Như vậy, lượng tiêu thụ xe hơi của năm 2019 đã tăng gần 40% so với năm 2018 và hơn 43% so với năm 2017.
Với mức tăng vọt về lượng tiêu thụ nên dễ hiểu vì sao trong năm qua, lượng xe nhập về Việt Nam cũng tăng rất mạnh.
Theo báo cáo của VAMA, lượng tiêu thụ xe nhập năm 2019 đạt 133.000 chiếc, tăng 82% so với cùng kì năm trước. Còn số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy lượng xe nhập về đã đạt 142.000 chiếc, tăng gần 60.000 chiếc, ước tăng trên 72% so với cùng kì năm trước.
Như vậy, lượng xe nhập bán ra/lượng xe nhập về đạt hơn 93%, con số cho thấy nhu cầu xe nhập rất lớn và các hãng đã rất thành công trong khâu tiêu thụ.
Lượng tiêu thụ xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi của các liên doanh, doanh nghiệp lớn trong nước năm 2019 là gần 190.000 chiếc. Những doanh nghiệp đóng góp lượng xe tiêu thụ lớn nhất thuộc về Toyota, Thành Công, Trường Hải, Honda, Ford…
Đáng nói, số lượng xe tiêu thụ năm 2019 của VAMA vẫn chưa bao gồm lượng bán ra của các doanh nghiệp nhập xe hơi nhỏ lẻ khác, và một doanh nghiệp xe cỡ lớn, là VinFast. Nếu số liệu thống kê đầy đủ, lượng xe tiêu thụ năm 2019 có thể lên mức 420.000 đến 450.000 chiếc/năm.
Năm 2019 là năm thứ 2 Việt Nam bỏ thuế đối với xe nhập từ các thị trường ASEAN, trong đó chủ yếu là Thái Lan, Indonesia với lượng nhập về Việt Nam chiếm từ 70-80% tổng lượng xe nhập, chiếm áp đảo so với các thị trường khác. Sự gia tăng xe nhập từ các nước ASEAN đã và đang khiến sự cạnh tranh trên thị trường diễn ra gay gắt giữa xe nhập và xe lắp ráp trong nước.
Dù mức tiêu thụ xe hơi của Việt Nam đã tăng đáng kể theo năm, song đây vẫn là con số thấp so với mặt bằng chung và nhu cầu của người dân. Tỉ lệ tiêu thụ xe hơi của Việt Nam mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ người dân Việt có mức thu nhập trung bình cao, tập trung chủ yếu ở các đô thị.
Trong khi đó, tại các vùng nông thôn, nhu cầu mua xe hơi để đi lại còn nhiều, bộ phận dân có thu nhập trung bình tại các đô thị vẫn chưa có khả năng mua sắm xe hơi do mức giá xe còn cao, di chuyển trong các đô thị lớn trở nên khó khăn đối với người dân sở hữu xe cá nhân.
Mức tiêu thụ xe hơi chỉ tăng lên khi giá xe giảm đi, lượng khách hàng mục tiêu mở rộng hơn, tạo lượng khách cho các doanh nghiệp xe. Đây được xem là điều kiện đủ để thị trường xe hơi Việt thực sự bùng nổ, đảm bảo lượng cầu ổn định cho các doanh nghiệp xe hơi trong nước sản xuất quy mô lớn, có lợi nhuận ổn định, doanh số bền vững.
Theo tiết lộ của lãnh đạo cấp cao Bộ Tài chính mới đây với phóng viên Dân Trí, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 125/2017 của Chính phủ về biểu thuế ưu đãi thuế nhập khẩu, trong đó chủ yếu là linh kiện xe nhập khẩu từ nước ngoài, đã được gửi Chính phủ xem xét ban hành.
Như vậy, sau khi lấy ý kiến dư luận, các bộ ngành năm 2019, nếu Chính phủ xem xét ban hành, dự kiến 6 tháng cuối năm các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ được thụ hưởng chính sách và năm 2021, các cơ chế ưu đãi, ràng buộc theo điều khoản ưu đãi sẽ khiến thị trường xe hơi Việt biến động mạnh.
Theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017 nêu việc giảm một phần hoặc miễn hoàn toàn thuế nhập linh kiện xe hơi cho các doanh nghiệp đủ điều kiện. Đây được xem là lợi thế lớn bởi doanh nghiệp xe vẫn đang bị đánh thuế từ 30% đến 75% thuế linh kiện xe hơi nhập về Việt Nam tuỳ từng thị trường.
Mức thuế này đã, đang tác động lớn đến giá xe bán ra cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017 cũng đưa ra ràng buộc ưu đãi đối với sản lượng sản xuất tối thiểu của từng mẫu xe và từng doanh nghiệp xe, đi liền với cam kết đạt tỷ lệ nội địa hoá xe hơi.
Tuy nhiên, việc cắt bỏ thuế nhập khẩu linh kiện xe hơi có thể vẫn chưa giúp giá xe hơi giảm. Một loại thuế khác đánh vào giá xe hơi rất lớn là tiêu thụ đặc biệt còn tác động lớn hơn. Thuế tiêu thụ đặc biệt tính theo tỷ lệ % trên giá xe, do đó khiến đội giá xe hơi lên rất lớn.
Bình quân, các xe hơi có dung tích xilanh dưới 1.5L tại Việt Nam đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 35% giá xe sau khi đã có thuế nhập khẩu. Các dòng xe có dung tích xilanh lớn hơn sẽ có mức thuế cao hơn từ 45% đến 150%.
Đáng nói, thuế tiêu thụ đặc biệt có tính chất điều hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ. Các loại xe ô tô phổ thông có dung tích xilanh dưới 2.0L không thể coi là mặt hàng xa xỉ mà chỉ là phương tiện giao thông, chuyên chở, đi lại của người dân.
Chính vì vậy, việc giảm, thậm chí tiến tới xoá bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cần được tính đến nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất xe hơi trong nước giảm giá xe, giúp người dân dễ tiếp cận xe hơi như mặt hàng thông thường.