Chiều 17/9, tại Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ công bố chính thức xuất khẩu lô hàng trái cây sang EU theo Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA).
Lô hàng gồm 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long do Tập đoàn Vina T&T xuất khẩu sang EU bằng đường tàu biển và hàng không.
Việc hiệp định EVFTA có hiệu lực được kì vọng sẽ tạo cú hích cho rau quả Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm. Tuy nhiên, ngành rau quả Việt Nam đang gặp nhiều rào cản liên quan đến nguyên liệu và bảo quản khi xuất khẩu sang thị trường.
Để làm rõ hơn vấn đề trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam.
EVFTA đã có hiệu lực và Việt Nam đã có những lô hàng rau quả đầu tiên xuất khẩu sang châu Âu được hưởng ưu đãi thuế, ông đánh giá thế nào về triển vọng tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này sang EU từ nay đến cuối năm?
Ông Đặng Phúc Nguyên: Từ đầu năm đến nay, việc xuất khẩu rau quả gặp nhiều khó khăn do chịu tác động của dịch Covid-19. Xuất khẩu rau quả sang thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc giảm mạnh.
Tuy nhiên, với hiệp định EVFTA, thuế nhập khẩu được xóa bỏ, xuất khẩu rau quả sang thị trường EU từ nay đến cuối năm có thể tăng 20% so với cùng kì năm ngoái.
Thuế được xóa bỏ đồng nghĩa mặt hàng rau củ quả của Việt Nam sẽ rẻ hơn so với các nước đối thủ.
Thuế được xóa bỏ nhưng theo ông rào cản lớn nhất để rau quả Việt Nam tăng tốc tại thị trường EU là gì?
Ông Đặng Phúc Nguyên: Do ảnh hưởng bởi chất lượng trồng trọt nên doanh nghiệp đang thiếu nguyên liệu để xuất đi. Theo đó, khối lượng rau quả đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vẫn còn thấp nên không đủ hàng cho doanh nghiệp cung ứng cho thị trường châu Âu.
Hiệp định đã mở, thuế cũng đã giảm nhưng có đủ nguyên liệu để xuất khẩu hay không lại là câu chuyện khác.
Hiện tại diện tích cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP chỉ khoảng 7,2%. Con số này khá khiêm tốn.
Trong khi đó, EU chỉ chấp nhận rau quả có chứng nhận GlobalGAP số lượng rau quả đủ tiêu chuẩn để xuất sang thị trường này càng ít hơn.
Tuy nhiên, hiện nay, người dân đang có xu hướng chuyển dịch sang trồng cây trái theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Theo đó, tính đến hiện tại, diện tích đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã tăng 20% so với cùng kì năm ngoái.
Hiện nay, vấn đề bảo quản rau quả đang là điểm nghẽn. Điều này ảnh hưởng thế nào đến năng lực cạnh tranh của rau quả Việt Nam?
Ông Đặng Phúc Nguyên: Vấn đề hiện nay mình đang gặp khó nguyên liệu đầu vào không đủ. Muốn bán nhiều nhưng không có nguyên liệu. Bên cạnh đó, vấn đề bảo quản hiện nay chưa tốt chỉ được khoảng 30 - 40 ngày.
Trong khi đó, thời gian vận chuyển bằnh đường biển sang châu Âu mất 3 tuần, cộng thêm chờ 4 - 5 ngày để kiểm tra chất lượng. Như vậy hoa quả chỉ có thể để được khoảng hơn 10 ngày. Do đó, hàng hóa chỉ có thể phân phối ở các thành phố gần cảng mà chưa thể đi sâu vào nội địa.
Nếu vận chuyển bằng đường hàng không thì lại quá đắt.
Chính vì những lí do này hàng rau quả xuất sang châu Âu chủ yếu là hàng chế biến, chiếm khoảng 2/3 các lô hàng. Tuy nhiên, công nghệ chế biến của Việt Nam đã quá cũ và chế biến chưa sâu, sức cạnh tranh chưa tốt tại các thị trường nói chung và châu Âu nói riêng.
Trong khi đó, công nghệ chế biến, bảo quản của Thái Lan đã hơn mình rất nhiều. Họ chỉ thua Việt Nam ở thuế nhập khẩu.
Với hiệp định EVFTA, tăng trưởng xuất khẩu rau quả sang EU liệu có thể bù đắp sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc không, thưa ông? Theo dự kiến xuất khẩu rau củ năm 2020 có thể cán đích 4 tỉ USD không?
Riêng đối với Trung Quốc, thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm nay đã giảm khoảng 30%.
Châu Âu chỉ nhập khẩu 165 triệu USD trong khi cả nước xuất khẩu 3 tỉ USD, con số rất nhỏ, chưa đến 10%.
Nếu năm nay, giả sử tăng 20% thì kim ngạch cũng chỉ đạt khoảng 200 triệu USD, so với con số 3 tỉ USD còn rất nhỏ.
Ngoài ra các thị trường khác như Hàn, Nhật Bản cũng tăng so với năm ngoái nhưng vẫn ít hơn rất nhiều so với Trung Quốc nên không đủ bù so với mức sụt giảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Do đó, nhìn chung tổng kim ngạch của năm nay so với năm ngoái có thể giảm khoảng 10% so với năm ngoái xuống khoảng 3,4 tỉ USD.