Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) uớc tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 12 năm 2020 đạt 225.000 tấn với giá trị 358 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su cả năm 2020 đạt 1,75 triệu tấn và 2,38 tỷ USD, tăng 2,8% về khối lượng và tăng 3,5% về giá trị so với năm 2019.
Giá cao su xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2020 đạt 1.328,1 USD/tấn, giảm 1,53% so với cùng kỳ năm 2019.
Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là ba thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020, chiếm thị phần lần lượt là 76,8%, 3,7% và 2,1%.
Trong khi đó, khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 12/2020 ước đạt 150.000 tấn với giá trị 200 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu năm 2020 đạt 1,1 triệu tấn và 1,43 tỷ USD, tăng hơn 45% về khối lượng và tăng 17,2% về giá trị so với năm 2019.
Campuchia (chiếm thị phần 26,4%), Hàn Quốc (14,9%), Nhật Bản (10,4%) là ba thị trường cung cấp cao su nhập khẩu chính cho Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2019, giá trị nhập khẩu cao su từ thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản giảm lần lượt 11,4% và 11,7%, trong khi nhập khẩu từ Campuchia tăng 139,5%.
Thị trường mủ cao su nguyên liệu trong nước tháng 12/2020 diễn biến giảm cùng với xu thế trên thị trường thế giới. Tại Bình Phước, giá thu mua mủ nước giảm 20 đồng/kg xuống 320 đồng/độ, mủ cao su giữ ở mức 12.000 đồng/kg. Giá mủ tại Đồng Nai giảm 1000 đồng/kg xuống 12.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Osaka (OSE) giảm trở lại trong nửa đầu tháng 12, sau khi đạt mức cao kỷ lục vào tháng 11.
Giá cao su giảm do không chắc chắn về gói kích thích kinh tế mới ở Mỹ và các ca mắc mới Covid-19 vẫn không ngừng tăng tại Mỹ và châu Âu gây áp lực tâm lý lên thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch 11/12, hợp đồng benchmark kỳ hạn tháng 5/2021 đạt 229,9 yên/kg, giảm 20,2 yên (tương đương 8,8%) so với phiên cuối tháng 11.
Tuy nhiên, khi triển vọng gói kích thích kinh tế Mỹ sáng sủa hơn, giá cao su tăng nhẹ, đạt mức 244 yên/kg. Giá cao su physical trên thị trường châu Á diễn biến giảm trái chiều với thị trường kỳ hạn.
Cụ thể, RSS3 Thái Lan ngày 16/12 ở mức 2,31 USD/kg, giảm 0,19 USD/kg; STR20 Thái Lan ở mức 1,60 USD/kg, giảm 0,06 USD/kg; SMR20 Malaysia ở mức 1,58 USD/kg, giảm 0,08 USD/kg; SIR20 Indonesia ở mức 1,59 USD/kg, giảm 0,08 USD/kg so với ngày 2/12.