Nhóm doanh nghiệp liên quan KĐT gần 120ha ở Thủ Đức huy động thành công gần 33.000 tỷ

Trong gần một năm, 7 doanh nghiệp liên quan đến KĐT gần 120ha ở Thủ Đức đã huy động gần 33.000 tỷ đồng. Theo ghi nhận thực tế, dự án đang được triển khai nền móng một phần diện tích, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2025.

Nhóm DN liên quan KĐT Sài Gòn Bình An huy động 33.000 tỷ đồng trái phiếu

Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An (hay còn được gọi là Him Lam Bình An, Him Lam City) quy mô gần 120 ha tại phường An Phú, TP Thủ Đức, TP HCM là dự án do CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) làm chủ đầu tư.

Từ cuối tháng 7/2021 đến nay, 7 doanh nghiệp liên quan đến dự án này đã liên tiếp huy động tổng gần 33.000 tỷ đồng thông qua phát hành 11 lô trái phiếu doanh nghiệp.

 Tỷ trọng phát hành của các doanh nghiệp trong số 33.000 tỷ đồng trái phiếu. (Tổng hợp + Đồ họa: Hiền Minh).

Thông tin từ HNX, gần nhất vào ngày 30/3/2022, ba doanh nghiệp gồm CTCP WorldWide Capital, CTCP Air Link và CTCP Xây Dựng Kiến Hưng Thịnh đã phát hành 6 lô trái phiếu với tổng giá trị huy động là 10.830 tỷ đồng.

Toàn bộ số trái phiếu này đã được mua trọn trong vòng một ngày kể từ ngày phát hành, trái chủ không được các doanh nghiệp công bố. Mục đích phát hành, lãi suất và tài sản đảm bảo cũng không được các doanh nghiệp thông tin trong báo cáo kết quả phát hành trên HNX. 

Vào đầu tháng 1/2022, SDI Corp cũng hoàn tất phát hành lô trái phiếu trị giá 6.574,6 tỷ đồng. Mục đích, lãi suất, trái chủ, tài sản đảm bảo, tổ chức thu xếp phát hành cũng không được thông tin. Theo tìm hiểu của người viết, SDI Corp hiện nay chỉ tập trung đầu tư dự án Sài Gòn Bình An tại An Phú, Thủ Đức.

Trước đó, ngày 30/7/2021, ba doanh nghiệp CTCP Hoàng Phú Vương, CTCP Osaka Garden, CTCP Hoa Phú Thịnh đã đồng loạt phát hành ba lô trái phiếu để huy động vốn nhận chuyển nhượng dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An. 

Đến tháng 10/2021, Osaka Garden tiếp tục phát hành thêm một lô trái phiếu với cùng mục đích, do Techcom Securities thu xếp phát hành. Tổng số tiền cả 4 lô trái phiếu huy động là 15.500 tỷ đồng và được mua trọn bởi tổ chức tín dụng trong nước ngay trong ngày phát hành. 

Theo tìm hiểu, các lô trái phiếu nêu trên đều có tài sản đảm bảo, là các tài sản, quyền và lợi ích liên quan đến các dự án thành phần thuộc dự án này. Các tài sản được thế chấp tại Techcombank.

 Tổng hợp: Hiền Minh. 

Hồi sinh dự án Sài Gòn Bình An sau 20 năm

Trở lại với dự án Sài Gòn Bình An, tháng 1/1999, UBND TP HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này, khi đó, quy mô dự án là 120 ha. Năm 2000, UBND thành phố chấp thuận thêm phần tiện ích sân golf An Phú, nâng tổng quy mô dự án tăng lên 137,4 ha và giao đất cho SDI Corp vào tháng 1/2001. Khi đó, dự án có tên là Khu liên hợp sân golf, thể dục thể thao và nhà ở (tên thương mại: Saigon Golf Country Club and Residences).

Đến cuối tháng 11/2015, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, theo phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của UBND thành phố, tổng diện tích khu đất đã giảm còn 117,4 ha.

Sau hơn 20 năm kể từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, ngày 18/3/2021, nhà thầu An Phong Construction đã tổ chức khởi công dự án. 

Ghi nhận của người viết, sau khi dự án được khởi công đầu năm ngoái và nhóm doanh nghiệp liên quan đón dòng vốn khủng, thực trạng dự án đang trong quá trình triển khai nền móng một phần diện tích. 

 Thực trạng dự án tháng 4/2022. (Nguồn: Nhà phát triển dự án).

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.