Ba doanh nghiệp nhận chuyển nhượng KĐT Sài Gòn Bình An huy động gần 11.000 tỷ đồng trái phiếu, có bóng dáng Vạn Thịnh Phát

Mới đây, ba doanh nghiệp nhận chuyển nhượng dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An của SDI Corp đã huy động vốn từ trái phiếu với tổng giá trị gần 11.000 tỷ đồng. Cơ cấu tổ chức của hai trong ba doanh nghiệp nói trên có bóng dáng của Vạn Thịnh Phát.

Gần 11.000 tỷ đồng đổ về nhóm doanh nghiệp nhận chuyển nhượng dự án KĐT Sài Gòn Bình An

Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ba doanh nghiệp gồm CTCP WorldWide Capital, CTCP Air Link và CTCP Xây Dựng Kiến Hưng Thịnh đã huy động thành công 10.830 tỷ đồng thông qua 6 lô trái phiếu.

Các lô trái phiếu trên đều có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào ngày 30/9/2023. Toàn bộ số trái phiếu này đã được mua trọn trong vòng một ngày kể từ ngày phát hành. Thông tin về trái chủ, lãi suất, mục đích đều không được các doanh nghiệp công bố.

Trong đó, hai lô trái phiếu do WorldWide Capital phát hành có giá trị 1.260 tỷ đồng và 2.150 tỷ đồng, hai lô của Air Link có giá trị 1.240 tỷ đồng và 2.570 tỷ đồng, hai lô còn lại của Kiến Hưng Thịnh có giá trị 2.500 tỷ đồng và 1.110 tỷ đồng. 

Đây đều là ba doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng dự án thành phần từ CTCP Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) và đã ký hợp đồng thế chấp tài sản với Techcombank – khối khách hàng doanh nghiệp quy mô vừa vào ngày 29/3, một ngày trước khi phát hành các lô trái phiếu nêu trên. 

Trên thị trường bất động sản, SDI Corp được biết đến là chủ đầu tư của Khu đô thị Sài Gòn Bình An (hay còn được gọi là Him Lam Bình An, Him Lam City) tại phường An Phú, TP Thủ Đức, TP HCM (quận 2 cũ). 

Dự án có tổng diện tích là 117 ha, được quy hoạch đồng bộ với nhiều phân khu chức năng khác nhau, bao gồm shophouse, nhà phố, biệt thự song lập, biệt thự đơn lập, căn hộ chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, trường học, siêu thị, bệnh viện.

Liên quan đến dự án này, trước đó, năm 2021, ba doanh nghiệp gồm CTCP Hoàng Phú Vương, CTCP Osaka Garden, CTCP Hoa Phú Thịnh đã huy động thành công 15.500 tỷ đồng từ bốn lô trái phiếu để rót vào dự án. Cả bốn lô trái phiếu này đều do Techcom Securities (công ty con của Techcombank) đứng ra thu xếp phát hành.

Bóng dáng Vạn Thịnh Phát tại nhóm doanh nghiệp vừa huy động trái phiếu

Quay trở lại với ba doanh nghiệp vừa hoàn tất huy động vốn từ trái phiếu nói trên, cơ cấu tổ chức của hai trong ba doanh nghiệp này đều có sự xuất hiện của các nhân sự trong hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - chủ của loạt dự án nổi bật tại TP HCM như tòa nhà Time Square, Thuận Kiều Plaza, Khách sạn Windsor Plaza,...

Tòa nhà Union Square của Vạn Thịnh Phát. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

Với CTCP WorldWide Capital, doanh nghiệp được thành lập vào tháng 7/2015 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Hiện, người đại diện pháp luật doanh nghiệp là bà Hồ Thị Nguyên Thủy. 

Vào đầu tháng 10/2018, vị trí này từng do ông Trương Hồng Võ đảm nhiệm nhưng đã rút khỏi chỉ sau 16 ngày. Ông Trương Hồng Võ cũng là cổ đông sáng lập và đại diện pháp luật của CTCP Capital One Financial , một doanh nghiệp thành lập hồi tháng 9/2018, có nhiều liên hệ với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và từng gây chú ý khi tham gia đấu giá khu đất Thủ Thiêm hồi tháng 12/2021 vừa qua. 

Về phần CTCP Air Link, doanh nghiệp được thành lập vào tháng 6/2015 với tên gọi ban đầu là CTCP Đầu tư Sheen Power, vốn điều lệ 360 tỷ đồng. Thời điểm đó, cổ đông sáng lập nắm tỷ lệ lớn nhất (49%) tại Air Link là CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Sài Gòn Star, một doanh nghiệp vừa được thành lập trước đó một năm. 

Một trong những thành viên HĐQT của Sài Gòn Star là ông Thái Bảo Anh, người đang đại diện pháp luật cho hàng loạt doanh nghiệp khác, trong đó có CTCP Đầu tư Mê Linh Square, doanh nghiệp do ông Ngô Văn An làm Chủ tịch HĐQT. Ông Ngô Văn An được biết đến là nhân sự lãnh đạo bộ phận phát triển dự án thuộc Sunny World - công ty con của Vạn Thịnh Phát.

Ngoài ra, về phần CTCP Xây Dựng Kiến Hưng Thịnh, doanh nghiệp được thành lập vào tháng 6/2020 với tên gọi ban đầu là Well Merit. Vốn điều lệ ban đầu của công ty là 330 tỷ đồng, do bà Lê Thị Mao nắm 55%. Bà Mao đồng thời là đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc tại doanh nghiệp. 

Bên cạnh bà Mao, hai cổ đông sáng lập khác là ông Đặng Văn Danh nắm 25% và ông Lê Trung Thiện nắm 20%. Ông Danh và bà Mao cũng là cổ đông sáng lập tại CTCP Xây dựng Trường Vĩnh Phát, một doanh nghiệp do ông Danh đứng tên đại diện pháp luật.  

Động thái gần đây nhất, một tuần sau khi hoàn tất hai đợt phát hành trái phiếu nêu trên, ngày 8/4, Kiến Hưng Thịnh đã tăng vốn điều lệ lên gần 1.235 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông mới chưa được công bố. 

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.