Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là một trong số nhiều doanh nghiệp do UBND TP HCM quản lí, nằm trong danh sách phải cổ phần hóa trước năm 2021 theo quyết định mới đây của Thủ tướng.
Tương tự nhiều doanh nghiệp khác, SJC cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, hoặc không nắm giữ cổ phần.
Xem thêm: Giá vàng hôm nay 25/9: Giữ vững đà tăng trưởng, lên hơn 1.530 USD/ounce
SJC là doanh nghiệp đầu tiên cho ra đời sản phẩm vàng miếng đầu tiên mang nhãn hiệu Rồng Vàng SJC 999.9. (Ảnh: SJC).
SJC được thành lập năm 1988, theo Quyết định số 180/QĐ-UB của UBND TP HCM với tên gọi Công ty Vàng bạc thành phố.
Một năm sau, SJC cho ra đời sản phẩm vàng miếng đầu tiên mang nhãn hiệu Rồng Vàng SJC 999.9, gồm loại miếng 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ, 1 lượng và 2 lượng. Với sản phẩm vàng miếng này, SJC đã làm thay đổi việc thanh toán bằng vàng nhẫn, vàng lá cũ tại thị trường trong nước.Năm 2003, công ty chuyển sang mô hình công ty mẹ - công ty con, đổi tên thành Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn.
Năm 2010, SJC chính thức mang tên Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn, định hướng phát triển thành một tập đoàn kinh tế đầu ngành của quốc gia và một thương hiệu quốc tế trong vòng vài năm tới.
Hiện mua bán vàng bạc, gia công, chế tác, xuất nhập khẩu trang sức, vàng bạc, đá quý là ngành kinh doanh chính của SJC. Bên cạnh đó, SJC còn cho thuê văn phòng, địa ốc, đầu tư tài chính và dịch vụ vào các doanh nghiệp khác.
Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2018 của SJC, cho biết tính đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản của SJC đạt 1.544 tỉ đồng, tuy có giảm nhẹ nhưng không chênh lệch nhiều so với đầu năm.
Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền của SJC đạt 171 tỉ đồng, tăng đến 79 tỉ so với cùng kì năm ngoái. Nợ phải trả của SJC tính đến cuối năm giảm 31 tỉ so với cùng kì, còn 91 tỉ đồng.
Tương tự nhiều doanh nghiệp nằm trong nhóm phải cổ phần hoá trước năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng, vốn chủ hữu của SJC cũng không được điều chỉnh linh hoạt theo xu thế thị trường. Thậm chí, trong khi các doanh nghiệp khác hầu như không thay đổi đáng kể, thì vốn sở hữu của SJC lại có xu hướng giảm mạnh chỉ trong vài năm.
Kết thúc năm 2018, vốn chủ sở hữu của SJC chỉ còn 1.453 tỉ đồng, trong khi đó, năm 2013, vốn chủ sở hữu của SJC đạt 1.658 tỉ, tức giảm đến 205 tỉ đồng.
Công ty Liên doanh băng từ Sài Gòn Saindes đã dừng hoạt động 22 năm nhưng hiện vẫn chưa giải thể. (Ảnh: Thanh Niên).
Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của SJC cũng cho biết thêm, tính đến cuối năm 2018, SJC có tổng cộng 5 công ty con, với tỉ lệ góp vốn từ 51-59,57%.
Các công ty này gồm Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Minh Khai, Công ty CP Kim hoàn Sài Gòn SJC, Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Cần Thơ, Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Chợ Lớn và Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Bàn Cờ.
Ngoài ra, "ông lớn" trong ngành kinh doang vàng bạc đã quý còn có 5 công ty liên kết khác với tỉ lệ góp vốn từ 32-49%.
Đáng chú ý, báo cáo cũng tiết lộ công ty mẹ đang gặp khó khăn tại nhiều công ty con, công ty liên kết, khi kết quả kinh doanh tại các công ty này đang không hiệu quả. Thậm chí, một liên doanh của SJC đã giải thể cách đây hơn chục năm nhưng hiện doanh nghiệp vẫn chưa rút được vốn đã góp.
Trường hợp đặc biệt này là Công ty Liên doanh băng từ Sài Gòn Saindes. Công ty được thành lập năm 1993, trên cơ sở liên doanh giữa SJC, Indesen Co. Ltd (Hong Kong) và Asia Investment and Trading Co. Công ty có vốn đầu tư 10,5 triệu USD, trong đó SJC góp vốn 45%.
Liên doanh này giải thể năm 1997, tức chỉ sau 4 năm thành lập vì mâu thuẫn nội bộ. Các bên liên quan đã kí biên bản phân chia tài sản vào năm 2000, nhưng sau đó Tổng giám đốc SJC đương thời cho rằng biên bản không có giá trị pháp lí, nên không thực hiện phân chia.
Tính đến nay, tức sau 22 năm, việc phân chia tài sản tại Công ty Liên doanh băng từ Sài Gòn Saindes vẫn chưa thể thực hiện, nên SJC vẫn còn kẹt khoản vốn góp tương đương 18,5 tỉ tại đây.
Ngoài liên doanh này, SJC cũng cho biết đã và đang hoàn tất thủ tục giải thể Công ty CP Đầu tư và bất động sản Sài Gòn châu Á.
Riêng công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Chợ Lớn, công ty sẽ tiến hành giải thể hoặc phá sản khi hội đủ điều kiện.
Ngoài việc gặp khó trong thoái vốn tại các công ty con, tình hình kinh doanh của SJC trong nhiều năm qua cũng không khả quan, khi doanh thu và lợi nhuận liên tục sụt giảm.
Từ năm 2013, daonh thu SJC giảm mạnh và duy trì quanh mức 20.000 tỉ đồng. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Đáng chú ý, năm 2012, SJC là doanh nghiệp kinh doanh vàng dẫn đầu về doanh thu, do được Nhà nước giao nhiệm vụ là doanh nghiệp độc quyền sản xuất vàng miếng cho thị trường trong nước.
Năm này, doanh thu SJC đạt 72.087 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 295 tỉ đồng.
Tuy nhiên, chỉ sau đó một năm, kết quả kinh doanh của SJC đã tụt dốc thê thảm, chỉ còn 27.668 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận giảm về còn 191 tỉ đồng.
Kể từ đó, doanh thu của SJC dao động quanh mốc 20.000 tỉ đồng mỗi năm, và lợi nhuận tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn khoảng vài chục tỉ đồng.
Kết thúc năm tài chính 2018, doanh nghiệp sản xuất vàng miếng đầu tiên này có tổng doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 20.871 tỉ, giảm 9% so với năm 2017. Tuy nhiên, theo đơn vị kiểm toán, thực tế con số này thấp hơn, bởi SJC chưa loại trừ doanh thu tiêu thụ nội bộ giữa các đơn vị trực thuộc và trụ sở chính hơn 2.600 tỉ đồng.
Đáng chú ý, dù SJC đã cắt giảm đến 19% chi phí bán hàng, 33% chi phí quản lí doanh nghiệp nhưng lợi nhuận vẫn sụt giảm so với năm tài chính 2017.
Cụ thể, lãi trước thuế SJC trong cả năm 2018 chỉ đạt 36 tỉ đồng, giảm đến 49 tỉ so với năm 2017.
Lợi nhuận SJC năm 2018 đang ở mức thấp kỉ lục. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi của SJC chỉ còn 28 tỉ đồng, bằng 35% của cùng kì năm 2017. Đây là mức lãi ròng thấp nhất của SJC kể từ năm 2010 đến nay.
Kết quả kinh doanh ngày càng giảm sút của SJC bắt đầu từ năm 2012, khi giá vàng thế giới hạ nhiệt, một phần khác, Nghị định 24 siết chặt quản lí thị trường vàng có hiệu lực từ năm 2012. Trong khi đó, những năm trở lại đây, thị trường vàng bạc đá quý tiếp tục có sự cạnh tranh quyết liệt bởi nhiều thương hiệu như PNJ, DOJI.