Cùng với TP HCM, Hà Nội là một trong 2 thành phố có tình trạng ô nhiễm môi trường đứng đầu cả nước, trong đó, ô nhiễm làng nghề đang ở mức báo động. Vì vậy, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội vừa tổ chức làm việc với UBND TP. Hà Nội khảo sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo môi trường tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn Thủ đô. Nhiều quận, huyện có chỉ số ô nhiễm làng nghề vượt quá 30 lần cho phép...
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, hiện nay, toàn thành phố có 47 làng nghề trên 52 nghề thủ công truyền thống của cả nước. Tuy nhiên, đối với việc tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề thì hầu hết các làng nghề mới chỉ tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt mà chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải. 100% làng nghề được quan trắc đều có chất lượng nước thải ít nhất 3 chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép, đặc biệt các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm.
Làng nghề Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Nội luôn là điểm nóng về ô nhiễm. |
Tại các buổi làm việc và khảo sát thực tế tại các làng nghề, các đại biểu cho rằng, qua quá trình khảo sát, nhiều quận, huyện có chỉ số ô nhiễm làng nghề vượt quá 30 lần so với cho phép, việc này đã làm cho nhiều người dân rất bức xúc, kiến nghị nhiều nhưng chưa được giải quyết. Bên cạnh nhiều xã, huyện thực hiện tốt thì nhiều nơi chưa thực sự vào cuộc dù cảnh báo đã tới mức nguy hiểm. Do vậy, cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn để xử lý vi phạm, tăng cường chế tài để bảo đảm tính bền vững, đồng thời kiến nghị sớm trình HĐND thành phố nâng mức xử phạt hành chính môi trường, tối đa gấp 2 lần Nghị định của Chính phủ, để từ đó răn đe và nâng cao ý thức người dân. Cùng với đó là rà soát đánh giá toàn diện, phân loại cụ thể ô nhiễm từng làng nghề để có hình thức xử lý ô nhiễm thích hợp cho mỗi loại làng nghề.
Về đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe người dân tại các
làng nghề, các đại biểu QH Hà Nội đề nghị Sở Y tế cần đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức khám định kỳ để người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ sức khỏe lao động.
ĐB Quốc hội Trần Thị Phương Hoa - Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho rằng: “Thành phố Hà Nội cần phải đánh giá rõ hơn kết quả các dự án xử lý ô nhiễm đã triển khai. Chủ trương đầu tư xử lý ô nhiễm tại các làng nghề là chủ trương phù hợp với lòng dân nhưng phải xác định làng nghề nào có mức độ ô nhiễm nặng để đầu tư, những nơi đã đầu tư thì bổ sung các nguồn lực để vận hành hiệu quả, giám sát việc thực hiện, tránh dàn trải lãng phí”.
Đồng tình với những ý kiến trên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng chia sẻ: Hiện nay, Thành phố đang tập trung giải quyết, xử lý những yếu tố thiết thực như: môi trường nước, khí, rác thải, thực phẩm... Đồng thời tập trung giải quyết để cung cấp nước sạch và xử lý nước thải cho các cụm hộ, cụm gia đình bằng công nghệ của Đức. Hiện mới xử lý được gần 20% nước thải đô thị. Riêng về làng nghề, Hà Nội xác định đây là một tồn tại rất khó giải quyết so với các loại hình khác. Xử lý ô nhiễm làng nghề liên quan đến nếp sống, văn hoá, thói quen, điều kiện kinh tế. Vì vậy, TP sẽ đào tạo cán bộ, tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân. Bên cạnh đó là tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm nhằm kiểm soát, nhắc nhở người dân”, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị.
Bên cạnh đó, để giải quyết, khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề, thời gian qua, UBND TP. Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các quận, huyện triển khai xây dựng thí điểm mô hình xử lý nước thải tại làng mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), làng nghề chế biến nông sản thực phẩm xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức); Thí điểm xử lý nước thải cho làng nghề chế biến tinh bột sắn xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai)… bước đầu được đánh giá mang lại hiệu quả về môi trường. Theo đó, sẽ mở rộng mô hình này tại các làng nghề, đưa vào khu tập trung để xử lý nước thải, rác thải làng nghề, cải thiện ô nhiễm môi trường do các làng nghề gây ra.
Đánh giá về việc thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo môi trường tại các làng nghề truyền thống trên địa bàn TP. Hà Nội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐB Quốc hội TP Ngọ Duy Hiểu khẳng định: Hiện nay, tình hình ô nhiễm làng nghề tại Hà Nội khá rộng và nghiêm trọng. Nguyên nhân là do phát triển nóng; TP quan tâm nhưng thiếu tính đột phá; ý thức của người dân chưa cao; tư duy bao cấp làng nghề; công tác quản lý còn buông lỏng; Chính vì vậy, TP tiếp tục quan tâm, rà soát, ban hành hệ thống các văn bản quy phạm và triển khai thực hiện. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để người dân tự bảo vệ mình. Cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền trong việc tăng cường công tác chấp hành pháp luật, xử lý những trường hợp vi phạm.
Được biết, Hà Nội duyệt chi 1.350 tỷ đồng để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề đến năm 2020 cho thấy một quyết tâm của chính quyền Thủ đô trong việc xử lý vấn nạn này. Tuy nhiên, nếu không có những chế tài mạnh mẽ hơn nữa thì những làng nghề của Thủ đô sẽ nhấn chìm người dân vào ô nhiễm môi sinh ngày càng cao.