Các ngân hàng trung ương có thể sẽ đồng loạt tăng lãi suất trong năm 2018ẢNH: REUTERS |
2017 dường như là một năm không có quá nhiều sự kiện tác động mạnh mẽ đến thị trường đầu tư, khi cổ phiếu có mức biến động thấp kỷ lục. Tuy nhiên, bất ổn địa chính trị, tăng lãi suất trên khắp thế giới, cuộc chiến thương mại tiềm ẩn Mỹ - Trung, hay mong muốn trở thành lực lượng chi phối nền kinh tế toàn cầu của Trung Quốc đều có khả năng sẽ gây ra nhiều thăng trầm hơn cho thị trường đầu tư trong năm 2018.
Dưới đây là một số vấn đề mà các nhà đầu tư nên chú ý trước khi quyết định đầu tư trong thời gian tới, theo tổng hợp từ CNBC.
Các ngân hàng trung ương tăng lãi suất
Trong vài năm qua, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã nới lỏng định lượng, giảm lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, điều này đã đảo chiều ở Mỹ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất ba lần. Hiện lãi suất chuẩn của Mỹ trong khoảng từ 1,25 - 1,5%.
Mặc dù tại các nước phát triển khác tỷ lệ lãi suất vẫn ở mức thấp, ví dụ Thụy Điển có lãi suất âm 0,5%, nhưng Jeff Knight, người đứng đầu bộ phận giải pháp đầu tư toàn cầu tại Columbia Threadneedle Investment, tin rằng điều đó có thể sẽ thay đổi trong năm nay. Nhiều người mong đợi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) sẽ tăng lãi suất vào một thời điểm nào đó trong năm 2018. Ngân hàng Anh (BOE) có khả năng cũng hành động theo xu hướng này.
Trong khi tỷ lệ lãi suất tăng được xem là một dấu hiệu của sức mạnh kinh tế, nhưng nếu tăng vọt quá nhanh hoặc quá nhiều lần có thể đưa thị trường vào một đợt suy thoái. “Thắt chặt tiền tệ bằng quá nhiều các đợt tăng lãi suất có thể trở thành một trở lực cho tăng trưởng. Đó là những gì đã xảy ra vào cuối một loạt các đợt tăng lãi suất của Fed vào năm 2006”, ông Knight nói.
Căng thẳng Triều Tiên gia tăng
Tuy Triều Tiên đã đồng ý gửi vận động viên đến Thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc, nhưng mối đe dọa chiến tranh với Mỹ vẫn còn và thị trường vẫn sẽ phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn từ vấn đề xung đột hạt nhân.
Tim Courtney, giám đốc đầu tư của công ty tư vấn tài chính Exencial Wealth Advisors, nghĩ rằng chiến tranh sẽ khó diễn ra, nhưng trên thực tế không ai có thể đoán trước được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ làm gì và nói gì tiếp theo. Nếu có thay đổi, chẳng hạn như một cuộc thử tên lửa hạt nhân lớn hơn từ Triều Tiên, thì thị trường có khả năng sẽ phản ứng. Và nếu giá cổ phiếu sụt giảm, thì đó là lúc các nhà đầu tư nên thực sự quan tâm.
Mỹ bắt đầu chiến tranh thương mại
Liệu ông Trump có rút ra khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA)? Liệu ông Trump có tham gia vào một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc? Đó là những câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư có thể đang tự hỏi. Và dường như cho đến thời điểm này câu trả lời vẫn chưa rõ ràng vì thực sự không ai có thể đoán được những gì Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã nói là thật hay chỉ là một chiến thuật đàm phán. Nếu ông Trump rút Mỹ ra khỏi NAFTA, các cổ phiếu ở Bắc Mỹ sẽ có xu hướng giảm, đặc biệt trong số những ngành mà NAFTA tác động nhiều nhất như nông nghiệp và ô tô.
Tuy nhiên, rủi ro thực sự mang tính dài hạn hơn là việc Mỹ trở nên tách biệt và để cho Trung Quốc ra quyết định về các điều khoản của thương mại toàn cầu. “Trung Quốc đang bước vào khoảng trống mà Mỹ để lại và họ đang tăng cường bắt tay vào việc ký các thỏa thuận thương mại với các nước khác”, ông Kim Catechis, người đứng đầu bộ phận về các thị trường mới nổi toàn cầu của công ty đầu tư Martin Currie tại Edinburgh (Anh), cho hay.
Nhiều khả năng điều này có thể tạo điều kiện cho Bắc Kinh gây áp lực cho các công ty Mỹ ở Trung Quốc, qua đó có thể làm tổn thương các nhà đầu tư, đặc biệt đối với những thương hiệu lớn như Nike, Walmart và Apple.
Trung Quốc dần chiếm ưu thế trên toàn cầu
Tiếng nói của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần trở thành lực lượng thống trị toàn cầu hơn. Sau phiên họp toàn thể thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ 19 diễn ra vào ngày 18 và 19.1 tại Bắc Kinh, CPC đã nhất trí thông qua việc đưa tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình vào hiến pháp. Điều này khiến nhiều chuyên gia tin rằng ông Tập sẽ không từ chức sau nhiệm kỳ 5 năm thứ hai của mình. “Tôi tin ông ấy sẽ còn ở vị trí lãnh đạo trong 20 hoặc 25 năm tới”, ông Catechis nói.
Theo một cách nào đó, điều này có thể giúp ổn định thị trường vì như ông Tập đã nói ông muốn cải thiện điều kiện môi trường và tạo ra một nền kinh tế cân bằng hơn. Chủ tịch Trung Quốc cũng đưa ra sáng kiến “Vành đai - Con đường” với những dự án cơ sở hạ tầng kết nối rộng khắp giữa Trung Quốc, châu Âu, Nga và các nước lân cận khác. Đây là một sự thay đổi dài hạn trong trật tự toàn cầu cả về chính trị và kinh tế. Hiện tại có thể các nhà đầu tư vẫn chưa thấy được tác động rõ ràng, nhưng nếu Mỹ vẫn duy trì xu hướng tách biệt mình, thì chắc chắn Trung Quốc sẽ ở đó để lấp đầy khoảng trống. “Về mặt kinh tế, Trung Quốc là một thế lực gây ảnh hưởng cần được tính đến”, ông Catechis nhấn mạnh.
Bất ổn ở Trung Đông
Bất ổn ở Trung Đông luôn liên quan đến các nhà đầu tư, đặc biệt những người quan tâm đến giá dầu. Theo giới chuyên gia, trong trường hợp các cuộc biểu tình gần đây ở Iran bùng phát mạnh mẽ có thể làm gián đoạn sản xuất dầu, đẩy giá năng lượng tăng vọt, kéo theo đó là một loạt sản phẩm khác trở nên đắt hơn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Được biết Iran sản xuất khoảng 4,4 triệu thùng/ngày.
“Nếu đột nhiên chúng ta thiếu hụt mất lượng dầu chúng ta cần, thì điều đó có thể tạo áp lực lạm phát và trở thành mối quan tâm đáng kể theo góc độ GDP”, bà Mandana Hormozi, quản lý danh mục đầu tư của Franklin Mutual Series, nói.
Bất ổn chính trị tiềm ẩn ở Mỹ
Ngân hàng Thế giới kỳ vọng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 2,2% trong năm 2018. Nhiều công ty như Goldman Sachs cũng kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tiếp tục đà tăng ấn tượng. Tuy nhiên, tất cả có thể thay đổi nếu Washington có vấn đề. Hiện tại không có thị trường chứng khoán nào bị phá vỡ, nhưng với những động thái bất thường của ông Trump cùng một số cuộc điều tra đặc biệt đang diễn ra, thì việc thị trường Mỹ gặp biến động là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong trường hợp nền kinh tế lớn nhất thế giới phản ứng lại với một số vấn đề trong nước, thì cổ phiếu toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng. “Vẫn là câu nói cũ, khi Mỹ hắt hơi, thì phần còn lại của thế giới sẽ bị cảm lạnh. Nếu có chuyện bất ngờ xảy ra với chúng ta, thì chúng ta cũng sẽ thấy một cuộc suy thoái ở nơi khác”, Tony Natale, giám đốc nghiên cứu chiến lược của Bryn Mawr Trust, công ty tài chính có trụ sở tại Pennsylvania (Mỹ), nói.
Thời sự 12:51 | 21/08/2018
Thời sự 09:44 | 21/06/2018
Thời sự 12:04 | 10/06/2018
Thời sự 14:51 | 08/06/2018
Thời sự 03:07 | 03/06/2018
Thời sự 10:29 | 17/05/2018
Thời sự 00:07 | 17/05/2018
Thời sự 05:31 | 05/05/2018