10 năm: Nữ xã đội trưởng viết 14.000 bức thư tìm mộ liệt sĩ

Từng vào sinh ra tử trong thời chiến, từng nhìn cảnh người thân, đồng đội hy sinh, nên dù đã bước sang cái tuổi "thất thập cổ lai hy" cô xã đội trưởng Mai Thị Tuyết ngày ấy vẫn ngày đêm gửi hàng vạn lá thư để tìm kiếm thông tin về các liệt sĩ.

Từ cô nữ dân quân…

trai tim thuc bach nguoi phu nu viet 14000 buc thu tim mo liet si
Bà Mai Thị Tuyết đọc lại những bức thư cảm ơn của các gia đình tìm được mộ các liệt sĩ.

Ngày ấy, Mai Thị Tuyết cùng Ngô Thị Tuyển và Nguyễn Thị Hằng từng là 3 cái tên "lẫy lừng" thời kháng chiến chống Mỹ với những thành tích mà đến cả nam giới cũng ít người so kịp. Nếu Ngô Thị Tuyển vác 2 hòm đạn 98kg vượt qua bờ đê chuyển ra sông phục vụ chiến đấu ở Hàm Rồng, Thanh Hóa thì Mai Thị Tuyết đã chỉ huy cùng đồng đội bắn rơi máy bay Mỹ ngay trên xã Hải Chính, Hải Hậu, Nam Định.

Tham gia dân quân từ năm 1962 và chỉ sau 5 năm (năm 1967), Mai Thị Tuyết đã là chỉ huy xã đội. Ngoài nhiệm vụ chỉ huy chiến đấu nơi đầu sóng ngọn gió, cô còn vận động thành lập đội nữ dân quân và các thanh niên trong xã và chiến trường miền Nam chiến đấu… Rồi khi đạn nổ bom rơi, nhà cửa cháy tan hoang, cô Tuyết là người đi đầu đánh “giặc lửa”, thay vì cứu tài sản gia đình, cô đi dập cháy tại nhà dân và những nơi thuộc tài sản nhà nước.

Trước những thành tích xuất sắc trong lao động, chiến đấu, ngày 17/10/1968 Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã tặng thưởng huân chương chiến công hạng Ba cho cô xã đội trưởng Mai Thị Tuyết. Về sau, cô còn vinh dự nhận được nhiều huân huy chương khác do nhà nước trao tặng.

Sau năm 1975, cô Tuyết theo chồng là chiến sĩ quê Cần Thơ vào Nam sinh sống và hiện sinh sống tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP HCM. Một lần, người chiến sĩ ngày ấy trở về quê hương Hải Hậu xưa chợt nao lòng khi nhận ra rằng, dù đất nước đã hòa bình và nhiều thứ đã thay đổi. Nhưng khi đi thăm lại các gia đình ngày xưa từng đến để vận động chồng, cha, anh họ nhập ngũ, bà xã đội trưởng mới hay còn nhiều người… vẫn chưa trở về.

trai tim thuc bach nguoi phu nu viet 14000 buc thu tim mo liet si
Xã đội trưởng Mai Thị Tuyết và đồng đội thời trẻ.

“Ngày tuyển quân vào chiến trường miền Nam ai cũng hăng hái lên đường. Có người thiếu cân nặng, phải lén bỏ đá vào túi để được tuyển. Các anh ra đi theo tiếng gọi của non sông, đã trọn nghĩa vẹn tình với đất nước. Nhưng còn với người ở lại, họ đâu có lý gì cứ phải mãi canh cánh trong lòng với tờ giấy báo tử chỉ có dòng thông báo cụt ngủn: Hy sinh tại mặt trận phía Nam! Có người còn níu tay tôi để hỏi: Bà ơi, thế bà ở trong đó, bà nói cho con nghe "mặt trận phía Nam" là chỗ nào không? Nghe như thế trái tim tôi thắt lại”, bà Tuyết mắt ngấn lệ hồi tưởng.

Trong đầu người cựu chiến binh chợt bùng lửa quyết tâm đi tìm các anh về, đó là khoảng những năm 2000. Nhưng phải đến đầu năm 2004, những chuyến đi đầu tiên mới được khởi động. “Ban đầu, tôi chỉ định tìm những liệt sĩ đồng hương. Nhưng đến khi tiếp xúc với thông tin, tôi nhận ra các anh hy sinh đâu phải chỉ Nam Định, mà còn nhiều nơi khác, làng nào, xã nào cũng có người ngã xuống, họ còn rất trẻ. Vậy là tôi quyết tìm kiếm thông tin, lần lượt gửi hết thông báo về gia đình các anh. Từng người một. Và không phân biệt quê quán nữa”, bà cụ có mái tóc bạc và nụ cười phúc hậu nhớ lại.

… đến người tìm mộ liệt sĩ

trai tim thuc bach nguoi phu nu viet 14000 buc thu tim mo liet si
Hằng ngày, bà Tuyết chắc lọc thông tin nơi các liệt sĩ ngã xuống để gởi về cho thân nhân của họ.

Thời gian đầu, bà đi khắp các tỉnh phía Nam, gõ cửa các cơ quan chức năng để xin danh sách liệt sĩ theo quê quán. Nơi nào không đến được, bà Tuyết gửi thư đề nghị xin được cung cấp thông tin qua đường bưu điện.

Lại có trường hợp, thông qua ký ức của các cựu chiến binh khác, bà cất công tìm đến tận nơi chôn cất các anh như lời kể. Từ mô tả của đồng đội và sự mách bảo của người dân địa phương, bà cùng bộ đội địa phương khai quật được nơi các anh yên nghỉ…

Thấm thoát đã hơn 10 năm trôi qua, bà đã đi không biết bao nhiêu chiến trường và viết hơn 14.000 bức thư cho các gia đình liệt sĩ. Có gia đình bà viết hơn 5, 7 bức thư vì nhà cửa thay đổi địa chỉ hoặc địa danh, nhất là những tỉnh sau này được tách ra từ những tỉnh cũ như Hà Nam Ninh, Nghệ Tĩnh. Nghĩ đến các anh còn ở xa gia đình, bà lại lần mò xác thực địa chỉ và kiên nhẫn viết thư thông báo.

Với những gia đình yêu cầu được giúp đỡ, bà lại gửi tiếp cho họ các mẫu đơn đề nghị được in sẵn với các dòng địa chỉ gửi: Ban chính sách, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh ấy. Đơn này, theo bà Tuyết, được soạn dựa vào Mẫu 09, Phiếu cung cấp thông tin về nơi đã chôn cất liệt sĩ trong chiến tranh của Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

trai tim thuc bach nguoi phu nu viet 14000 buc thu tim mo liet si
Bà được nhiều bằng khen của nhiều sở, ngành.

Trong đơn, bà Tuyết cho in sẵn các dòng như tên gia đình thân nhân, đơn vị của liệt sĩ, ngày hy sinh, nơi mai táng liệt sĩ lúc hy sinh và đề nghị hỏi liệt sĩ có ở trong nghĩa trang của tỉnh quản lý không? Gia đình chỉ việc điền thêm những thông tin cần thiết và gửi theo địa chỉ như trên, chờ cơ quan ấy trả lời kết quả tra cứu. “Tôi làm việc này vì thương các anh và gia đình của họ. Ngoài ra, thời điểm ấy việc tìm mộ liệt sĩ bằng tâm linh rộ lên. Nhiều gia đình có người thân đóng ở Sư 7, Sư 9 được các thầy tâm linh giúp tìm mộ ở Quảng Trị là điều phi lý vì hai Sư đoàn này không tham chiến ở Quảng Trị”, bà Tuyết cho hay.

Từ những bức thư ấy, bà nhận được nhiều cuộc điện thoại, có lúc là nửa đêm. Đầu dây bên kia, lúc bán tin bán nghi, lúc vỡ òa xúc động vì đã bao năm qua họ vẫn mải miết đi tìm chồng, cha, anh của mình nhưng vô vọng. Số khác nhận được thư bà như tờ giấy báo tử lần hai vì họ đang thờ một liệt sĩ nào đó ngay trong nhà.

trai tim thuc bach nguoi phu nu viet 14000 buc thu tim mo liet si
Từ gánh hột vịt lộn, bà có kinh phí để giúp nhiều người tìm được người thân của mình nơi chiến trường miền Nam.

“Tôi chưa nhận của ai đồng nào cho việc giúp họ tìm kiếm người thân. Có người sau khi tìm được có biếu tôi chút quà, quà quê thì tôi nhận cho họ vui còn tiền bạc tôi từ chối vì điều tôi làm xuất phát từ trái tim. Bao năm nay, tôi bán hột vịt lộn và dùng tiền ấy để đi lại, gởi thư và gọi điện cho những gia đình này vì tôi biết rằng nhiều trong số những gia đình liệt sĩ còn rất nghèo”, bã xã đội trưởng khẳng định.

Hằng ngày, cô xã đội trưởng năm nào tóc xanh đã phủ bạc vẫn cặm cụi nắn nót từng nét chữ, chắc lọc thông tin để gởi đi thông tin từng liệt sĩ cho các gia đình. Con cháu bà Tuyết dẫu có can ngăn vì sợ ảnh hưởng sức khỏe nhưng người cựu chiến binh ấy vẫn làm điều mà trái tim mình mách bảo và vẫn thổn thức khi nhắc đến hai từ “liệt sĩ”.

Gia đình liệt sĩ Nguyễn Quý Khánh (hi sinh năm 1968 tại Đức Hòa, Long An) là một trong nhiều gia đình đã lặn lội vào Nam sau khi nhận được thư báo của bà Mai Thị Tuyết. Thiếu tướng - PGS.TS Nguyễn Quý Khoát, Phó Giám đốc Học viện An ninh Nhân dân, em trai của liệt sĩ Nguyễn Quý Khánh đã đưa được hài cốt của anh ông về quê hương sau mấy mươi năm tìm kiếm.

Theo Tướng Khoát, cuối năm 2014, khi nhận được thư báo tin của bà Mai Thị Tuyết, gia đình ông rất mừng nhưng cũng rất hoang mang, vì trước đó có nhiều thông tin mộ liệt sĩ lừa đảo. Để giải tỏa mối nghi ngờ, Tướng Khoát đã vào TP.HCM gặp bà. Với thông tin mà bà cung cấp, gia đình ông đã về Long An để tìm mộ người anh. Lúc bấy giờ gia đình mới biết liệt sĩ Khánh cùng 37 đồng đội đã hy sinh trong một trận chiến đấu ác liệt với địch vào ngày 8/5/1968 tại xã Đức Hòa. Đến nay, gia đình đã đón vong linh liệt sĩ Nguyễn Quý Khánh về với quê hương.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.