​Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội

Sáng 4.2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công 2 dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội.

Báo cáo tiến độ, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, dự án Cát Linh - Hà Đông (do Bộ GTVT làm chủ đầu tư) đến nay đã hoàn thành 90% khối lượng xây lắp, đến tháng 9.2017 có thể chạy thử. Dự án sử dụng vốn vay của Trung Quốc ban đầu là 419 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ VN là 133 triệu USD, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD, tăng 250 triệu USD vốn vay từ Trung Quốc.

Riêng tuyến Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ, mới hoàn thành 30% khối lượng công việc và đến năm 2021 mới hoàn thành. Vướng mắc hiện nay là giải phóng mặt bằng, đặc biệt là phần công trình ngầm tại 4 ga Kim Mã, Cát Linh, Văn Miếu, Trần Hưng Đạo. Dự án do UBND TP.Hà Nội làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư ban đầu là 783 triệu euro, nhưng đã phải điều chỉnh vốn tăng lên 1.176 triệu euro, tăng 393 triệu euro.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng cho rằng, ùn tắc giao thông đang là thách thức với các đô thị lớn, ảnh hưởng tới kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống người dân. Để giảm ùn tắc, các dự án đường sắt đô thị có vai trò rất quan trọng. Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị, với chiều dài theo quy hoạch tầm nhìn tới năm 2050 là 305 km. Tuy nhiên, cả 2 tuyến Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông đều chậm tiến độ, ảnh hưởng đến lộ trình giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội.

Phó thủ tướng cũng chỉ ra những nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ như thể chế liên quan đến đầu tư phát triển đường sắt đô thị, đặc biệt còn thiếu kinh nghiệm trong hình thức thầu trọn gói (EPC). “Trọn gói nhưng cuối cùng lại điều chỉnh. Trọn gói là mua cả mớ, nhưng chúng ta không nắm được, dẫn đến phải điều chỉnh vốn. Chậm tiến độ do đánh giá gói thầu không chuẩn, như tuyến Cát Linh - Hà Đông phải điều chỉnh vốn mới thực hiện được dự án”, Phó thủ tướng nhấn mạnh. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng ở Hà Nội cũng rất khó khăn.

Phó thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án, các bộ ngành phối hợp giải quyết các khó khăn trong thẩm quyền, nếu vượt quá thì báo cáo Thủ tướng quyết định. Ngoài ra, đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải là công trình văn hóa, hoàn thiện phải đẹp, như công trình 4 - 5 sao về chất lượng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.