của giáo viên còn phụ thuộc vào số tiết dạy. Cũng có những trường trả lương theo mức độ “ngôi sao” của giáo viên. Trường tôi thì trả theo khối lượng công việc, cụ thể là 100 nghìn đồng/ tiết”.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie, ngôi trường có mức học phí cao hơn Anhxtanh, cho rằng:
“Theo tôi, mức lương giáo viên ở hệ thống trường tư nói chung và trường tôi nói riêng về cơ bản là đủ sống để giáo viên có thể toàn tâm toàn ý vào công việc chính. Ở trường tôi, người có thu nhập thấp nhất là khoảng 10 triệu đồng/ tháng nhưng số này không nhiều. Phổ biến nhất là 15-20 triệu đồng/ tháng.
Nhóm cao nhất lên đến 30-40 triệu đồng/ tháng. Đó là mức lương dành cho giáo viên, còn với cấp quản lý thì mức lương 30-40 triệu đồng là chắc chắn”.
Theo thầy Khang, để đạt được mức thu nhập 30-40 triệu đồng/tháng, trước tiên năng lực giảng dạy của giáo viên phải tốt.
“Trường chúng tôi sắp xếp lịch giảng dạy dựa trên đánh giá của học sinh. Những giáo viên có mức thu nhập 30-40 triệu đồng là những người có rất nhiều lớp muốn được họ dạy. Gần như họ có thể dạy đến 24 tiết/ tuần, ngoài ra họ kiêm thêm công tác chủ nhiệm đã có lương quản lý là 6 triệu đồng/tháng.
Tất nhiên họ phải ở trường từ sáng đến chiều vì phải quản lý lớp bán trú. Giáo viên dạy từ 15-20 tiết/tuần thì thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Những giáo viên có dưới 50% học sinh trong lớp đánh giá là ‘không phù hợp’ sẽ không được phân công dạy lớp đó. Chính vì thế, người càng giỏi càng được bố trí dạy nhiều và thu nhập càng cao”.
'Tôi không thích hô khẩu hiệu 'cống hiến''
Theo hiệu trưởng Trường Marie Curie, đối với người giáo viên, có 2 tiêu chí quan trọng nhất, đó là thu nhập và môi trường làm việc. “Ở trường tư, điều kiện thăng tiến không có, nhưng trường chúng tôi giữ được giáo viên rất tốt vì 2 yếu tố đó”.
“Tôi nghe nói có những giáo viên dạy hợp đồng mười mấy năm nay, hưởng mức lương tối thiểu. Tôi không hiểu vì sao họ lại chấp nhận” – ông Khang nói.
“Từ khi thành lập trường đã 26 năm nay, tôi không thích hô khẩu hiệu ‘cống hiến’. Đó là sự không sòng phẳng trong lao động. Tôi dị ứng với nơi này nơi kia hay dùng từ ‘cống hiến’. Tôi chỉ thừa nhận giai đoạn kháng chiến trường kỳ, thì đó là cống hiến. Còn lại, ở bất cứ chế độ nào, thời kỳ nào, người lao động cũng đều có 2 nhu cầu cơ bản, đó là mong muốn có việc làm và hưởng thụ xứng đáng” – ông Khang nêu quan điểm.
Về vấn đề thu nhập của giáo viên, Bộ GD-ĐT cũng đã rất kiên trì, tuy nhiên, như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ từng phát biểu tại nhiều cuộc họp, diễn đàn, trong đó có cảtrong kỳ họp Quốc hội, rằng: “Hai vấn đề là tiền và người thì ngành giáo dục lại không tự quyết, chỉ tham gia đề xuất và một phần rất nhỏ điều tiết cấp vi mô. Nhưng chất lượng thì lại chịu trách nhiệm trước xã hội”.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã từng đưa ra đề xuất cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, trong văn bản góp ý cho dự thảo, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ đã có ý kiến về vấn đề này.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ GD-ĐT làm việc với Bộ Nội vụ để trình Chính phủ, Quốc hội phương án tổng thể về tiền lương và phụ cấp của nhà giáo để đảm bảo sự tương quan, thống nhất về tiền lương, phụ cấp với các ngành, nghề khác trong giai đoạn tới.
Trong khi đó, trong văn bản góp ý của Bộ Nội vụ, Bộ này cho biết, đến nay, nhà giáo được xếp lương theo chức danh nghề nghiệp quy định tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP được hưởng các chế độ phụ cấp lương đối với viên chức trên cùng địa bàn làm việc và được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề. “Đây là sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với nhà giáo” – Bộ Nội vụ khẳng định.
Bộ này cũng cho rằng, trong thời gian qua, nhiều bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương (cả phụ cấp) làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề.
Thi THPT quốc gia 2019: Đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ
Ngày 4/12, Bộ GD&ĐT đã công bố phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2019, trong đó có sự điều chỉnh qui ... |
Cô giáo ép cả lớp tát học sinh 231 cái đã nhập viện cấp cứu
Cô Thủy được người nhà đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, lúc tỉnh lúc mê. |
Lặng người ngắm những bó hoa cỏ dại học sinh miền núi tặng cô giáo nhân ngày 20/11
Không quà, không hoa lan, hoa cúc, hoa hồng... như truyền thống, các em học sinh trường Tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên ... |