10 năm làm mẹ của hơn 200 người con câm điếc trong căn hộ chung cư cũ ở Sài Gòn

Xuất phát từ tấm lòng yêu thương, sự thấu hiểu của người mẹ dành cho đứa con kém may mắn, cô Phạm Cao Phương Thảo (61 tuổi) mở lớp học dạy kĩ năng sống, chữ và pháp luật cho hơn 200 học viên câm điếc không nơi nương tựa suốt 10 năm qua.

Lớp học nằm trong một căn hộ cũ ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP HCM). Trong tiếng nhạc dịu êm "sống trong đời sống cần có một tấm lòng…" phát ra từ căn phòng nhỏ, cô niềm nở đón những học trò kém may mắn bằng nụ cười hiền hậu.

Ảnh 1

Cô Phạm Cao Phương Thảo và anh Đoàn Phạm Khiêm tại Lễ tốt nghiệp. (Ảnh: NVCC).

Làm đủ nghề nuôi con câm điếc trở thành thủ khoa đại học

Bước sang tuổi 61, bằng sự trải đời của mình, cô Thảo mang lại một năng lượng tích cực thông qua những câu chuyện. Mái tóc bạc nhiều, đôi mắt hằn những vết chân chim, cô trải lòng: "Tôi có một người con trai là Đoàn Phạm Khiêm. Hồi nó 1 tuổi thì bị sốt nặng, phải tiêm thuốc kháng sinh liều cao mới giữ được mạng sống. Thuốc ảnh hưởng đến thính giác làm Khiêm không nghe được và mất luôn khả năng nói. Lòng tôi quặn thắt khi chưa kịp nghe con gọi hai tiếng 'mẹ ơi'. Sau đó, tôi cũng dốc lòng đưa con đi chữa trị khắp nơi nhưng vô vọng".

Sự thật buồn bã, càng không có tiếng nói chung với chồng, cô Thảo quyết định li hôn và giành quyền nuôi con. Không ít lần cô muốn ôm con tự vẫn, nhưng khi nhìn lại ánh mắt trong veo của con, cô có thêm sức mạnh để sống tiếp.

Ảnh 2

Cô Thảo luôn cố gắng bày tỏ cảm xúc của mình trên gương mặt, ánh mắt và điệu bộ khi tiếp xúc được với các em điếc câm vì điếc câm giao tiếp quan trọng nhất là bằng ngôn ngữ hình thể. (Ảnh: Xuyến Kim)

Để nuôi con, người mẹ đơn thân phải làm đủ nghề, từ bảo vệ đến đánh giày hay bán thuốc lá lề đường. Để con nhận thức được cuộc sống, cô đã tự đặt ra những kí hiệu ngôn ngữ riêng để hai mẹ con giao tiếp. Lúc Khiêm đủ tuổi đi học, cô gửi anh đi học ở Lái Thiêu (Bình Dương) – một ngôi trường dành cho trẻ câm điếc.

Chính nhờ tình yêu thương, sự bảo bọc và dạy dỗ một cách khoa học của mẹ, Khiêm không những giao tiếp tốt mà còn học rất giỏi. Anh là thủ khoa Khoa Hội họa Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM, là thí sinh điếc câm duy nhất tại Việt Nam trúng tuyển vào đại học chính quy. Sau khi tốt nghiệp, Khiêm cùng mẹ mở lớp và truyền lại kiến thức lẫn kĩ năng cho những người điếc câm sống lang thang, cơ nhỡ.

"Không có ngôn ngữ là không có tất cả"

Là người mẹ có con bị khiếm khuyết, hơn ai hết cô Thảo hiểu được những thiệt thòi mà người câm điếc phải đối mặt. Bởi lẽ, với cô khi không có ngôn ngữ là không có tất cả. "Trẻ câm điếc rất chậm, không nghe, không nói được. Học hai năm mới học được một lớp. Chẳng hạn, tôi dạy Khiêm hiểu một câu tục ngữ tôi phải mất bốn tiếng, với đủ mọi hành động, cử chỉ, biểu cảm gương mặt", cô Phương Thảo chia sẻ.

Ảnh 3

Cô Thảo dạy Luật cho các em điếc câm tại trường Trần Văn Ơn (Quận 1, TP HCM). (Ảnh: NVCC).

Ngừng một lát, người mẹ tuổi ngoài 62 tâm sự trong nước mắt: "Tôi thương điếc câm lắm. Ba mẹ bỏ rơi chúng, điếc câm không biết cách lao động, muốn gì cũng không nói được, hay ức chế tâm sinh lí nên người ta sợ, không giúp. Tên của mình cũng không biết viết, khi ra xã hội các em đói khổ, bị người ta đánh, cướp, bị lợi dụng phạm tội cũng không biết".

Hạnh phúc với cô Thảo là được nhìn các em học tốt và làm việc lương thiện, sống bình đẳng như bao người. Cô mượn trường dạy chữ, pháp luật, dạy ứng xử xã hội cho các bạn. Còn anh Khiêm dạy ngôn ngữ kí hiệu, bởi theo cô: "Người điếc câm dạy người điếc câm về ngôn ngữ của họ sẽ hiệu quả hơn".

Ảnh 4

Người mẹ luôn tạo điều kiện vui chơi cho đàn con câm điếc của mình. (Ảnh: NVCC).

Cô Phạm Thị Kim Xuyến, chị của cô Thảo chia sẻ: "Ban đầu tôi thấy em mình làm vậy là không được vì tôi sợ người ta hiểu lầm là em cô đang chăn dắt người điếc câm để vụ lợi. Nhưng sau khi hiểu ra, nguồn quỹ xây dựng phục vụ cho người điếc câm như làm thiện nguyện thì tôi rất ủng hộ em mình".

Ngoài thời gian đi làm và dạy học, cô Phương Thảo còn viết dự án cho người điếc câm để xin hỗ trợ tiền nhằm trang trải chi phí ăn ở, học tập cho các em. Cô nỗ lực đến các địa phương, thăm hỏi chính quyền để xem có bao nhiêu em điếc câm chưa được đi học, cô lại đưa họ về lớp học của mình. Căn nhà nhỏ của hai mẹ con cô trở thành mái ấm cho người điếc câm chưa tìm được nơi cư trú.

Ảnh 5

Anh Đoàn Phạm Khiêm đang dạy vẽ cho các em. (Ảnh: NVCC).

"Nhờ được học, tụi em có tiền, không còn phải đi ăn cắp nữa"

Hơn 10 năm vượt bao trở ngại, cô và con trai đã thành lập cộng đồng điếc câm (DCOH) với hơn 200 người ở mọi lứa tuổi. Nhớ về lớp học của mình những đêm rằm trung thu, cô nghẹn ngào: "Có những em từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ được rước đèn. Có em gần... 50 tuổi nhưng vẫn mê, cứ năn nỉ tôi 'Thảo ơi, giúp đi, giúp đi, một lần thôi'. Các em lén tôi đi đến những điểm trường có tổ chức trung thu, đứng quanh hàng rào thèm thuồng quà bánh, chờ đến cuối buổi thì xin".

Ảnh 6

Võ Tấn Sang (trái) cùng cô Thảo và các bạn của mình tại một khu mua sắm. (Ảnh: Xuyến Kim).

Tiền dành dụm, kể cả học bổng của Khiêm cô Thảo đều dùng để lo cho các em điếc câm được học tập, vui sống. Ở cái tuổi lục tuần, lắm lúc bệnh tật bủa vây, nhiều người khuyên cô nên dành thời gian nghỉ ngơi, cô chỉ cười rồi nói: "Thiếu các em điếc câm tôi buồn rũ rượi. Mắt tôi nhìn không rõ, tôi nghĩ tôi là tiếng nói của người điếc câm và người điếc câm là đôi mắt của mình. Các em như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi".

Cô Thảo và anh Khiêm đã trở thành những vị "đại sứ" mở ra một chân trời mới để người điếc câm có thể hòa nhập với xã hội bằng những ý tưởng học hát, vẽ.

Anh Võ Tấn Sang (30 tuổi), người mà cô Thảo giới thiệu hát hay nhất lớp chia sẻ bằng ngôn ngữ kí hiệu, cô Thảo dịch lại: "Em tên là Sang, cô Thảo dạy em rất nhiều, thương tụi em rất nhiều. Em cảm ơn cô Thảo vì đã dạy tụi em hát và biết được những điều trong cuộc sống. Nhờ học văn nghệ, học việc, vẽ tranh, tụi em có tiền để ăn mà không còn phải đi ăn cắp nữa".

Ảnh 7

Mắt cô Thảo nay đã mờ vì vậy mỗi lần di chuyển hay muốn đọc thứ gì cũng khó khăn. (Ảnh: NVCC).

Có thể nói, người điếc câm luôn cần được sẻ chia, giúp đỡ từ cộng đồng. Tình thương của cô giáo Phương Thảo dành cho 200 người con khuyết tật thật đáng trân trọng. Để từ đó, có một nơi ở giữa Sài Gòn vẫn cháy lên ngọn lửa ấm áp của tình thầy trò, dẫu là trong câm lặng...

Ngôi nhà chung của cộng đồng điếc câm

DCOH (Deaf Community Organization of Ho Chi Minh City) là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam do người điếc câm điều hành, quản lý và lãnh đạo. DCOH đang phục vụ cho hơn 230 người điếc câm, trong đó một nửa là phụ nữ và người nhập cư.

Với phương châm "Một cuộc sống cộng đồng - Bình đẳng - Văn minh cho người điếc câm" DCOH mang sứ mệnh cải tiến hòa nhập xã hội, truyền đạt nguyện vọng của người điếc câm để họ nắm bắt cơ hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người điếc câm ở hiện tại và tương lai.

chọn
Tiến độ Vinhomes Vũ Yên
Vinhomes Vũ Yên có tổng diện tích hơn 877 ha, tổng mức đầu tư 44.044 tỷ đồng. Vingroup cho biết, đến nay đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động 46 căn shophouse và 1.076 căn nhà liền kề...