Lễ Phục sinh, hay còn được biết đến với cái tên Easter Day, là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của những người theo đạo Thiên Chúa.
Đây là ngày tưởng niệm việc Chúa Jesus hồi sinh từ cõi chết trở về sau ba ngày bị xử tử đóng đinh trên cây Thánh giá vào khoảng năm 30 sau Công nguyên.
Những quả trứng nhiều màu sắc không thể thiếu trong Lễ Phục sinh. (Ảnh: NurPhoto/ Getty Images)
Theo đạo Kito, khoảng thời gian mọi người ăn chay và sám hối trước ngày Lễ Phục sinh có ý nghĩa rất đặc biệt. Mùa Chay bắt đầu vào thứ Tư lễ tro và kéo dài trong 40 ngày trước Lễ Phục sinh (không bao gồm Chủ nhật).
Chủ nhật ngay trước Lễ Phục sinh được gọi là Chủ nhật Lễ lá nhằm kỉ niệm Chúa Jesus đến Jerusalem và những người theo đạo đặt lá cọ trên đường để chào đón ông.
Từ thời trung cổ, trứng Phục sinh đã trở thành một phần của ngày lễ này, mang đến ý nghĩa về sự sinh sôi nảy nở và cuộc sống mới. Tương truyền trước kia, những quả trứng Phục sinh thường được nhuộm đỏ nhằm tưởng nhớ đến cái chết và sự phục sinh của Chúa Jesus.
Ở một số quốc gia Đông Âu, việc trang trí diễn ra rất công phu. Vào ngày này, mọi người thường tặng nhau những quả trứng được trang trí đủ màu sắc có thể được làm bằng sô cô la do mình tự làm ra để thay lời chúc.
Một buổi diễu hành thời trang ở New York. (Ảnh: CNN)
Ngoài ra, ở các nước phương Tây, thỏ Phục sinh cũng là một trong những biểu tượng trong ngày này. Có nhiều lí do để thỏ nhà hoặc thỏ rừng có liên quan đến Lễ Phục sinh.
Dễ thấy nhất chính là khả năng sinh sản của loài thỏ, đặc biệt khi Lễ Phục sinh thường diễn ra trong mùa xuân nhằm chào đón cuộc sống mới.
Hơn nữa, ngày lễ cũng được tính theo lịch của mặt trăng mà thỏ rừng lại là một biểu tượng cổ xưa đại diện cho vệ tinh này.
Bên cạnh thỏ và trứng Phục sinh, sô cô la và thịt dăm bông cũng mang ý nghĩa biểu trưng cho dịp này.
Ngoài ra, trong ngày Lễ Phục sinh, mọi người còn thực hiện một số truyền thống như đập trứng, thứ Sáu tuần thánh hay diễu hành thời trang nhằm mang lại may mắn cho cả năm.