Ba doanh nghiệp huy động gần nửa tỷ USD mua lại dự án Sài Gòn Bình An

Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An (Him Lam City) mới đây thu hút 11.200 tỷ đồng từ ba doanh nghiệp vừa phát hành trái phiếu. Cách đây 4 tháng, dự án đã chính thức được khởi công sau hai thập kỷ "đắp chiếu".

Ngày 9 - 10/8 vừa qua, ba doanh nghiệp gồm CTCP Hoàng Phú Vương, CTCP Osaka Garden, CTCP Hoa Phú Thịnh thông báo đã chào bán thành công ba lô trái phiếu với tổng trị giá 11.200 tỷ đồng. 

Mục đích sử dụng vốn đều nhằm nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An do CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) làm chủ đầu tư. 

Trong đó, Hoàng Phú Vương phát hành 46,7 triệu trái phiếu, thu về 4.670 tỷ đồng; 34 triệu trái phiếu từ Osaka Garden thu về 3.400 tỷ đồng; còn Hoa Phú Thịnh phát hành 31,3 triệu trái phiếu, thu về 3.130 tỷ đồng.

Ba lô trái phiếu trên đều do Techcom Securities đứng ra thu xếp phát hành vào ngày 30/7 và được tổ chức tín dụng trong nước thu mua.

Mỗi trái phiếu đều có mệnh giá 100 nghìn đồng/trái phiếu, kỳ hạn 4 năm, đáo hạn vào ngày 30/7/2025. Loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bằng tài sản.

Trong đó, lô trái phiếu của Osaka Garden hưởng lãi suất thực tế cố định là 12,9%/năm. Cả gốc và lãi trái phiếu đều được thanh toán một lần vào ngày đáo hạn.

Đối với trái phiếu của Hoàng Phú Vương và Hoa Phú Thịnh, 4 kỳ tính lãi đầu tiên được hưởng lãi cố định 12,9%/năm, 4 kỳ tính lãi tiếp theo, lãi suất cố định tối đa 11%/năm. Các kỳ tính lãi còn lại, lãi suất bằng tổng của tối đa 4%/năm và lãi suất tham chiếu. Gốc trái phiếu thanh toán vào ngày đáo hạn, lãi trái phiếu thanh toán định kỳ vào ngày thanh toán lãi.

Cả ba doanh nghiệp đều dùng cổ phần của SDI Corp và một phần dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu.

Xuất hiện ba doanh nghiệp huy động gần nửa tỷ USD mua lại dự án Sài Gòn Bình An - Ảnh 1.

Nguồn: Công bố kết quả phát hành của ba doanh nghiệp.

Về dự án này, dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An (hay còn được gọi là Him Lam Bình An, Him Lam City) do SDI Corp làm chủ đầu tư, An Phong Construction và Tường Việt là nhà thầu thi công dự án. Dự án nằm tại phường An Phú, TP Thủ Đức, TP HCM (quận 2 cũ).

Với tổng diện tích là 117 ha, dự án được quy hoạch đồng bộ với nhiều phân khu chức năng khác nhau, bao gồm shophouse, nhà phố, biệt thự song lập, biệt thự đơn lập, căn hộ chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, trường học, siêu thị, bệnh viện.

Ba doanh nghiệp huy động 11.200 tỷ đồng để rót vào cùng một dự án - Ảnh 1.

Mẫu nhà phố liên kế thuộc dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An (Nguồn: Him Lam City)

Năm 2001, SDI Corp được giao quỹ đất để triển khai dự án trên với tên gọi lúc đó là Khu liên hợp sân Golf – Thể dục thể thao và nhà ở (tên thương mại là Saigon Golf Country Club and Residences). Tuy nhiên phải sau hai thập kỷ, vào tháng 3 đầu năm nay, dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An mới chính thức được khởi công. 

Gần nhất vào tháng 7, dự án vướng một số thông tin về kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc UBND TP HCM phê duyệt tầng cao xây dựng tối đa không đúng trình tự; Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án là không đúng thẩm quyền.

Phía SDI Corp đã có trao đổi với Báo Chính phủ cho rằng việc này thuộc về thủ tục hành chính của cơ quan chức năng, không phải là việc của doanh nghiệp. Chủ đầu tư Khu đô thị Sài Gòn Bình An đang triển khai dự án theo đúng pháp luật.

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.