12 dự án yếu kém của ngành công thương nợ gần 21.000 tỉ đồng

Tính đến cuối năm 2019, 12 dự án yếu kém của ngành công thương nợ 18 tổ chức tín dụng gần 21.000 tỉ đồng. Ủy ban Quản lí Nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định sẽ thực hiện phá sản, giải thể để thu hồi vốn đối với các dự án không có khả năng khắc phục.

12 dự án yếu kém của ngành công thương nợ gần 21.000 tỉ đồng

Báo cáo của Uỷ ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới đây về kết quả xử lí các dự án yếu kém thuộc ngành công thương trong giai đoạn 2017-2019, cho biết đến nay đã hoàn thành khoảng 75,36%.

Tuy nhiên, những vướng mắc mấu chốt nhất của các dự án, doanh nghiệp chưa được giải quyết, phần lớn tập trung ở 3 nhóm vấn đề, trong đó có khó khăn về tài chính, cần cơ cấu lại nợ, giãn khấu hao, điều chỉnh lãi suất vay.

12 dự án yếu kém của ngành công thương ôm nợ gần 21.000 tỉ - Ảnh 1.

12 dự án yếu kém của ngành công thương nợ gần 21.000 tỉ. (Ảnh: VGP).

Uỷ ban Quản lí vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết hiện có 2 dự án, doanh nghiệp có lãi (trong đó 1 doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế). 2 dự án giảm được lỗ nhưng chưa bền vững. 1 dự án dừng hoạt động đã vận hành trở lại. 7 dự án, doanh nghiệp còn thua lỗ hoặc dở dang, dừng hoạt động.

Dư nợ của các dự án, doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn.

Tính đến cuối năm 2019, có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án, với tổng dư nợ là 20.938 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ trung dài hạn là 17.169 tỉ, dư nợ ngắn hạn là 3.769 tỉ đồng.

Báo cáo cũng cho biết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, tín dụng như chịu lãi suất cao, chi phí tài chính lên đến 30%... Vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất được cơ cấu nợ, khoanh nợ, giãn khấu hao và giảm lãi suất.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết theo Luật Các tổ chức tín dụng quy định, các tổ chức tín dụng có quyền tự chủ động hoạt động kinh doanh, xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay, trên cơ sở cân đối nguồn vốn, lãi suất huy động và khả năng tài chính của từng ngân hàng thương mại. 

Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh với việc khoanh nợ, theo quy định hiện hành, các doanh nghiệp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, mới được xem xét khoanh nợ.

Ngoài khó khăn về tài chính, các dự án còn gặp khó về xử lí dứt điểm tranh chấp, vướng mắc để quyết toán hợp đồng tổng thầu (EPC), quyết toán toàn bộ dự án. Hiện còn 5 dự án, doanh nghiệp có tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC. 

Danh sách gồm Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Dự án cải tạo - mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, Dự án nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án Xây dựng Nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.

Sẽ thực hiện phá sản, giải thể để thu hồi vốn

Ủy ban Quản lí vốn Nhà nước cho biết toàn bộ 12 dự án, doanh nghiệp đều đã được thanh kiểm toán, điều tra ở các cấp độ khác nhau, để phát hiện các sai phạm. Đồng thời, đã xác định trách nhiệm, xử lí đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan.

Ủy ban khẳng định quan điểm chung trong việc xử lí 12 dự án, đặc biệt các dự án, doanh nghiệp thua lỗ theo nguyên tắc thị trường, quy định của pháp luật; bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

Đồng thời, sẽ thực hiện phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật đối với các dự án, doanh nghiệp không có khả năng khắc phục để thu hồi tối đa vốn, tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất mất vốn nhà nước; bảo đảm quyền lợi cho người lao động, an ninh trật tự xã hội và ổn định môi trường kinh doanh.


chọn
Đất Vũng Tàu: Nhiều người hỏi, ít người chốt
Tháng vừa qua, thị trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã đón nhiều nhà đầu tư đi tìm hiểu và khảo sát đất nền, căn hộ. Dù vậy, phần lớn chỉ dừng lại ở mức xem xét, hỏi thăm thông tin và ký gửi sản phẩm sang nhượng, số lượng giao dịch chốt thành công còn khiêm tốn.