Một thập kỉ nữa đã chính thức khép lại. Khác với những giai đoạn tẻ nhạt trước đó, thập kỉ này chứng kiến những bước đột phá to lớn trong ngành công nghiệp xe hơi. Cuộc chạy đua về sức mạnh động cơ đã kết thúc. Thay vào đó là những nguồn năng lượng mới, công nghệ hỗ trợ tích hợp,… đang được đầu tư phát triển.
Những chiếc ô tô động cơ xăng, từ chỗ là động lực tăng trưởng của nhiều quốc gia, nay đã trở thành một trong những trở lực cần phải loại bỏ hoặc thay đổi. Dưới đây là những thay đổi quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất xe hơi thế giới trong 10 năm qua, dưới con mắt của Robert Anthony Lutz.
Robert Anthony Lutz từng là lãnh đạo ở ba hãng xe lớn nhất nước Mỹ, như Phó Chủ tịch của Ford và GM, Chủ tịch của Chrysler Corporation. Ông có thâm niên 60 năm trong ngành chế tạo ô tô.
Dấu mốc quan trọng nhất của ngành công nghệp xe hơi, theo Lutz, là kỉ nguyên của xe điện.
Vào đầu những năm 2010, cả thế giới mới chỉ có vài ba cái tên như Tesla, Nissan Leaf và Chevrolet Volt, với doanh số bán ra không đáng kể. Quy mô của các hãng xe điện này cũng còn rất khiêm tốn. Chi phí sản xuất pin cao, mạng lưới trạm sạc ít, thời gian sạc lâu và thói quen tiêu dùng của công chúng đã làm chậm lại bước tiến của cuộc cách mạng EV.
Tuy nhiên, thập kỉ này đã chứng kiến mức chi phí sản xuất pin ngày một rẻ, tốc độ sạc ngày một nhanh, dung lượng viên pin cũng lớn hơn, chiếc xe có thể đi được lâu hơn, chạy được xa hơn mà không cần phải sạc điện lại.
Hiện tại hầu như tất cả các hãng xe đều đã có có cho mình một mẫu xe hơi chạy điện, và dự báo xu hướng này sẽ còn mở rộng sang thập kỉ mới.
Xu hướng thứ hai của thập kỉ đó là sự thất sủng gần như hoàn toàn của những chiếc xe mui trần, coupe, roadster,… nói ngắn gọn là bất cứ mẫu xe nào không phải là xe bán tải, SUV hay crossover.
Đây chỉ là mốt nhất thời? Vị chiến lược gia 88 tuổi của Ford lại không nghĩ vậy. Với sự thương mại hoá xe cộ và sự tương đồng về mặt kĩ thuật, cũng như thẩm mĩ, đã khiến cho những chiếc xe hơi ngày nay không còn quá nhiều khác biệt. Ngày nay, một chiếc crossover cũng lướt đi êm ru như những chiếc xe hạng sang, chúng gần như tiết kiệm nhiên liệu, không gian nội thất rộng rãi hơn, và tính thực dụng trong thiết kế cũng được đề cao hơn nhiều.
Mặc dù hình ảnh của một chiếc siêu xe McLaren có thể sẽ rất tuyệt, nhưng bạn cũng có thể tìm thấy điều tương tự trên một chiếc bán tải GMC 4x4, động cơ 6.2, màu đen, nội thất bọc da nâu và bộ mâm hợp kim 22 inch.
Không chỉ có các hãng xe sang hay bình dân làm xe gầm cao, các hãng chuyên sản xuất siêu xe cũng đang lấn sân sang phân khúc này. Ban đầu là Bentley với Bentayga, sau đó đến Lamborghini Urus, Rolls-Royce Cullinan và mới nhất là Aston Martin DBX.
Cột mốc lớn thứ ba trong thập kỉ qua đối với ngành xe hơi chính là sự quan tâm đến vấn đề môi trường, chủ yếu là lượng phát thải khí CO2.
Để chống lại sự nóng lên toàn cầu, các tiêu chuẩn về khí thải liên tục được cập nhật ở các nước phát triển ở châu Âu và châu Mỹ. Đây cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong các nhóm làm chính sách ở những nước này, giữa một bên là các nhà sản xuất xe hơi muốn bảo vệ động cơ đốt trong và một bên là những người muốn tiêu diệt nó.
Vụ gian lận khí thải của Volkswagen cũng là bê bối chấn động trong ngành công nghiệp ôtô của thập kỉ vừa qua.
Một thập kỉ vừa qua cũng chứng kiến sự bùng nổ thực sự của hiệu suất trong xe hơi và xe bán tải.
Trong năm 2010, 400 mã lực đã là một cái gì đó rất kinh khủng. Bây giờ nó cũng chỉ giống như một ngưỡng tối thiểu trong một chiếc xe bình thường.
Ngành công nghiệp chế tạo động cơ xe hơi đã có những bước tiến vượt bậc: đáp ứng đủ tất cả các yêu cầu khí thải, tiết kiệm nhiên liệu, kiểm soát chi phí sản xuất, và đạt được độ bền của động cơ, đồng thời vẫn có thể tăng sản lượng.
Giờ đây chỉ cần động cơ dung tích 4.0, kết hợp công nghệ nạp khí cưỡng bức có thể cho ra sức mạnh tương đương động cơ dung tích gấp đôi so những động cơ thời trước.
Cho đến cuối thập kỉ này, những viên gạch đầu tiên của công nghệ không người lái mới chính thức được xuất hiện. Ý tưởng đã có từ lâu, nhưng những rào cản về công nghệ đã làm chậm lại bước tiến đột phá này.
Chính quyền các thành phố đang xây dựng những kế hoạch mới, nhằm kiểm soát đội xe không người lái sẽ xuất hiện trong tương lai. Với sự phát triển của công nghệ 5G, xe không người lái sẽ chính xác và an toàn hơn. Một số thành phố trên thế giới đã cho thử nghiệm công nghệ xe không người lái trên các phương tiện công cộng, nhằm tiết kiệm nhân lực.
Một khi ý tưởng này trở thành hiện thực, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của con người, như: bớt căng thẳng hơn, đi lại nhanh hơn, an toàn hơn, chấm dứt tình trạng tắc nghẽn tại các đô thị lớn,…
Thập kỉ vừa qua cũng còn là 10 năm đầy biến động, với nhiều sự kiện lớn đáng được nhắc tới như sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Thập kỉ mới đã đến. Đây là một thập kỉ được dự báo sẽ là khoảng thời gian hoàn thiện hai công nghệ quan trọng bậc nhất ngành ô tô: Sự chuyển dịch từ động cơ đốt trong sang động cơ điện và công nghệ không người lái.