Xuất khẩu ô tô: Đích đến 100.000

Các hãng xe việt nam đã bắt đầu lên kế hoạch xuất khẩu vào nhiều thị trường.
Xuất khẩu ô tô: Đích đến 100.000 - Ảnh 1.

Các hãng xe việt nam đã bắt đầu lên kế hoạch xuất khẩu vào nhiều thị trường. (Ảnh: TL)

Các doanh nghiệp ô tô Việt đang ấp ủ giấc mơ chinh phục các thị trường thế giới như một bước đi chiến lược để khẳng định tầm vóc. Mới đây, Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) đã xuất khẩu 15 chiếc xe buýt đầu tiên mang thương hiệu Thaco cho Auto Delta của Philippines. Hai bên cũng kí thỏa thuận xuất khẩu thêm 200 chiếc nữa vào năm 2020 nhằm khai phá sâu rộng hơn tiềm năng của thị trường 100 triệu dân.

15 chiếc xe buýt này nằm trong dòng xe được thiết kế hoàn toàn mới. Chúng có tỉ lệ nội địa hóa đạt hơn 45%, sử dụng động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường. Như vậy trong năm 2019, Thaco đã xuất khẩu tổng cộng 186 xe nguyên chiếc sang ASEAN và Mỹ, bao gồm 120 xe du lịch Kia Cerato sang Myanmar.

Trong năm 2020, Thaco đặt mục tiêu đạt cột mốc xuất khẩu 1.000 chiếc xe. Đặc biệt, cùng với đối tác lâu năm Kia Motors lần đầu tiên sẽ xuất khẩu dòng xe đa dụng cỡ lớn Kia Sedona sang thị trường Thái Lan, một trong những trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu khu vực. 

Nguyên nhân đằng sau động thái này là chi phí lắp ráp ô tô tại Việt Nam rẻ hơn, trong khi đồng baht liên tục tăng giá (đạt mức kỉ lục trong 6 năm qua) so với tiền đồng đang mang lại lợi thế cạnh tranh cho dòng xe nhập khẩu từ Việt Nam ngay trên sân nhà của người Thái.

Xuất khẩu ô tô: Đích đến 100.000 - Ảnh 2.

Một thương hiệu khác đặt kì vọng mạnh mẽ vào kênh xuất khẩu là VinFast. Hãng xe này đang lên kế hoạch xuất khẩu xe điện sang thị trường Mỹ vào năm 2021. Thị trường Nga, châu Âu hay ASEAN cũng lọt vào tầm ngắm của VinFast. 

“Thị trường nội địa quá nhỏ và bán hàng ra thị trường nước ngoài là chìa khóa mang lại lợi nhuận”, lãnh đạo VinFast cho biết.

Không chỉ có xe nguyên chiếc, các hãng xe Việt còn đặt mục tiêu xuất khẩu linh kiện phụ tùng. Trong năm 2019, Thaco đã xuất khẩu một lượng đáng kể linh kiện như cản xe, dây điện, nhíp, sàn xe chuyên dụng, xe đẩy hành lí sân bay, áo ghế, két giàn nóng máy lạnh, linh kiện xe buýt, linh kiện cơ khí nông nghiệp sang Hàn Quốc, Malaysia... với giá trị 14,5 triệu USD. Tuy quy mô xuất khẩu còn khiêm tốn nhưng đây là bước tiến quan trọng, mở ra cánh cửa hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu cho ngành ô tô trong nước.

Bên cạnh cơ hội, thách thức cho các hãng ô tô ở sân chơi nước ngoài là không hề nhỏ. “Hàng rào kĩ thuật xuất khẩu sang các nước là rất khó, ví dụ như thị trường Mỹ và Nhật, Thaco phải mất 1 năm để kiểm định và cấp giấy chứng nhận, đối với Thái lan là 6 tháng, trong khi Philippines cũng là 4 tháng rưỡi”, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thaco, chia sẻ với NCĐT.

Xuất khẩu ô tô: Đích đến 100.000 - Ảnh 3.

Đó còn là thách thức về đầu tư hệ thống bảo trì, bảo dưỡng, phát triển dịch chăm sóc khách hàng ở nước ngoài sao cho hiệu quả. Một thách thức khác cho thương hiệu ô tô Việt còn là bài toán chinh phục người dùng, nhất là tại các thị trường khó tính như Mỹ hay châu Âu. 

Theo ông Michael Dunne, CEO Công ty Tư vấn ZoZo Go LLC, các hãng xe Việt cần phải sản xuất ít nhất 100.000 chiếc xe mỗi năm với giá cạnh tranh, phát triển một thương hiệu toàn cầu và thiết lập mạng lưới cung cấp dịch vụ hỗ trợ mới có thể thâm nhập vào thị trường quốc tế.

Ngay cả ở thị trường dễ thở hơn là ASEAN, bên cạnh đối thủ chính Thái Lan, các hãng ô tô Việt đang đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ Indonesia với những kế hoạch đầy tham vọng của chính phủ nước này. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2019, Indonesia đã xuất khẩu được 275.364 chiếc xe các loại, tăng 28,2% so với cùng kì năm trước.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, chiến lược gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, hạ giá thành trở thành chìa khóa để các hãng lắp ráp nội địa có thể tiến ra thị trường ASEAN và quốc tế. Cho đến nay, tỉ lệ nội địa hóa xe buýt của Thaco đạt 60%, xe tải 40%, xe du lịch bình quân 25%, trong đó một số mẫu xe du lịch đạt trên 40% và đáp ứng được tiêu chí giá trị hàm lượng khu vực (RVC) để hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 0% theo Hiệp định ATIGA. 

Hãng này tiếp tục chiến lược nâng cao tỉ lệ nội địa hóa trong các năm tới để hạ giá thành sản phẩm.

Về phần mình, VinFast mới đây khởi công tổ hợp sản xuất công nghiệp phụ trợ tại Cát Hải, Hải Phòng. Với công suất 5 triệu sản phẩm mỗi năm, một khi hoàn thành vào năm 2022, dự án này sẽ giúp VinFast gia tăng đáng kể tỉ lệ nội địa hóa và cải thiện năng lực cạnh tranh với các thương hiệu ngoại.

Năm 2019, thị trường tiêu thụ ô tô trong nước dần phục hồi, thậm chí đang trên đường xác lập kỷ lục mới. 

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 11.2019 tăng 14% so với cùng kì năm ngoái, đạt 289.128 xe. Dự kiến cả năm, nếu tính thêm doanh số của thành viên ngoài VAMA là TC Motor, thị trường ô tô Việt Nam lần đầu tiên sẽ chạm mốc 400.000 xe, đứng thứ 4 tại thị trường ASEAN.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.