Nguyên Phó TGĐ nói cho nhân viên Navibank mang tiền qua tổ chức tín dụng khác gửi hưởng lãi chênh lệch là pháp luật không cấm. Ảnh: Ngọc Hoa |
Ngày 1/3, TAND TP HCM tiếp tục phiên xử 10 lãnh đạo Navibank với phần xét hỏi của HĐXX với các bị cáo.
Cáo trạng quy kết các bị cáo Lê Quang Trí, nguyên Tổng Giám đốc Navibank cùng 3 nguyên Phó Tổng Giám đốc Navibank gồm: Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn.
6 bị can còn lại gồm: Đoàn Đăng Luật, Huỳnh Vĩnh Phát, Trần Thanh Bình, Đinh Thị Đoan Trang, Nguyễn Ngọc Oanh, Phạm Thị Thu Hiền đều là nguyên trưởng các phòng ban thuộc ngân hàng Navibank.
Cả 10 bị can thuộc Navibank bị truy tố về cùng tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại phiên tòa, nhiều bị cáo khi được xét hỏi đều kêu oan vì cho rằng mình không phạm tội. Trong số 8 bị cáo được xét hỏi, chỉ có duy nhất một bị cáo là Nguyễn Ngọc Oanh thừa nhận sai phạm. Tuy nhiên, nữ bị cáo này mong HĐXX xem xét cho mình, bởi việc sai phạm xuất phát từ nguyên nhân đặc biệt.
Theo đó, tại thời điểm xảy ra các khoản vay, bị cáo không biết cho các nhân viên Navibank vay tiền của chính ngân hàng gửi sang tổ chức tín dụng khác là sai, không biết số tiền gửi đó bị Như chiếm đoạt.
Cũng theo Oanh, bản thân bị cáo không được hưởng lợi gì từ tiền lãi ngoài có được từ các hợp đồng tiền gửi của các nhân viên Navibank sang Vietinbank.
Ngoài ra, do thời điểm xảy ra các khoản vay, do mẹ bị cáo bị bệnh nan y, Oanh phải vào bệnh viên chăm mẹ, sau đó mẹ mất. Do trải qua cú sốc đó nên mất tinh thần nên sao lãng trong công việc, dẫn đến sai phạm.
Tiếp tục phiên tòa, HĐXX xét hỏi đối với các bị cáo về những cáo buộc liên quan, trong đó, nguyên Phó Tổng giám đốc Nguyễn Giang Nam kêu oan. Bị cáo Nam cho rằng, bản thân không hề có sai sót và mong tòa chỉ ra sai sót cho mình.
Một phó tổng giám đốc khác là Cao Kim Sơn Cương cũng cho không thừa nhận sai phạm, bởi bị cáo không phải là nguyên nhân làm mất số tiền 200 tỷ của Navibank. “Theo nhận thức của bị cáo là bị cáo không sai”, bị cáo Cương nói.
Bị cáo Nguyễn Hồng Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc Navibank) khi trả lời HĐXX đã một mực cho rằng bản thân bị oan. Theo nhận thức của bị cáo Sơn, về việc ngân hàng cho nhân viên mang tiền sang tổ chức tín dụng khác gửi thì pháp luật không cấm và hoàn toàn hợp pháp. Việc cho vay cầm cố bằng hoạt động tiền gửi tại Vietinbank là không sai.
Ngoài ra, bị cáo Sơn còn cho rằng, việc khách hàng gửi tiền sang ngân hàng khác theo cũng không hề sai.
Ngay sau đó, HĐXX đặt câu hỏi về việc Navibank dùng hợp đồng cho vay, cầm cố để gửi tiền lấy lãi suât ngoài là đúng hay sai so với luật tổ chức tín dụng? Trả lời câu hỏi này, bị cáo Sơn luôn khẳng định rằng: Pháp luật không cấm! Về phương thức cho vay, bị cáo Sơn cho biết, một hợp đồng được phê duyệt cần thông qua 3 tiêu chí: phương án khả thi, khả năng trả nợ và tài sản bảo đảm. Cụ thể, trong hợp đồng của Lê Thị Thu Hương, bị cáo Sơn cho biết, khoản vay hoàn toàn đảm bảo.
“Đối với hợp đồng của Lê Thị Thu Hương, sau khi họp, Hội đồng tín dụng quyết định cho vay với lãi suất 14%. Tài sản bảo đảm là hợp đồng tiền gửi đã ký với Vietinbank. Do là giao dịch trong ngày nên tiền sẽ được chuyển về Vietinbank, sau đó giao dịch sẽ có hiệu lực. Hợp đồng tín dụng được lập trước và tiền sẽ chuyển sau”, bị cáo Sơn trình bày.
“Nếu tiền chuyển sau, thì thời điểm đó làm gì đã có tài sản bảo đảm?", chủ tọa hỏi lại bị cáo Sơn.
Trả lời chủ tọa, bị cáo Sơn trình bày rằng, tài sản bảo đảm được phép hình thành trong tương lai mà hợp đồng đã được ký nên sẽ xem là được hình thành trong tương lai.
Cũng theo vị nguyên Phó Tổng Giám đốc Navibank này, giữa tài bảo đảm và hợp đồng tín dụng có sự cân đối. Ngoài lãi suất 14% thì còn lãi suất ngoài nên các khoản vay đều được đảm bảo 100% .
Cuối giờ làm việc buổi chiều, HĐXX tuyên bố tạm nghỉ và sẽ tiếp tục làm việc vào 8h sáng ngày mai (2/3)
Vụ xử 10 lãnh đạo Navibank: 'Việc làm sai của bị cáo là có nguyên nhân đặc biệt'
Cho rằng cáo trạng truy tố mình không đúng, nhiều bị cáo nguyên là lãnh đạo Navibank kêu oan. |