110 chung cư, nhà cao tầng chưa nghiệm thu PCCC: Kiểm tra mới phát hiện trụ nước cứu hỏa giả

"Vừa rồi lực lượng phòng cháy, chữa cháy đi kiểm tra phát hiện ra việc một số trụ nước chỉ là trụ giả chôn xuống dưới mà ở dưới không có đường ống hoặc thậm chí có đường ống nhưng cũng không có nước", đại biểu Nguyễn Sĩ Cương nói.

Thiết bị PCCC chung cư mang tính đối phó

Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018. Trong đó, vấn đề PCCC ở chung cư cao tầng được nhiều đại biểu quan tâm.

Cụ thể, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho biết xây dựng nhà chung cư cao tầng đang là xu hướng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc xây dựng các khu chung cư cao tầng là giải pháp hữu hiệu để tăng hiệu quả sử dụng đất.

Tuy nhiên, thời gian gần đây trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy lớn tại các chung cư cao tầng, gây tâm lí hoang mang, lo sợ cho người dân.

"Tại nhiều nhà chung cư, nhà tái định cư và một số tòa nhà, văn phòng chủ đầu tư chưa quan tâm đến việc tổ chức thực hiện các giải pháp kĩ thuật phòng cháy, chữa cháy dẫn đến tình trạng các nhà cao tầng không đảm bảo yêu cầu kĩ thuật phòng cháy, chữa cháy, nhiều nhà chung cư, người dân đã cho thuê làm văn phòng.

Do đó, mật độ người dân trong tòa nhà tăng cao, ảnh hưởng đến công tác thoát nạn khi có sự cố cháy nổ do chuyển đổi công năng làm văn phòng nên sử dụng nhiều thiết bị điện dẫn đến tình trạng quá tải, chập điện, không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy", đại biểu Bình nói.

Theo vị này, tại các nhà chung cư, nhà tái định cư, người dân còn để vật dụng, hàng hóa trong buồng thang thoát nạn, trong buồng kĩ thuật điện, nhiều nhà còn bỏ các vật dụng như bình cứu hỏa ở thang bộ thoát nạn để mở cửa buồng thang lấy ánh sáng, lấy gió dẫn đến không đảm bảo về buồng thang thoát nạn an toàn.

Đại biểu Bình cũng cho rằng nhận thức của xã hội về công tác phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa cao.

"Về chủ đầu tư, trong quá trình xây dựng nhiều chung cư, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chỉ mang tính hình thức.

Trong công tác quản lí có nhiều công trình không đáp ứng yêu cầu giấy phép, sổ đỏ, không có nước, hệ thống điện chưa hoàn chỉnh, chữa cháy không đảm bảo nhưng vẫn đi vào hoạt động.

Trong quá trình quản lý, điều hành nhà chung cư, trách nhiệm của chủ đầu tư còn rất kém. Số lượng nhà chung cư thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy hay diễn tập công tác này cho người dân sống ở đó rất ít", đại biểu Bình nói.

74270783_410954082884109_2200224755473186816_n

Đảm bảo PCCC ở chung cư vẫn bị xem nhẹ. (Ảnh: Di Linh).

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cũng cho biết nhiều thiết bị PCCC chỉ mang tính hình thức để đối phó chứ chất lượng rất kém và rất nhiều những thiết bị là thiết bị giả và không làm được chức năng phòng cháy, chữa cháy.

"Vừa rồi lực lượng phòng cháy, chữa cháy đi kiểm tra phát hiện ra việc một số trụ nước chỉ là trụ giả chôn xuống dưới mà ở dưới không có đường ống hoặc thậm chí có đường ống nhưng cũng không có nước.

Tôi nghĩ rằng vấn đề này là vấn đề phải kiểm tra thường xuyên, chưa kể một số hỏng hóc.

Tôi cũng ở chung cư, nhưng trụ nước bị dân bao vây bán hàng che đi. Tôi có nói với Ban quản lí phải kiểm tra việc đó để xem đến lúc có cháy xảy ra thì phục vụ cho công tác chữa cháy.

Tuy nhiên, Ban quản lí nói đây là trách nhiệm của cơ quan phòng cháy, chữa cháy, không phải là trách nhiệm của họ", đại biểu Cương chia sẻ.

Do chủ đầu tư chung cư hay tiêu cực trong kiểm tra, xử lí?

Tại phiên thảo luận, đai biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) bày tỏ bất ngờ, băn khoăn khi cả nước vẫn còn 2.602 công trình nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt về thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Đáng chú ý là cả nước vẫn còn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu.

"Những con số đó đã báo động một tình trạng là chúng ta còn buông lỏng trong công tác quản lí nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy cần được chấn chỉnh kịp thời", đại biểu Hiền nhận định.

Đại biểu tỉnh Nghệ An cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy, có giải pháp xử lí dứt điểm các công trình vi phạm chưa đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

"Cần công khai các dự án, các công trình vi phạm về phòng cháy, chữa cháy một cách thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng", đại biểu Hiền nói.

Cũng về vi phạm PCCC ở chung cư, đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đặt câu hỏi tại sao có tình trạng này? Do vi phạm của các chủ đầu tư hay do tiêu cực trong công tác kiểm tra, xử lí sai phạm?.

"Đề nghị Chính phủ, Bộ Công an và chính quyền địa phương phải chấn chỉnh tình trạng này.

Đặc biệt, với các chung cư, nhà cao tầng khi đã đưa vào sử dụng thì bắt buộc phải đảm bảo các điều kiện phòng cháy, chữa cháy theo qui định", đại biểu Xuân nhấn mạnh.

"Với 110 tòa chung cư, tôi cho đây là một con số cảnh báo và nhắc nhở chúng ta cần phải có những giải pháp thực hiện để khắc phục, làm rõ trách nhiệm của các bên có liên quan, nhất là chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị thanh tra, kiểm tra. Xử lí vi phạm, chế tài xử lí bao gồm cả xử lý hình sự", đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nói.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.