Trận động đất kéo theo cơn sóng thần khổng lồ đã xóa sổ nhiều thị trấn ở vùng đông bắc Nhật Bản ngày 11/3/2011. Ảnh: Reuters |
11/3/2017 là ngày kỷ niệm lần thứ 6 thảm họa hạt nhân Fukushima. Đây là vụ khủng hoảng hạt nhân kinh hoàng nhất kể từ vụ nổ nhà máy Chernobyl ở Ukraine năm 1986.
Ngày 11/3/2011, trận động đất 9 độ Richter và sau đó là các đợt sóng thần cao 10m đã tàn phá một vùng rộng lớn đông bắc Nhật Bản, cướp sinh mạng của hơn 16.000 người và hàng nghìn người khác vẫn mất tích.
Động đất và sóng thần đã làm hỏng hệ thống làm lạnh tại 4 lò phản ứng của nhà máy Fukushima I, kéo theo cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử Nhật Bản. Hàng chục nghìn người được yêu cầu sơ tán khỏi phạm vi 20km quanh các lò phản ứng của nhà máy Fukushima I.
6 năm sau, quá trình xử lý các lò phản ứng vẫn là thách thức lớn với Nhật Bản. Và cũng ngần ấy năm, hậu quả của vụ rò rỉ tại Fukushima vẫn còn tác động lớn tới cuộc sống của những người bị phơi nhiễm phóng xạ.
Phân biệt đối xử
Trong các bài báo về thảm họa Fukushima, truyền thông thường gọi những người tình nguyện quay trở lại khu vực nguy hiểm là “samurai", "kamikaze" hoặc đơn giản là "anh hùng Fukushima".
Tuy nhiên, theo một khảo sát của phóng viên tờ Washington Post Sayuri Romei, với những người Nhật bị phơi nhiễm phóng xạ còn sống sau thảm họa, từ vụ đánh bom ở hai thành phố Hiroshima và Nagasaki tới Fukushima, đều đang bị phân biệt đối xử. Ở Nhật, người ta gọi những người sống sót sau hai vụ ném bom nguyên tử, hoặc nạn nhân của thảm họa nhà máy điện ở Fukushima là hibakusha.
Theo Shuntaro Hida, nhân chứng trong vụ ném bom nguyên tử ở thành phố Hiroshima thời Thế chiến II, khoảng 80% số người sống sót sau vụ ném bom chọn sống ẩn dật, không muốn công khai mình là người sống sót, bởi sợ bị đối xử phân biệt.
Là một hibakusha, điều này đồng nghĩa họ sẽ khó có cơ hội tìm vợ hoặc chồng. Lee Jong Keun, một hibakusha người Nhật gốc Hàn, đã kết hôn nhưng giữ kín chuyện ông là nạn nhân sống sót trong vụ ném bom. Mãi tới năm 2012, ông mới dám tiết lộ điều này với vợ và 3 con gái.
Trong bức thư gửi em gái tờ Asahi Shimbun đăng vào năm 2010, Kazue Inoue viết cô từng bị nhiều người từ chối kết hôn vì là một nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử ở thành phố Nagasaki. Cô chọn cách không tiết lộ thân phận của mình cho người mai mối. Inoue kết hôn vào những năm 1960. Thế nhưng, khi phát hiện ra Inoue là một hibakusha, mẹ chồng không cho phép cô có thai bởi bà sợ con dâu sẽ sinh trẻ mang dị tật. Cuộc hôn nhân kết thúc sau đó không lâu. Trong thư gửi em gái, cô nói mình không thể đổ lỗi cho mẹ chồng bởi hiểu nỗi lo sợ của bà.
Những hibakusha thường phải giấu cánh tay của họ, ngay cả trong mùa hè, bởi những vết sẹo lồi được cho là có thể lây nhiễm. Masaya Kutsunai, nạn nhân của vụ ném bom ở Hiroshima, còn nhớ như in cảm giác ngại ngùng khi tới phòng tắm công cộng vì sợ người khác nghi ngờ và ghê sợ.
Những nạn nhân của thảm họa Fukushima cũng rơi vào tình huống khó xử tương tự. Theo một cuộc điều tra năm 2017 của Akira Imai, giáo sư Đại học Fukushima, và tờ Asahi Shimbun, 62% trong số 348 người sơ tán khỏi Fukushima năm 2011 cho biết, họ từng trải qua hoặc chứng kiến nạn bắt nạt và phân biệt vì bị phơi nhiễm phóng xạ.
Khói bốc ra từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima tháng 3/2011. Ảnh: Reuters |
Theo chương trình Fukushima Kodomo Kenkō, thảm họa hạt nhân đã làm xáo trộn đáng kể lối sống của cư dân khu vực chịu ảnh hưởng. Lo lắng về thông tin, sợ bị đối xử phân biệt cùng những thay đổi khác trong cuộc sống luôn ám ảnh tâm trí họ.
Theo Masae Yuasa, giáo sư tại Đại học Thành phố Hiroshima, những người chọn ở lại khu vực bị ô nhiễm vẫn rất chú ý tới nguy cơ tiếp xúc phóng xạ. Họ vẫn mua nước uống đóng chai và rau củ từ vùng khác và đưa con cháu tới nơi không bị ô nhiễm vào dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ. Những ai rời Fukushima để bắt đầu cuộc sống mới cũng phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt từ người khác.
Giáo viên, nhà khoa học và giáo sư đại học là những người thường nói lời hằn học về nạn nhân Fukushima, theo Washington Post. Trên trang Twitter, một giáo sư địa chất tại Đại học Yukio Hayakawa ở tỉnh Gunma, viết những lời cay nghiệt: “Tôi không quan tâm nông dân tới từ Fukushima. Tôi không quan tâm nếu tất cả họ đều chết. Đó không phải là vấn đề của tôi. Tất cả những gì tôi quan tâm là gia đình và cá nhân tôi. Tôi không thể chấp nhận việc những người đó đang đầu độc chúng tôi bằng sản phẩm của họ”.
Tháng 11/2016, tờ Asahi Shimbun đưa tin, một cậu bé 13 tuổi chuyển từ Fukushima đến Yokohama năm 2011 thường bị bắt nạt ở trường. Họ ọi em là "vi khuẩn” và đòi tiền vì chúng cho rằng người ở Fukushima có tiền bồi thường.
Mập mờ hai chữ ‘trách nhiệm’
Người biểu tình cầm biểu ngữ phản đối năng lượng hạt nhân trước trụ sở Công ty điện lực TEPCO, đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, ngày 11/3/2016. Ảnh: Reuters |
Rất khó để xác định có bao nhiêu người bị ảnh hưởng bởi sự cố ở nhà máy Fukushima I, cũng không có định nghĩa rõ ràng về “người bị ảnh hưởng". Thuật ngữ "sơ tán" chỉ một trạng thái tạm thời. Khi số lượng “người sơ tán" chính thức được công bố, họ cũng chỉ được nhận viện trợ.
Chính phủ Nhật Bản phân biệt rõ hai nhóm bị ảnh hưởng từ sự cố Fukushima. Một nhóm gồm người được chính phủ yêu cầu sơ tán khỏi khu vực nhiễm độc. Họ gọi nhóm này là “người buộc phải sơ tán” (kyōsei hinansha). Những nạn nhân đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính từ chính phủ và khoản bồi thường từ Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị điều hành nhà máy hạt nhân.
Nhóm thứ hai gồm người sống bên ngoài khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng phải di tản vì giới chức lo ngại sự cố sẽ tác động đáng kể tới cuộc sống, sức khỏe và tâm lý người dân. Nhóm thứ hai được gọi là "người phải sơ tán khẩn cấp" (jishu hinansha). Họ không được nhận hỗ trợ từ chính phủ và địa phương chỉ hỗ trợ một phần, sau sự cố.
Quy định trên khiến nhiều nạn nhân Fukushima nhầm lẫn. Trong khi đó, nhiều nạn nhân có đủ điều kiện được hỗ trợ tài chính cũng không nộp đơn vì sợ bị phân biệt đối xử suốt đời.
Ngoài ra, định nghĩa của chính phủ Nhật Bản về "bệnh liên quan đến bom nguyên tử" rất hạn chế. Dù danh sách đã được bổ sung vào năm 2009, nhiều bệnh liên quan đến phóng xạ vẫn không được công nhận. Nhiều cuộc chiến pháp lý đang diễn ra, như "vụ kiện mưa đen" (kuroi ame soshō), phản ánh nỗ lực của người dân nhằm khiến chính phủ nhận ra hậu quả y tế do chất phóng xạ gây ra.
Suốt thời gian dài sau hai vụ ném bom ở Hiroshima và Nagasaki, công dân Nhật Bản không hề được biết thông tin rõ ràng về những ảnh hưởng sức khoẻ từ chất phóng xạ. Sự mập mờ quanh sự cố hạt nhân ở Fukushima vẫn còn, khi những thông tin bí mật và mâu thuẫn đang dần bị “phanh phui”.
Khi câu hỏi ai gánh trách nhiệm về thảm kịch hạt nhân còn chưa sáng tỏ, nhiều người Nhật không hiểu rằng người sơ tán khỏi Fukushima thực chất là nạn nhân, nên họ không cảm thông và đối xử phân biệt. Thực tế, sự thiếu minh bạch trong vấn đề trách nhiệm đã tạo rào cản lớn, khiến nhiều người tới giờ vẫn nhìn người sống sót bằng ánh mắt khác.