Bộ Xây dựng bán cổ phiếu doanh nghiệp với giá gấp ba lần thị trường

Hơn 13,2 triệu cổ phiếu Tổng công ty Sông Hồng được bán đấu giá thành công ở mức 10.500 đồng, gấp ba lần thị giá, mang về cho Bộ Xây dựng 139 tỷ đồng.

Theo thông báo gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Bộ Xây dựng đã đấu giá thành công hơn 13,2 triệu cổ phiếu SHG của Tổng CTCP Sông Hồng. Có hai nhà đầu tư mua vào toàn bộ lượng cổ phiếu trên, gồm một tổ chức và một cá nhân, đều đến từ trong nước.

Giá khớp là 10.500 đồng một cổ phần, bằng với mức khởi điểm. Theo đó, Bộ Xây dựng thu về hơn 139 tỷ đồng và không còn nắm giữ cổ phần sau giao dịch.

Trên thị trường, SHG tăng hết biên độ để chốt phiên cuối tuần ở 3.100 đồng một đơn vị. Như vậy, mức giá ở thương vụ này cao gấp 3,4 lần thị giá hiện tại của cổ phiếu.

Từ cuối tháng 9 đến nay, mã chứng khoán của Tổng CTCP Sông Hồng luôn "đứng yên" ở vùng 2.000-2.500 đồng. Nhiều phiên liên tiếp, cổ phiếu này không có thanh khoản do đang bị hạn chế giao dịch, chỉ được mua và bán vào thứ sáu hàng tuần. Nguyên nhân là SHG bị âm vốn chủ sở hữu và có hai năm liên tiếp không tổ chức đại hội cổ đông.

Tại Tổng CTCP Sông Hồng, Bộ Xây dựng đại diện Nhà nước sở hữu 49,04% vốn. Cơ quan này từng muốn thoái sạch phần vốn vào cuối năm 2020 nhưng không thành do "chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền". Thời điểm đó, Bộ Xây dựng đưa ra giá khởi điểm là 10.000 đồng một cổ phiếu, cao gấp 4,5 lần thị giá.

Nguồn: VnExpress. 

Tổng CTCP Sông Hồng kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực thi công xây dựng các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, kỹ thuật hạ tầng đô thị và khu công nghiệp. Công ty này từng tham gia nhiều công trình lớn như Sân bay Nội Bài (Hà Nội), nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ), nhà thi đấu đa năng Đà Nẵng, khu nhà máy chính và khu hành chính thuộc Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh) hay các dự án căn hộ chung cư ở Hà Nội.

Năm 2009, doanh nghiệp chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) gần 7 triệu cổ phần. Đây cũng là giai đoạn kinh doanh cực thịnh của SHG. Từ 2008-2010, kết quả sản xuất kinh doanh năm sau luôn cao gấp 1,5 lần năm trước, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 45%. Doanh thu của công ty năm 2010 đạt đỉnh hơn 3.900 tỷ đồng.

Tuy nhiên SHG bắt đầu có dấu hiệu sa sút từ hai năm sau đó. Từ năm 2015, doanh nghiệp này bắt đầu lỗ và chuỗi kinh doanh dưới giá vốn kéo dài đến nay. Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã soát xét, lỗ lũy kế của công ty lên đến hơn 1.290 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 987 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán cũng nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của SHG.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.