Một ngày sau khi đưa ra quyết định hạ bậc triển vọng của Việt Nam xuống mức tiêu cực, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) cũng ra thông báo hạ triển vọng tín nhiệm với 18 ngân hàng Việt Nam.
Danh sách 18 ngân hàng bị Moody's hạ tín nhiệm có đủ tên 4 "ông lớn" trong nhóm Big 4 là Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank.
Các ngân hàng còn lại cũng là nhóm ngân hàng TMCP uy tín: ABBank, ACB, HDBank, Lienvietpostbank, MBBank, MSB, Nam A Bank, OCB, Sacombank, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB và VPBank.
Vào đầu tháng 10, một ngày sau khi thông báo có thể hạ tín nhiệm Việt Nam, Moody's cũng cho biết sẽ xem xét hạ tín nhiệm với các ngân hàng trên. Theo Moody's, việc hạ xếp hạng tín nhiệm với các ngân hàng Việt Nam phụ thuộc vào việc xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam, và không phản ánh sức khỏe tài chính của các ngân hàng.
18 ngân hàng nằm trong danh sách của Moody's hạ tín nhiệm được chia thành 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất gồm 10 ngân hàng, được giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn bằng nội tệ, ngoại tệ, nhưng triển vọng được điều chỉnh từ xem xét hạ tín nhiệm sang tiêu cực. Trong đó, 4 ngân hàng được giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm cơ sở (BCA) và BCA đã điều chỉnh. 6 ngân hàng được giữ nguyên đánh giá rủi ro đối tác (CR Assessments) và Xếp hạng rủi ro đối tác (CRR).
Nhóm thứ hai gồm 5 ngân hàng, được giữ nguyên xếp hạng tiền gửi dài hạn bằng ngoại tệ. Triển vọng được chuyển từ xem xét hạ tín nhiệm sang tiêu cực.
Nhóm thứ ba gồm 3 ngân hàng còn lại, được giữ nguyên đánh giá rủi ro đối tác (CR Assessments) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR).
Theo Moody's, tín nhiệm quốc gia là yếu tố chính ảnh hưởng đến xếp hạng với các ngân hàng Việt Nam, sẽ quyết định đánh giá của Moody's về khả năng Chính phủ hỗ trợ các ngân hàng trong thời kì khó khăn. Nếu tín nhiệm quốc gia bị hạ, chính phủ sẽ khó hỗ trợ các ngân hàng, từ đó khiến tín nhiệm một số ngân hàng thấp đi.
Trước quyết định điều chỉnh hạ triển vọng Việt Nam xuống mức tiêu cực của Moody's, Bộ Tài chính khẳng định điều này là không xác đáng.
Theo Bộ Tài chính, Moody's chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, mà bỏ qua thành tựu toàn diện Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công.
Bộ Tài chính cũng cho rằng quyết định này là không tương xứng với chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Chính phủ, cũng như hàng loạt biện pháp mà Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan thời gian qua đã chỉ đạo sát sao.
Bộ Tài chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn theo cam kết, với các đối tác phát triển và tổ chức tài chính quốc tế. Quan điểm này cũng thể hiện rõ qua việc Chính phủ đã chủ động thực hiện trách nhiệm của người bảo lãnh trong việc thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay.
Thời gian tới, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan sẵn sàng cung cấp thông tin minh bạch, và đưa ra các minh chứng thuyết phục về việc Chính phủ nghiêm túc thực hiện cam kết trả nợ.
Qua đó, Bộ Tài chính tin rằng Moody's, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác sẽ có thông tin đầy đủ, và cơ sở xác thực để đưa ra nhìn nhận đúng đắn, tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam.