5 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm và Đan Phượng đều thiếu nhiều tiêu chí để lên quận

Đến nay, cả 5 huyện là Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm và Đan Phượng đều chưa đạt từ 3 đến 6 tiêu chí lên quận, trong đó thiếu hai tiêu chí quan trọng là cân đối thu, chi ngân sách và mật độ đường giao thông đô thị.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành công văn về việc báo cáo tình hình thực hiện đồ án đầu tư, xây dựng 5 huyện thành quận.

Căn cứ chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận, giám đốc các sở là thành viên Ban Chỉ đạo khẩn trương rà soát toàn bộ các nhiệm vụ được giao trong việc đầu tư xây dựng 5 huyện thành quận, đề xuất thành phố các biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để xây dựng 5 huyện thành quận…

Các bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND 5 huyện nêu trên là thành viên Ban Chỉ đạo báo cáo kết quả đạt được cụ thể của từng tiêu chí đến hết ngày 31/10/2021, ước thực hiện đến hết năm 2021, đánh giá những tiêu chí nào đạt thêm, những tiêu chí nào chưa đạt; xây dựng lộ trình cụ thể, giải pháp, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ còn phải triển khai để trở thành quận trong giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, tổng hợp số dự án cấp huyện và số vốn theo ngành, lĩnh vực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2022 của huyện để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ hoàn thành tiêu chí lên quận.

Các huyện ưu tiên bố trí kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án nhằm hoàn thành các tiêu chí lên quận chưa đạt trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 của huyện,…

Đầu tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng, phát triển 5 huyện thành quận.

Hà Nội đã phê duyệt Đề án phát triển lên quận đối với huyện Hoài Đức với mục tiêu huyện lên quận vào năm 2020; đối với 4 huyện còn lại là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng được đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ lên quận.

UBND TP Hà Nội cũng đã bố trí hơn 10.600 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020 để đầu tư các dự án cấp thành phố trên địa bàn 5 huyện.

Tuy nhiên cho đến nay, cả 5 huyện trên đều có từ 3 đến 6 tiêu chí chưa đạt, trong đó đều chưa đạt hai tiêu chí quan trọng là cân đối thu, chi ngân sách và mật độ đường giao thông đô thị.

Các huyện đều kiến nghị thành phố cho phép được hưởng 100% tiền sử dụng đất thu được từ các dự án được giao đất có thu tiền sử dụng đất trên địa bàn; được hưởng 100% khoản thu thuế phát sinh; tăng cường phân cấp cho cấp huyện đầu tư lĩnh vực giao thông…

Theo các đề án đã ban hành, để xây dựng huyện thành quận, có 27 tiêu chuẩn đạt quận, trong đó có 6 tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội; 21 tiêu chuẩn về trình độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị (gồm 8 nhóm các tiêu chuẩn về hệ thống công trình hạ tầng xã hội, 4 nhóm các tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật đô thị, 5 nhóm các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, 4 nhóm các tiêu chuẩn về kiến trúc cảnh quan đô thị).

chọn
Sắp xây toà nhà cao thứ ba Hà Nội?
Toà nhà Landmark 55 có tổng mức đầu tư 5.934 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ là toà nhà cao tầng thứ ba của Hà Nội, sau Keangnam Landmark và Lotte Center Hà Nội (65 tầng). Chủ đầu tư Taseco Land cho biết dự kiến quý II/2024 xin giấy phép xây dựng, quý III/2024 cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.