Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương gặp gỡ, chia sẻ với Nguyễn Thị Huyền trên chương trình Nối trọn yêu thương, phát sóng trên VTV1 vào ngày 28/10. (Video: VTV1).
Đó là những chia sẻ của cô gái Nguyễn Thị Huyền đến từ Đắk Nông. Huyền sinh thứ 4 trong gia đình có đến 7 anh chị em. Huyền bị dị tật bẩm sinh, hai chân bị dính liền, tay bị teo lại khiến việc sinh hoạt và học tập của Huyền rất khó khăn.
Năm 7 tuổi, Huyền được tiếp xúc với những con chữ đầu tiên tại lớp học tình thương kéo dài 3 tháng. Lúc đầu, Huyền phải làm quen với việc cầm bút, cô phải dùng miệng cắn rồi đưa lên tay mỗi khi bút bị rơi. Điều đó khiến tay cô bị sưng vù lên rất đau. Sau khi lớp học giải tán, Huyền đành trở về nhà, tự học với sự hướng dẫn của anh chị.
Nguyễn Thị Huyền. (Ảnh: Bách Hợp).
Dị tật cứ ngỡ là cơn ác mộng đáng sợ nhất mà Huyền phải chịu đựng, nhưng những lời miệt thị, dè bỉu còn đáng sợ hơn, nó khiến cô e ngại với việc hòa nhập với cộng đồng.
Huyền kể, lúc mới đi học, vào lớp thường bị các bạn gọi là "yêu quái", lúc đó cô rất buồn và khóc nhiều. Khi đó, ba mẹ Huyền nói rằng: "Nếu con thương ba mẹ thì hãy thật tự tin và chấp nhận bản thân mình, ba mẹ sẽ tự hào khi con lạc quan và vui vẻ, vì lúc đó con mới là chính mình".
"Tôi sợ nhất làm cho ba mẹ buồn, tôi biết tôi buồn một, ba mẹ sẽ buồn 10. Khi tôi khóc, một lát sau tôi sẽ quên nó đi, nhưng có nhiều lúc tâm sự tôi mới biết ba mẹ mình đã rất buồn và lo lắng", Huyền chia sẻ.
Trong khoảng thời gian đen tối đó, lời động viên, quan tâm của ba mẹ như một tia sáng, một liều thuốc có thể xoa dịu mọi tổn thương trong Huyền, tiếp sức cho cô tiếp tục chiến đấu trên con đường phía trước.
Cuộc đời dường như không lấy đi của ai tất cả, với chỗ dựa vững chắc là tình yêu của ba mẹ, Huyền dần trở nên lạc quan hơn. Qua suy nghĩ của Huyền, những điều xấu xí, tồi tệ nhất cũng trở nên tươi đẹp.
"Dần dần, tôi biến những lời trêu chọc thành thứ có thể khiến mình lạc quan hơn. Như việc các bạn gọi tôi là "yêu quái", tôi sẽ xem đó có nghĩa là vừa đáng yêu, vừa tinh quái", Huyền cười.
Công việc chính hiện tại của Huyền là đào tạo content (nội dung) chuẩn SEO. Huyền cho biết rằng cô có một tình yêu lớn với viết lách. Vì khi đó, cô có thể truyền tải sự lạc quan đến người khác, chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình và hơn hết là câu chuyện về ba mẹ đã động viên Huyền từ những ngày đầu tiên.
Cánh cửa tương lai dần mở ra với cô gái đầy nghị lực này. Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Huyền đã thi đỗ vào khoa Công nghệ phần mềm, ĐH Công nghệ thông tin TP HCM. Ba mẹ Huyền lúc đầu ngăn cản và lo lắng rất nhiều vì nghĩ rằng con không thể tự lo được cho bản thân.
Huyền luôn cố gắng vượt qua số phận và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. (Ảnh: Bách Hợp).
"Để ba mẹ an tâm, tôi tự lập từ những công việc hằng ngày như giặt quần áo, dọn nhà, quét nhà… mà một người bình thường có thể làm. Tiếp đó tôi cố gắng học tập để có một công việc ổn định và nỗ lực giúp đỡ những người khuyết tật, kém may mắn trong cuộc sống", Huyển nói.
Ở trong khó khăn, Huyền dường như hiểu rõ hoàn cảnh, nhu cầu cần giúp đỡ của những người giống như mình. Huyền sáng lập ra câu lạc bộ tình nguyện Ánh Trăng, tại đây, cô có thể cùng với các bạn của mình thường xuyên giúp đỡ các mái ấm, trại trẻ mồ côi, trung tâm khuyết tật. Bên cạnh đó, Huyền còn tạo Fanpage để kết nối cộng đồng người khuyết tật, hỗ trợ công việc cho họ.
Cô gái trẻ cho biết: "Quá trình học tập, tôi tham gia vào các câu lạc bộ tình nguyện. Được đi và tiếp xúc với nhiều người khiến tôi thêm yêu đời, có niềm tin hơn vào cuộc sống".
Thế nhưng, gần đây, khi căn bệnh quái ác quay trở lại, đôi chân Huyền dần yếu đi, cô phải trải qua nhiều đợt điều trị. Điều này ảnh hưởng đến việc đi lại của Huyền, khiến số lần đi tình nguyện cũng giảm dần. Với Huyền, việc phải ngồi ở nhà, khiến cô hiểu rõ hơn nỗi cô đơn của những người khuyết tật khác.
Doanh nhân Trần Uyên Phương đến thăm và có những chia sẻ với Huyền. (Ảnh: Bách Hợp).
Là cô gái vươn mình từ nghị lực, hằng ngày Huyền ngồi cạnh chiếc máy tính xách tay, chậm rãi gõ từng dòng chữ trên mạng xã hội, truyền cảm hứng cho những người xung quanh.
Huyền muốn chinh phục ước mơ trở thành diễn giả sau khi tốt nghiệp đại học. Vì khi đứng trên sân khấu, Huyền có thể chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình, những quan niệm về cuộc sống và hơn hết, là truyền tải những giá trị lớn lao, sự lạc quan mãnh liệt trong cô. Cuối năm hai đại học, Huyền có cơ hội tham gia cuộc thi thuyết trình "Who are you?" và giành được giải nhất.
Không những thế, 2 năm qua, Huyền đều gửi ảnh dự thi "Nét đẹp sinh viên". Không phải là vì cô muốn nổi tiếng, mà thông qua cuộc thi này, Huyền muốn thay đổi định kiến của mọi người về vẻ đẹp của người khuyết tật.
Với những bất hạnh đã trải qua, giờ đây, trên gương mặt tươi sáng của cô gái Đắk Nông ấy luôn hiện hữu một nụ cười rạng rỡ. Đó không chỉ là nụ cười của niềm hạnh phúc, mà còn là nụ cười của sự lạc quan, của một cô gái đã chiến thắng số phận.
Khi cùng chương trình Nối trọn yêu thương đến thăm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát - Trần Uyên Phương rất cảm phục trước nghị lực của Huyền. Bà Phương cho rằng, ngoài sự tự tin, nét đẹp có sẵn, Huyền còn là một cô gái tràn đầy tình cảm.
"Cuộc sống không hề công bằng với Huyền, nhưng bạn ấy luôn cố gắng giúp đỡ mọi người, tạo công ăn việc làm cho họ. Tôi cảm nhận được nội lực trong Huyền và thấy cuộc sống này có nhiều màu sắc tươi sáng hơn. Sống có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, Huyền thật sự truyền cảm hứng cho những người xung quanh, và đây cũng là giá trị cốt lõi mà Tân Hiệp Phát luôn hướng đến", doanh nhân Trần Uyên Phương chia sẻ.