Kinh tế nguội lạnh, một loạt công ty xe điện Trung Quốc chìm trong khủng hoảng

Những công ty xe điện Trung Quốc phải vật lộn để tồn tại trong một nền kinh tế đã qua giai đoạn tăng trưởng nóng và đang dần nguội lạnh.

Cổ phiếu xe điện của Trung Quốc xuống đáy?

xe điện

Những chiếc xe điện bị bỏ hoang tại TP Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: CNBC).

Trong vài năm gần đây, các nhà đầu tư mạo hiểm đã đổ xô vào ngành công nghiệp xe điện mới nổi được hỗ trợ bởi Chính phủ Trung Quốc. 

Đơn cử, Nio - hãng xe điện đầy triển vọng của Trung Quốc đã niêm yết trên sàn chứng khoán New York, và được coi là một đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Tesla. Tuy vậy giá cổ phiếu của Nio cũng đã giảm 50% trong năm nay xuống 2,70 USD/ cổ phiếu. 

Vào tháng 11, hãng xe điện XPeng được chống lưng bởi Alibaba, cũng đã gọi vốn thành công với số tiền lên tới 400 triệu USD. Trong đó, Xiaomi tham gia với tư cách là nhà đầu tư chiến lược. BYD, một công ty xe điện khác được đồn đoán là có bàn tay đầu tư của tỉ phú Waren Buffet, hồi tháng 10 đã công bố lợi nhuận ròng giảm 130,1% trong quý III. Giá trị cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của công ty này cũng giảm 25% trong năm nay.

Doanh số bán ô tô điện của Trung Quốc đang suy giảm, mức độ tiêu dùng của khách hàng cho các phương tiện sử dụng năng lượng mới được dự báo sẽ giảm dần vào năm tới và các năm tiếp theo. Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, trong khi các khoản trợ cấp của Chính phủ đang dần bị cắt giảm. 

“Các công ty khởi nghiệp không thể mãi dựa dẫm vào các khoản trợ cấp như vậy. Sẽ có cuộc suy thoái ô tô đầu tiên trong lịch sử công nghiệp của Trung Quốc”, Rupert Mitchell, giám đốc chiến lược của công ty xe điện Trung Quốc WM Motor, nói với CNBC. 

Lạm dụng trợ cấp từ Chính phủ

xe điện

Chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay chi 33,4 tỉ Nhân dân tệ cho các khoản trợ cấp từ năm 2009 đến năm 2015. (Ảnh: Reuters).

Mọi chuyện bắt đầu từ khi Wan Gang - một kĩ sư Audi ở Đức đã trở về Trung Quốc vào đầu những năm 2000. Trong 10 năm tiếp theo ông trở thành Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc. 

Wan đã thuyết phục Chính phủ đưa ra một chiến lược quốc gia để phát triển phương tiện năng lượng mới và công nghệ pin. Bắc Kinh khi ấy đã háo hức nhảy vào cuộc chơi, với tham vọng trở thành người đi đầu trong lĩnh vực công nghiệp mới. 

Chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay chi 33,4 tỉ Nhân dân tệ cho các khoản trợ cấp từ năm 2009 đến năm 2015. 

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp ô tô Trung Quốc, số lượng xe sử dụng năng lượng mới được bán ra trong năm 2014 đã tăng gấp 4 lần so với 5 năm trước và đạt con số 330.000 xe một năm sau đó. 

Tuy nhiên, năm 2016 Bộ Tài chính Trung Quốc đã phát hiện ra ít nhất có 5 công ty xe điện đã có những dấu hiệu lừa đảo hơn một tỉ Nhân dân tệ trong quỹ trợ cấp. Năm đó, doanh số bán xe điện chỉ tăng 53%. 

Theo CNBC, mức độ lạm dụng trợ cấp không phải là chuyện hiếm ở Trung Quốc.

Từ năm 2001 đến năm 2011, một nửa các công ty nhận trợ cấp trực tiếp từ chính phủ để nghiên cứu và phát triển đã sử dụng tiền không đúng mục đích. Các khoản trợ cấp được những công ty này hoặc là biển thủ cho tiêu dùng tư nhân hoặc là đầu tư vào các lĩnh vực khác cho tỉ suất sinh lời cao hơn. 

Việc lạm dụng trợ cấp theo thời gian đã làm giảm hiệu quả thực sự trong chính sách phát triển xe điện của Trung Quốc. 

“Tuy nhiên, việc này có rất ít tác động đến năng suất trong dài hạn. Vấn đề chủ yếu vẫn nằm ở đà giảm tốc trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc”, Philipp Boeing, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế châu Âu của ZEW - Leibniz, nói. 

Tương lai nào cho xe điện Trung Quốc? 

xe điện

Các công ty khởi nghiệp xe điện ở Trung Quốc vẫn đang tràn đầy tự tin vào tăng trưởng. (Ảnh: The Star).

Tuy nhiên, một số công ty khởi nghiệp xe điện ở Trung Quốc vẫn đang tràn đầy tự tin vào tăng trưởng. 

"XPeng đạt mục tiêu đạt mức hoà vốn trong 2 năm, với kì vọng có thể đưa 150.000 xe điện lăn bánh trên đường”, Brian Gu, Chủ tịch của XPeng cho biết trong một cuộc phỏng vấn cuối tháng 11. “Đó là mức tăng trưởng khoảng 10 lần so với thời điểm công ty bắt đầu bán những chiếc xe điện đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái”. 

WM Motor cũng hi vọng có thể hoà vốn trong 12 tháng tới, do đó công ty này đang nỗ lực nhiều hơn vào tiếp thị tiêu dùng.

Các công ty khác cũng đang rục rịch thương mại hoá sản phẩm của mình. 

Aiway, một công ty khởi nghiệp xe điện tại Thượng Hải cho biết vào tháng 12 họ sẽ bắt đầu giao hàng chiếc SUV U5 chạy điện của mình. Trong khi đó GAC Nio, có trụ sở tại Quảng Châu - một liên doanh giữa nhà sản xuất ô tô truyền thống và công ty khởi nghiệp, tiết lộ chiếc SUV mang thương hiệu Hycan chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên của mình sẽ được trình làng vào cuối tuần này.

Trong khi đó, phiên bản “Made in China” đầu tiên của Tesla cũng sẽ được tung ra thị trường vào đầu năm tới, với mức giá được dự báo là còn rẻ hơn so với Nio. 

“Nhìn vào chính sách phát triển xe điện 10 năm qua của Trung Quốc, chúng tôi không thể nói rằng các phương tiện sử dụng năng lượng mới của chúng tôi là số một. Tuy nhiên công nghệ pin của chúng tôi là hàng đầu thế giới”, He Hui, nhà nghiên cứu cao cấp về chính sách năng lượng mới của Trung Quốc tại Hội đồng quốc tế về vận tải, nói.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.