'Không thể gục ngã': chuyện về người phụ nữ cùng chồng chống lại ung thư |
Trong số 5 nhân vật sau đây, có người đã ra đi mãi mãi, có người vẫn đang "đấu tranh" với bệnh ung thư hàng ngày. Nhưng họ là những người "truyền lửa", truyền cảm hứng sống lạc quan, ý thức trân quý sức khỏe và cuộc sống đến những bệnh nhân ung thư nói riêng và cộng đồng nói chung.
1. Nhạc sỹ Trần Lập: Người "chiến binh can trường"
Trở về sau chuyến đi vòng quanh Tây Bắc, thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường đã nhận thấy tình hình sức khỏe có những diễn tiến xấu với những cơn đau quặn bụng và sụt cân. Khi đến khám tại bệnh viện Việt Đức, anh được chẩn đoán đã mắc bệnh ung thư trực tràng ba năm và cần phải phẫu thuật ngay lập tức nếu không muốn bị di căn.
Trần Lập đã đối diện với hung tin này bằng bằng thái độ vô cùng bình tĩnh và lạc quan. (Ảnh: Phụ nữ Việt Nam) |
Trong khi độc giả và những người hâm mộ chưa hết bàng hoàng, anh lại luôn trấn an mọi người. Bốn tháng xạ trị, trải qua những ngày tháng khó khăn để giành giật sự sống, Trần Lập vẫn luôn tỏ ra vững vàng, bản lĩnh.
Cho đến tận giờ phút sinh tử cuối cùng, anh vẫn khiến người ta phải cảm phục, phải rơi nước mắt. Chàng thủ lĩnh kiên cường của Bức Tường đã để lại cho khán giả nhiều câu nói "thắp lửa" để đời, thể hiện sự lạc quan khi đối diện trước nghịch cảnh.
"Ung thư không thể làm phôi phai tình yêu, không che phủ được hy vọng, không làm giảm niềm tin, không giết chết được tình nghĩa, không làm nhạt đi ký ức, không chế ngự được sự dũng cảm, không xâm chiếm được tâm hồn, mà ngược lại nó khởi động tất cả, và vì thế nó khó mà chạm tới cuộc sống mãnh liệt này." (Ảnh: Báo mới) |
"Giữa cái sống và cái chết, giữa lằn ranh giới ấy, nếu nhìn rõ được hiện trạng, bình tĩnh tháo gỡ, và quan trọng là lạc quan. Hãy lạc quan, cho dù thế nào đi nữa!" (Ảnh: Việt báo) |
2. NSND Hoàng Cúc: Lên lịch chiến thắng bệnh tật
Nghệ sỹ nhân dân (NSND) Hoàng Cúc vốn là một mỹ nhân thành Tuyên. Trong những năm thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, tên tuổi của bà gắn liền với những vở kịch như “Người đàn bà sau tấm cửa sổ xanh”, “Ăn mày dĩ vãng”…; là một gương mặt quen thuộc qua các bộ phim: “Tướng về hưu”, “Bỉ vỏ”,… NSND Hoàng Cúc cũng là Nguyên Phó giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội.
Khi con trai lập gia đình, nữ nghệ sỹ vô tình đi khám sức khỏe cùng các con và phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn 2. Trong thời gian chống chọi với bạo bệnh, nhan sắc của bà không tàn phai mà ngày một đằm thắm, mặn mà hơn. “Trong những người đi chữa bệnh cùng tôi năm 2010, đã có hơn 30 người qua đời. Những người mắc căn bệnh này thường nói với nhau một câu: 'Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy'... Tôi cũng như vậy” bà chia sẻ.
Tháng 6/2016, NSND Hoàng Cúc (áo dài đỏ) trở lại cùng 20 tên tuổi của làng điện ảnh đất Bắc làm nhân vật chính cho các buổi trình diễn áo dài Festival áo dài Hà Nội. (Ảnh: Tin tức nước Nga) |
NSND Hoàng Cúc cũng cho hay: “Tôi đã lên một ‘lịch’ để chiến thắng bệnh tật, chiến thắng số phận. "Tôi tham gia Câu lạc bộ Tình người, có khi đến đó nói chuyện về sức khỏe; lễ chùa cầu an cho mình và mọi người. Tôi lên lịch tập yoga hàng tuần và mỗi tối dành một thời gian nhất định ngồi thiền. Tôi chỉ khuyên mọi người phải 'phòng hỏa hơn cứu hỏa', nên đi khám bệnh định kỳ từ sớm, nhờ bác sĩ tư vấn và chọn một môn thể dục vừa sức"..
NSND Hoàng Cúc lên lịch tập yoga hàng tuần và mỗi tối dành thời gian nhất định ngồi thiền. (Ảnh: Thể thao & Văn hóa) |
"Tôi sống chung với căn bệnh ung thư và cần thấy phải yêu bản thân hơn bao giờ hết. Mặc dù mắc bệnh ung thư vú nhưng chế độ sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, vui chơi, bạn bè, công việc, gia đình… tôi đều hướng tới chân thiện mỹ nhưng an toàn”, nữ nghệ sỹ chia sẻ thêm.
3. “Nữ hoàng khởi nghiệp” Trương Thanh Thủy: "Tôi đã ở đây, sẵn sàng cho ngày đầu cuộc chiến”
Năm 2015, cộng đồng startup (khởi nghiệp) Việt Nam ngỡ ngàng trước thông tin “Nữ hoàng startup” Trương Thanh Thủy đang mang trong cơ thể căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối”.
Thanh Thủy từng trả lời khi được hỏi có lo sợ căn bệnh ung thư: "Lần đầu tiên tôi phải lên bàn phẫu thuật năm 21 tuổi. Từ đó đến nay, tôi đã luôn tự hứa với bản thân sẽ sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng trong đời mình. Vậy nên, câu trả lời sẽ là không!"(Ảnh: Zing) |
Trương Thanh Thủy sinh năm 1986 tại Việt Nam, cô theo gia đình chuyển đến Mỹ sinh sống vào năm 2003. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nam California, Thủy về Việt Nam khởi nghiệp và được biết đến là người sáng lập nhiều ứng dụng công nghệ nổi tiếng ở Việt Nam và Mỹ. Trong đó, nổi tiếng nhất là ứng dụng Tappy. Chỉ 10 tháng sau khi ra mắt, Tappy đã được Weeby, một công ty công nghệ game di động có trụ sở tại thung lũng Silicon (Mỹ) mua lại với mức giá lên tới 7 con số.
Giữa lúc sự nghiệp thành công rực rỡ ở tuổi 32, Thanh Thủy phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Cô bình tĩnh đối diện với tình trạng sức khỏe của mình và chia sẻ trên blog bức ảnh cùng bài viết trang nhật ký đầu tiên khi “sống chung” với ung thư.
"Là một kỹ sư, tôi thích bắt đầu đếm mọi thứ từ con số 0. Và hôm nay chính là con số 0. Tôi đã sẵn sàng ở đây, cho ngày đầu tiên của cuộc chiến”. Thanh Thủy chia sẻ trên blog của mình. (Ảnh: Zing) |
Chỉ ba tháng sau khi phát hiện bệnh, Thanh Thủy đã thành lập nên Salt Cancer Initiative – một tổ chức phi lợi nhuận làm nhiệm vụ hỗ trợ và cung cấp thông tin cho các bệnh nhân ung thư và người thân của họ tại Việt Nam. Dự kiến tháng 10/2017, Salt Cancer Initiative sẽ tổ chức hội thảo quốc tế về ung thư tại Việt Nam.
Thủy nói: “Nếu những bệnh nhân trẻ tuổi vì căn bệnh này mà đã phải bỏ đi một tuổi thơ bình thường, chúng tôi sẽ cố gắng mang lại những điều đó. Nếu họ không thể đi học, chúng tôi muốn mang trường học đến cho họ.”
4. Thương Sobey – Người thắp lửa cho hàng triệu phụ nữ bị ung thư vú
Nguyễn Khánh Thương, hay còn gọi là Thương Sobey (sinh năm 1982, nguyên giảng viên khoa Báo chí Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội). Khánh Thương được xem là “người hùng”, “người thắp lửa” cho hàng triệu phụ nữ Việt mắc bệnh ung thư vú.
Thương Sobey đã phát hiện mình mang căn bệnh ung thư vú vào thời điểm 2 tháng trước lễ ăn hỏi (cuối năm 2012). Từ sự động động viên lớn lao và kiên trì của người thân, bạn bè, đặc biệt là vị hôn phu người Úc Aeron Sobey chị đã bình tâm trở lại và còn thành lập Mạng lưới ung thư vú…
Đêm trước ngày phẫu thuật, Thương bồi hồi chia sẻ với chồng trước khi "vĩnh biệt" một phần thân thể. Sự yêu thương sát cánh của người chồng chính là động lực to lớn giúp cô vượt qua bóng tối tuyệt vọng. (Ảnh: Sống khỏe) |
Tháng 8/2014, chị nhận chẩn đoán ung thư vú đã di căn vào gan. Không đợi đến khi tóc rụng, chị đến tiệm cạo đầu rồi gửi tặng mái tóc của mình cho tổ chức từ thiện chuyên làm tóc cho trẻ em bị hói bẩm sinh. (Ảnh: An ninh Thủ đô) |
Tính đến nay, Mạng lưới ung thư vú Việt Nam đã đem lại hàng triệu món quà tinh thần giá trị cho những bệnh nhân đang chống chọi với căn bệnh nghiệt ngã này. Hàng triệu phụ nữ Việt Nam được hưởng lợi từ hai chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức về ung thư vú năm 2013, 2014 mang tên “Vượt qua nỗi sợ hãi” và “Mạnh hơn sợ hãi”. Nhiều phụ nữ Việt mắc ung thư vú được hỗ trợ miễn phí bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật, được tặng tóc giả, hỗ trợ làm đẹp trong quá trình hóa, xạ trị và tập yoga nâng cao thể chất.
Cuối cùng, sau 3 năm chống chọi kiên cường với bạo bệnh, Thương Sobey đã ra đi mãi mãi nhưng sự lạc quan, những việc có ích cho bệnh nhân ung thư vú khiến hàng triệu người khâm phục.
5. Ca sỹ Hari Won
Năm 2012, Hari Won phát hiện mình bị ung thư cổ tử cung. (Ảnh: Phụ nữ today) |
Nổi lên sau chương trình truyền hình thực tế “Cuộc đua kỳ thú”, Hari Won trở thành “hiện tượng” được đông đảo khán giả yêu mến. Cô gái Hàn Quốc nói tiếng Việt hơi lơ lớ, tính cách lí lắc, sở hữu giọng hát trong trẻo đã chiếm được sự yêu mến của công chúng. Vài năm gần đây, Hari Won mới tiết lộ, cô đã phải trải qua những cuộc phẫu thuật nguy hiểm để điều trị căn bệnh ung thử cổ tử cung từ cuối năm 2012. Hari tâm sự: “Tôi từng nghĩ, cứ làm việc khổ cực mãi rồi cũng ‘tiêu’. Vì ung thư ở những người già sẽ phát triển chậm, còn ở người trẻ thì nó sẽ di căn nhanh hơn”.
Trải qua ca mổ đầu tiên không thành công, Hari lo lắng: “Lúc này, tinh thần gần như suy sụp hoàn toàn vì nghĩ rằng mình có thể sẽ không qua khỏi. Nhưng phẫu thuật là cơ hội duy nhất nên mình cũng không còn cách nào khác là cố gắng trấn an bản thân và người thân”.
Hari Won đã "về chung một nhà" với MC, diễn viên Trấn Thành. (Ảnh: 24h) |
Từng trải qua những giai đoạn điều trị mệt mỏi, Hari Won đưa ra lời khuyên cho những bệnh nhân mắc ung thư: "Điều quan trọng nhất là giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ và tin vào phác đồ điều trị của bác sĩ. Hari đã gặp rất nhiều người vì quá hoang mang, lo lắng nên có tâm lí ai mách gì hay cũng theo. Như vậy, không những không hiệu quả mà còn rất áp lực với bản thân và người thân".
Nữ ca sĩ cũng nói thêm: "Mọi người nên tìm thêm thông tin tham khảo ở các nguồn tin uy tín để nâng cao hiểu biết và hệ miễn dịch của mình. Đừng kiêng khem phản khoa học vì sức khỏe yếu sẽ làm bệnh nhân mất sức chiến đấu với bệnh tật".
Phát hiện một loại củ ở Việt Nam có chất chống ung thư mạnh hơn thuốc 10.000 lần | |
Nguy cơ nhiễm trùng nặng do thuốc chữa ung thư | |
Nguyên nhân gây ung thư: 80% do môi trường sống |