15.500 tỷ đồng đổ về siêu dự án ở thành phố Thủ Đức

Từ tháng 8 đến nay, ba công ty Osaka Garden, Hoa Phú Thịnh và Hoàng Phú Vương đã liên tục huy động 15.500 tỷ trái phiếu để nhận chuyển nhượng dự án KĐT Sài Gòn Bình An ở thành phố Thủ Đức, TP HCM.
11.500 tỷ đồng đổ về siêu dự án ở TP Thủ Đức trong 2 tháng - Ảnh 1.

Khu đất dự án Sài Gòn Bình An. (Ảnh: danhkhoireal.vn).

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và CTCP Chứng khoán Kỹ Thương vừa sắp xếp cho CTCP Osaka Garden phát hành thành công 43 triệu trái phiếu (tương đương 4.300 tỷ đồng) với kỳ hạn 2 năm, đáo hạn vào 4/10/2023.

Lô trái phiếu của Osaka Garden là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản bảo đảm. Lãi suất cố định tối đa 10,32%/năm, các kỳ còn lại không thấp hơn 10,32%/năm.

Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được Osaka Garden sử dụng để nhận chuyển nhượng một phần dự án KĐT Sài Gòn Bình An.

Osaka Garden được thành lập vào tháng 9/2018, có trụ sở tại 56 Yên Thế, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM. 

Thời điểm thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ 270 tỷ đồng, với 3 cổ đông gồm Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Cử (45%); ông Đoàn Văn Chiến (20%) và ông Nguyễn Văn Phong Vân (35%).

Tại lần đăng ký thay đổi mới nhất ngày 27/9/2021, Osaka Garden đã tăng vốn điều lệ lên 719 tỷ đồng.

Trước đó, vào ngày 9 - 10/8 vừa qua, ba doanh nghiệp gồm CTCP Hoàng Phú Vương, Osaka Garden, CTCP Hoa Phú Thịnh thông báo đã chào bán thành công ba lô trái phiếu với tổng trị giá 11.200 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng Sài Gòn Bình An.

Tài sản bảo đảm của các đợt phát hành trái phiếu nói trên là toàn bộ động sản và quyền tài sản của tổ chức phát hành phát sinh từ thỏa thuận, hợp đồng liên quan đến một phần KĐT Sài Gòn Bình An (quận 2) do CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) làm chủ đầu tư.

KĐT Sài Gòn Bình An (hay còn được gọi là Him Lam Bình An, Him Lam City) do SDI Corp làm chủ đầu tư, An Phong Construction và Tường Việt là nhà thầu thi công dự án. Dự án nằm tại phường An Phú, TP Thủ Đức, TP HCM (quận 2 cũ).

Với tổng diện tích là 117 ha, dự án được quy hoạch đồng bộ với nhiều phân khu chức năng khác nhau, bao gồm shophouse, nhà phố, biệt thự song lập, biệt thự đơn lập, căn hộ chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, trường học, siêu thị, bệnh viện.

Năm 2001, SDI Corp được giao quỹ đất để triển khai dự án trên với tên gọi lúc đó là Khu liên hợp sân Golf – Thể dục thể thao và nhà ở (tên thương mại là Saigon Golf Country Club and Residences). Tuy nhiên phải sau hai thập kỷ, vào tháng 3 đầu năm nay, dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An mới chính thức được khởi công.

Gần nhất vào tháng 7, dự án vướng một số thông tin về kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc UBND TP HCM phê duyệt tầng cao xây dựng tối đa không đúng trình tự; Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án là không đúng thẩm quyền.

Phía SDI Corp đã có trao đổi với Báo Chính phủ cho rằng việc này thuộc về thủ tục hành chính của cơ quan chức năng, không phải là việc của doanh nghiệp. Chủ đầu tư Khu đô thị Sài Gòn Bình An đang triển khai dự án theo đúng pháp luật.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.