Xử lí ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật, Đức: Chuyên gia Việt lên tiếng

GS Mai Đình Yên cho biết việc xử lí ô nhiễm không chỉ tính đến tiêu chí nước sạch, đạt tiêu chuẩn mà còn cần xem xét đến sinh vật đặc hữu.

1731_DSC01080

GS Mai Đình Yên. (Ảnh tư liệu).

Thời gian gần đây, sông Tô Lịch (Hà Nội) đang thí điểm xử lí ô nhiễm bằng công nghệ Nhật Bản (Nano - Bioreactor) và chế phẩm Redoxy - 3C của Đức.

Trao đổi với chúng tôi về việc thí điểm bằng công nghệ Nhật Bản, GS Mai Đình Yên, chuyên gia về môi trường nước, Phó chủ tịch Hội sinh thái học Việt Nam cho biết muốn đánh giá thì cần phải biết qui trình cụ thể.

"Thông thường, với những dự án như thế này, đơn vị thí điểm nên mời chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam tham gia để có đánh giá.

Ngoài ra, việc lấy mẫu, phân tích chất lượng nước thì không đủ thông tin; hay đứng trên bờ nói mùi bớt đi thì chưa đánh giá được hiệu quả", GS Mai Đình Yên nói.

IMG_8006

Khu vực thí điểm xử lí bùn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản. (Ảnh: Di Linh).

Đối với chế phẩm Redoxy - 3C, GS Mai Đình Yên cho biết đây là sản phẩm do Hà Nội nhập qui trình của Đức.

"Ban đầu, tôi có tham dự hội thảo giới thiệu về chế phẩm này và cũng có chất vấn. Tôi không thấy chế phẩm này có tác hại, hậu quả để lại cho môi trường.

Sau khi thử nghiệm hơn 2 năm qua ở nhiều hồ của Hà Nội, tôi có dự chương trình tổng kết về chế phẩm này. Tôi thấy rằng ít nhất trong điều kiện ở Việt Nam thì trước mắt đây là chế phẩm có thể dùng được", GS Yên nói.

Tuy nhiên, theo vị này, đơn vị thử nghiệm chế phẩm Redoxy - 3C "tổng kết giữa đường" và chỉ mới nghiệm thu.

"Tôi có góp ý rằng khi đưa sản chế phẩm này vào các hồ thì sau một thời gian cần phải nghĩ đến chuyện khi đưa một chất mới vào sẽ ảnh hưởng đến các sinh vật quí hiếm, đặc hữu chứ không chỉ là tiêu chí nước sạch.

Bởi lẽ, chẳng may xử lí mà không nuôi được cá hoặc cá không sinh sản được thì nước sạch để làm gì?

Tôi cho rằng, đơn vị thí điểm chế phẩm trên nên phân tích thêm những tiêu chí khác chứ không chỉ xem xét về việc chất lượng nước đạt chuẩn.

Ví dụ như chữa bệnh, khỏi bệnh xong thì người bệnh về nhà nhưng vẫn có vấn đề kiểu phản ứng phụ của thuốc... Do đó, cần phải có sự đánh giá những vấn đề liên quan đến sinh vật ở khu vực xử lí", GS Mai Đình Yên nêu ý kiến.

IMG_7892

Khu vực được Công ty Thoát nước Hà Nội quây và thí điểm làm sạch bằng chế phẩm Redoxy - 3C. (Ảnh: Di Linh).

Đáng chú ý, trao đổi với chúng tôi, GS Mai Đình Yên cũng cho biết ông cũng tham dự đoàn thanh tra việc sử dụng chế phẩm Redoxy - 3C ở các hồ tại Hà Nội.

"Tôi có tham dự đoàn thành tra lấy mẫu, đo nhanh các chỉ số chất lượng nước ở các hồ như Ba Mẫu, Nghĩa Đô thì thấy đạt so với tiêu chuẩn Việt Nam", GS Yên nói.

Đối với vấn đề "hồi sinh sông chết", GS Mai Đình Yên cho rằng chúng ta vẫn đang thực hiện, đơn cử như việc trồng cây thủy sinh. Ví dụ, ở sông Tô Lịch, năm 2014, Công ty Thoát nước Hà Nội đã lắp đặt 38 cụm bè thủy sinh trồng cây thủy trúc.

IMG_7855

Sông Tô Lịch có lớp bùn hữu cơ khá dày (Ảnh: Di Linh).

Về vấn đề "hồi sinh" sông Tô Lịch, khi trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia Việt Nam đều cho rằng cần tách toàn bộ nguồn nước thải và xử lí rồi mới cho vào sông.

Cụ thể, PGS. TS Trần Hồng Côn (Khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), người từng đưa ra công nghệ lọc nước sông Tô Lịch uống ngay được, cho rằng cần tách nguồn nước thải, xử lí và đưa vào sông.

Theo vị này, sông Tô Lịch không có mực nước khá cạn và cần mực nước từ 0,5-1m thì đồng thực vật thủy sinh sống được thì sông mới có khả năng tự làm sạch.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.